1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lãi suất linh hoạt sẽ giúp giảm áp lực lạm phát

(Dân trí) - Động thái nâng lãi suất cơ bản lên 12%/năm của Ngân hàng Nhà nước được giới phân tích kinh tế đón nhận với một thái độ tích cực khi cho rằng nó sẽ góp phần làm giảm lạm phát.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng Ngân hàng nhà nước đã ứng xử linh hoạt hơn khi sử dụng lãi suất cơ bản để điều tiết thị trường tiền tệ.

 

Một “sai lầm thú vị” đã được sửa chữa

 

Theo đánh giá của TS Nguyễn Đức Thành: “Việc nhiều người cho rằng trần lãi suất huy động sẽ giúp làm giảm lãi suất cho vay ra, và do đó khu vực doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi suất vay vốn thấp tương ứng là một sai lầm thú vị trong lập luận kinh tế học”.

 

Việc NHNN áp dụng mức trần lãi suất nhằm mục đích hạn chế lãi suất cho vay của các ngân hàng góp phần làm giảm giá vốn, qua đó kiềm chế lạm phát.

 

Nhưng theo những diễn biến thực tế xảy ra trên thị trường tiền tệ hoàn toàn không đơn giản như vậy. Việc áp dụng lãi suất thấp khiến các ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn trong việc huy động vốn.

 

Nhiều ngân hàng phải tăng cả lãi suất không kỳ hạn lên cao, tạo nên một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Khu vực doanh nghiệp cũng không tránh khỏi cảnh “lao đao” khi rất khó vay vốn trong hệ thống ngân hàng.

 

Việc áp dụng trần lãi suất huy động không giúp ích cho mục đích phục vụ kinh doanh mà hoàn toàn ngược lại.

 

Ông Thành lý giải: “Lãi suất huy động thấp khiến khả năng thu hút vốn thấp. Kết quả là vốn cung ứng từ ngân hàng cho khu vực kinh doanh trở nên khan hiếm.

 

Khi vốn phục vụ kinh doanh khan hiếm, thực tế lãi suất cho vay có khuynh hướng tăng lên rất nhanh. Nếu không có trần lãi suất cho vay ra từ ngân hàng, trên thực tế doanh nghiệp sẽ phải vay với lãi suất cao hơn so với trường hợp không có trần lãi suất huy động.

 

Nhưng ngay cả khi có trần lãi suất cho vay, thì không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ vay được vốn với mức giá trần đó. Vì đơn giản là lúc này vấn đề lại nằm ở chỗ rất khó tiếp cận khoản vay, vốn đang khan hiếm.

 

Như vậy, trong trường hợp nào, mục đích giúp doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay với lãi suất như nhà nước mong muốn,  đều không đạt được”.

 

Việc Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ chính sách trần lãi suất đã sửa chữa “một sai lầm thú vị trong lập luận kinh tế học”. Thông qua lãi suất cơ bản, NHNN sẽ có thể ứng xử linh hoạt hơn trong việc điều hành thị trường tiền tệ.

 

Nhiều vốn hơn, hàng hóa sẽ nhiều hơn

 

Theo phân tích của ông Thành, lợi nhuận của các ngân hàng được tính bằng tích của độ chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhân với khối lượng vốn cho vay.

 

Theo cách tính toán trên thì việc bỏ trần lãi suất sẽ giúp  các ngân hàng tăng lợi nhuận chủ yếu thông qua tăng khối lượng vốn cho vay, đồng thời giảm chênh lệch lãi suất. Nghĩa là, lãi suất huy động sẽ có khuynh hướng tăng, khiến lượng vốn huy động được dồi dào hơn, và kết quả là lãi suất cho vay sẽ giảm.

 

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh lãi suất cơ bản và cơ chế điều hành lãi suất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng. Theo đó, lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 13,3% mỗi năm, từ 6-12 tháng là 13,5% và trên 12 tháng là 13%.

 

Việc NHNN quyết định bỏ trần lãi suất huy động được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phù hợp với tình hình hiện nay. Khi các ngân hàng được “tự do” trong việc tăng lãi suất thì “vốn huy động qua hệ thống ngân hàng sẽ nhiều hơn và do đó lượng cung tiền ra cho doanh nghiệp nhiều hơn”.

 

Giá vốn tăng sẽ đóng góp vào mức tăng giá sản phẩm, nhưng sẽ chậm hơn mức tăng do lạm phát vì vốn chỉ là một trong các nhân tố sản xuất. Nhưng nhờ có nhiều vốn hơn, doanh nghiệp gia tăng sản xuất, cung hàng hoá nhiều hơn sẽ giúp giảm áp lực lạm phát, ông Thành đánh giá.

 

Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước việc áp dụng lãi suất cơ bản 12%/năm sẽ góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người gửi tiền – tổ chức tín dụng - người vay vốn.

 

Với mức lãi suất cơ bản trên thì lãi suất cho vay một năm tối đa của các tổ chức tín dụng là 18%, tương đối phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường, không gây nên những xáo trộn lớn trên thị trường tiền tệ, tín dụng.

 

 

Lãi suất linh hoạt sẽ giúp giảm áp lực lạm phát - 1
 

Hình 1: Hoạt động của thị trường vốn khi không có can thiệp.

 

Lãi suất linh hoạt sẽ giúp giảm áp lực lạm phát - 2
 

Hình 2: Thị trường khi bị đặt trần và những méo mó, tiêu cực nảy sinh

So với trường hợp đầu, thì vốn huy động ít đi, và do đó cung cho doanh nghiệp ít, nên ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng có quyền o ép doanh nghiệp để thu thêm các khoản khác, bất chất lãi suất cho vay trần. Điều quan trọng là, nếu bỏ trần lãi suất, thì lãi suất huy động có khuynh hướng tăng và lãi suất cho vay có khuynh hướng hạ. Như vậy cả người dân lẫn doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Và vì lãi suất cho vay kinh doanh hạ, sức ép ạm phát sẽ giảm chứ không tăng như nhiều người lo ngại.

 

Huỳnh Linh