1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Lại khổ vì mỏ đá!

(Dân trí) - Bắt đầu từ sáng sớm, ngày nào người dân phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cũng phải chịu đựng tiếng ồn ã khủng khiếp của hàng trăm chuyến xe tải chở đá rầm rập chạy qua, tiếng nổ chói tai của những trái mìn phá đá, chống chọi với những lớp bụi đá mù mịt bốc lên từ mỏ đá núi Phước Tường.

Núi Phước Tường là nơi có chất lượng đá được đánh giá vào loại tốt nên nhiều năm nay, đây là một địa điểm khai thác lý tưởng, cung cấp đá xây dựng không chỉ cho thành phố Đà Nẵng mà còn cho một số tỉnh lân cận.

 

Khi những mỏ đá đầu tiên hình thành cũng là khi người dân gần mỏ đá phải sống cảnh khốn khổ. Trước hết, loại bột đá phế thải không sử dụng được nằm dưới chân núi, gặp mùa mưa cứ thế mà trôi về phía đất ruộng sản xuất của người dân, có nơi sâu đến cả mét. Người dân phản ứng và đòi đền bù thì các doanh nghiệp khai thác ngụy biện cãi là do khách quan, do mưa chứ họ không cố ý. Thay vì đền bù theo đúng mức thiệt hại của người dân, họ chỉ đền bù theo kiểu hỗ trợ.

 

Càng về sau, môi trường càng ô nhiễm, tiền công “làm sạch ruộng” lúc bắt đầu vào thời vụ quá lớn nên nhiều người chán nản, phải bỏ ruộng.

 

Không những bỏ ruộng, hàng trăm hộ dân còn phải chịu cảnh “đóng cửa bỏ nhà” mỗi khi các nhà máy xay đá hoạt động. Càng tiến về gần chân núi Phước Tường, con đường Lê Trọng Tấn càng trở nên mờ mịt hơn. Cả một không gian bụi phủ mờ như sương giăng khiến nhiều gia đình phải sơ tán con cái đến nơi khác.

 

Nhiều người dân bức xúc đem các chướng ngại vật ra để giữa đường để chặn xe, nhưng không có kết quả. Bản thân những tài xế đã quá quen với cảnh này nên dù ngồi trong xe đóng kín cửa, họ vẫn không quên bịt khẩu trang.

 

Chị Nguyễn Thị Ngoãn, một người sống trong vùng, than thở: “Nhiều năm nay, chúng tôi chỉ như sống được về đêm. Cực nhất là mỗi khi gió thổi bụi đá theo gió mà nương cả vào nhà... Không biết có ảnh hưởng gì đến phổi không nữa”.

 

Không những vậy, các hộ dân nơi đây còn phải đối mặt với tiếng ồn và tình trạng nứt nhà do chấn động từ mìn phá đá. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mười mới cất được căn nhà nhưng do bị chấn động nên chỉ sau một năm đã dần bị nứt toác. “Cứ mỗi ngày nổ hàng tạ, hàng tấn mìn thì cái gì chịu cho thấu”, bà Mười nói.

 

Một người dân khác chép miệng: “Mới ngày nào ngọn núi còn xanh rì thế kia mà bây giờ trông lở lói khó coi quá. Trước đây khu vực này rất mát mẻ, giờ chỉ thấy nắng là nắng, lại đâm ra nóng nực quá”.

 

Theo Phòng Quản lý tài nguyên - Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, sản lượng đá khai thác tại hệ núi Phước Tường đang tăng lên theo từng năm. Công suất khai thác mà UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho cả bảy mỏ đá tại đây chỉ là 500.000m3/năm, nhưng trên thực tế con số này đã vượt ngưỡng 1,3 triệu m3 vào năm 2005 và 2006, và còn tăng nữa trong năm nay.

 

Nằm ở cửa ngõ Tây Nam của thành phố, mảnh rừng xanh của núi Phước Tường sẽ làm mát dịu cả một không gian đô thị đang được qui hoạch mở về phía khu vực này. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra ở núi Phước Tường lại báo động một tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân, mà chưa có giải pháp nào hữu hiệu để hạn chế.

 

Lê Tấn Quỳnh