1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lại đau đầu với 2.000 tấn thép phế liệu độc hại

(Dân trí) - Việc công an Hải Phòng phát hiện một lô hàng hơn 2.000 tấn sắt thép phế liệu độc hại được nhập từ Nhật Bản vào, hôm 4/4 vừa qua, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Việc Chính phủ cho thông quan 7.000 tấn thép phế liệu đã tạo tiền lệ xấu?

Trở lại hồi tháng 1/2008, gần 7.000 tấn thép phế liệu chứa chất độc hại bị phát hiện được nhập khẩu vào Việt Nam, vi phạm Luật bảo vệ môi trường. Tại thời điểm đó, Chính phủ đã đồng ý cho thông quan số phế liệu này do nước xuất khẩu không đồng ý nhập lại.

Cụ thể, theo kết quả báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, trong 6 doanh nghiệp bị phát hiện nhập khẩu 246 container thép phế liệu có chứa chất độc hại qua cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn, chỉ có Tập đoàn Hòa Phát tái xuất 29 container, còn lại các doanh nghiệp đều đề nghị cho thông quan.

Cần phải nói rằng, biện pháp xử lý của Chính phủ đối với vụ 7.000 tấn thép là giải pháp tình thế. Không rõ Công ty cổ phần thép Vạn Lợi không hiểu hay cố tình không hiểu mà lại tiếp tục nhập 2.000 tấn thép phế liệu và bị thu giữ hôm 4/4 vừa qua.

Xung quanh vụ việc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường (Bộ TN&MT). Ông Hà khẳng định: Quan điểm của Bộ TN&MT là phải xử lý nghiêm theo pháp luật, bắt tái xuất bằng được số thép phế độc hại nói trên.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị vĩnh viễn chấm dứt cấp giấy phép nhập khẩu thép phế liệu của công ty này bởi họ đã tái phạm nhiều lần. Trường hợp xấu nhất không tái xuất được thì sẽ có hình thức tịch thu và tái chế để để sung công quĩ.

Ông Hà cũng khẳng định không hề có tiền lệ đối với việc cho thông quan 7.000 tấn thép phế liệu trước đó. "Vấn đề xử lý thép phế liệu chứa chất độc hại còn là lĩnh vực mới mẻ đối với cả các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp. Các chế tài xử lý cũng còn nhiều bất cập. Việc cho thông quan 7.000 tấn thép phế vừa rồi là Nhà nước xem xét trên những điều kiện cụ thể, hài hòa ý kiến của các bên" - ông Hà nói.

Trong trường hợp không cho tái xuất được, Bộ TN&MT, Bộ Công thương và Hiệp Hội thép đã chỉ định 5 nhà máy thép có công nghệ và máy móc hiện đại, có thiết bị giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường, địa điểm xa khu dân cư, các ống khói đảm bảo có thể kiểm soát được.

Việc xử lý tái chế luôn đặt trong tình trạng kiểm soát môi trường. Nếu quá trình xử lý mà thấy có vấn đề môi trường nào đó lớn, như có nồng độ khí điôxin... thì lúc đó khả năng là tái xuất, còn tồi tệ hơn nữa là chôn lấp...

Đáng chú ý, chúng ta chưa thể biết được sẽ có chất gây ô nhiễm nào cũng như mức độ đến đâu cho đến khi được đưa vào xử lý. Vậy nếu khả năng xấu nhất xảy ra là có chất điôxin trong đống thép này thì hậu quả sẽ như thế nào? Đây cũng là vấn đề mà ông lo nhất.

Nếu không xử lý bằng biện pháp trên thì cũng còn một biện pháp nữa là chôn lấp. "Nhưng với một khối lượng chất thải độc hại quá lớn như vậy thì cần diện tích đất lớn để chôn lấp. Và nếu có chôn lấp thì đó cũng tương tự như một nghĩa địa của chất thải. Bởi vậy hướng tối ưu nhất sẽ là bắt cho tái xuất" - ông Hà nói.

Lan Hương