Gần 7.000 tấn thép phế liệu bị ách tại cảng:
Doanh nghiệp “nằm thở” vì luật chưa rõ
(Dân trí) - Hàng trăm container sắt thép phế liệu dạng lon, hộp kim loại ép thành khối với khối lượng gần 7.000 tấn do 5 công ty nhập khẩu từ nước ngoài về đã bị “ách lại” tại các cảng ở Hải phòng và TPHCM gần 4 tháng nay với lý do vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Luật chưa thống nhất...
Ngày 11/9/2007, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã quyết định tạm dừng không thông quan lô hàng gồm 1.401,45 tấn thép phế liệu dạng ống bơ được ép thành khối do Công ty TNHH thương mại Anh Trang (có trụ sở tại Hải Phòng) nhập về.
Khi có kiến nghị từ phía Công ty Anh Trang thì phía Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn có phiếu yêu cầu tổ chức giám định Vinacontrol (Cơ quan chuyên ngành giám định hàng hóa) giám định lô hàng có đủ điều kiện nhập khẩu theo Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường hay không.
Đến ngày 25/9/2007, Vinacontrol đã có chứng thư giám định số 07G02HQ0506 kết luận: “Hàng hoá thực kiểm là phế liệu dạng bao bì (lon, hộp) kim loại, có nguồn gốc từ thép lá mạ, sơn phủ, nhiều loại quy cách đã qua sử dụng, đã được loại bỏ những vật liệu khác. Lô hàng có thể đưa vào sử dụng để nấu luyện, thu hồi thép phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, ngày 9/10/2007, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM và Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra tại hiện trường.
Kết luận tại biên bản liên ngành làm việc lại nêu rõ: “Lô hàng gồm lon (kim loại) phế liệu chưa được làm sạch, đã ép thành khối. Theo cảm quan đây là hàng khô, còn bám dính các tạp chất đi kèm: Căn cứ Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường và QĐ số 12/QĐ-BTNMT thì lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu”.
Và ngày 10/10/2007, Chi cục hải quan cửa khẩu cảng sài gòn khu vực 1 lại có công văn số: 1667/KV1-HHN đề nghị Vinacontrol tái giám định lô hàng của tờ khai trên.
Thế nhưng, trong công văn trả lời yêu cầu tái giám định lô hàng của Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn, ông Huỳnh Hành - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Vinacontrol TPHCM cho rằng: “Chúng tôi không thể xác định được mức độ “sạch” được chấp nhận theo những quy định không cụ thể, không rõ ràng của Điều 43 Luật Luật Bảo vệ môi trường. Do không có định nghĩa rõ ràng các từ ngữ có thể dẫn đến mỗi đơn vị, ban, ngành sẽ hiểu một cách khác nhau, khó đi đến thống nhất”. Vinacontrol TPHCM cũng từ chối không tái giám định lô thép nhập khẩu.
... Đánh đố doanh nghiệp
Từ tháng 9/2007 đến nay, tổng cộng đã có khoảng hơn 200 container với khoảng 6.685 tấn thép phế liệu, trị giá gần 2,5 triệu USD được nhập về các cảng Hải Phòng và Sài Gòn.
Trong đó, công ty TNHH Anh Trang (Hải Phòng) là nhà nhập khẩu lớn nhất với 91 container (khoảng 3.000 tấn thép phế liệu); Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát 69 container (1.476 tấn); Công ty TNHH thép Techmart 73 container (1.500 tấn); Công ty CP thép Đình Vũ 16 container (400 tấn)...
Trao đổi với Dân trí, Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty TNHH Anh Trang - cho biết: “Với hơn 3.000 tấn thép phế liệu gồm 91 container của Công ty Anh Trang đang bị giữ tại các cảng TPHCM, mỗi ngày chúng tôi phải mất 1.000 USD lưu kho bãi, mà thời gian lưu kho đã gần 3 tháng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng mất rất nhiều uy tín với các bạn hàng vì qua sự việc này chúng tôi đã phải phá bỏ rất nhiều hợp đồng với khách hàng”.
“Điều này dẫn đến việc chúng tôi phá sản là rất gần. Và chúng tôi cũng đã có rất nhiều kiến nghị với các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết vấn đề này nhưng đến nay vẫn bặt âm vô tín” - bà Loan bức xúc.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch hiệp hội thép VN (VSA) cho biết: Hiệp hội thép VN đã đi khảo sát và đọc bản giám định các lô hàng trên của Vinacontrol và những ý kiến của Sở Tài nguyên môi trường các địa phương, thấy rằng những đánh giá đó khác nhau nhưng đều kết luận không nguy hại đến môi trường.
Chúng tôi đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên môi truờng, và Tổng cục hải quan kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các lô hàng trên. Tiếp đó các ngành chức năng nên có kết luận và quy định lại cụ thể thông báo cho các doanh nghiệp biết, và phải tuân thủ thực hiện.
Ngày 21/11, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục hải quan đề nghị giải quyết kiến nghị của VSA, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên đến giờ vẫn chưa có thông tin đường hướng giải quyết nào từ phía các cơ quan chức năng liên quan. Và doanh nghiệp thì cứ dài cổ chờ giải quyết.
P.Tùng