1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lạc lối dưới thung lũng Lồ Suối Tủng

(Dân trí) - Từ Hà Nội vượt qua hơn 300 cây số chúng tôi đã đến Sa Pa, những tia nắng cuối ngày vờn nhẹ trên lưng chừng những rẻo cao Tả Củ Tí, Bản Liên, Hoàng Thu Phố, tôi đã kịp đêm chợ tình thứ bẩy ở Sa Pa. Đến đây, vì một thiếu nữ người Phù Lá, em hát điệu “Chẳng tiều dín mày”, bỗng thấy thương giấc mơ cao nguyên Lồ Suối Tủng.

Lồ Suối Tủng - đời rêu phong   

 

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VHTT Lào Cai nói với tôi: Lão Sến (Từ Di Sến) cũng là một thứ “đặc sản Sa Pa”, con người đã gắn chặt đời mình với mảnh đất quanh năm sương khói nhiều thập kỷ qua. Mãi đến chập choạng tối tôi mới gặp ông. Ông toạ thiền cả ngày trên vách núi. Trưa tới chiều, tôi với cô cháu gái Từ Sán Sủi của ông ngồi trong vách liếp nhà sàn chờ đợi. Mưa lắc rắc. Gió phong phanh. Núi rừng như rung, như động. “Trời mặc ông trời. “Giàng” không sợ. “Giàng” phải hít “khí thiêng” đủ năm tiếng mới về”.

 

Sủi gọi ông mình là Giàng, người Mông, Dao ở bản cũng gọi thế. Giàng Sến sinh ra tận Công xã Vũ Bảo (Tứ Xuyên, Trung Quốc), lưu lạc sang Lào Cai từ hồi kháng Pháp. Năm 1952, Giàng Sến là Đội trưởng Đội Văn nghệ Mường Khương, dẫn đoàn sang Sa Pa biểu diễn. Ngày ấy Sa Pa là làng Sa Pả, lọt thỏm giữa một cao nguyên có tên Lồ Suối Tủng. Khi đến Sa Pả, đoàn văn nghệ bị phỉ bao vây, chính tay Từ Di Sến đã bắn chết tên Lý trưởng cầm đầu khét tiếng Châu A Chùa, rồi nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiễu phỉ.

 

Thâu đêm, Giàng Sến nói về đời mình, về thị trấn Sa Pa đầu thế kỷ XX, hơn 240 biệt thự kiến trúc Gô-tích chạy dài dưới những rừng sa mu trùng điệp, đời cao nguyên Lồ Suối Tủng giờ đã rêu phong rồi. Rồi Giàng Sến kể: Trước kia, Sa Pa là một cao nguyên nhỏ mang tên Lồ Suối Tủng. Năm 1897, Chính quyền Pháp mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Những đoàn điều tra đầu tiên của Pháp đến Lào Cai vào năm 1898. Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương đã phát hiện ra cảnh cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đây chính là sự kiện đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa.

 

Đêm chợ tình có người Kinh

 

Lạc lối dưới thung lũng Lồ Suối Tủng - 1

Đôi vợ chồng người Mông thổi khèn, múa ô và hát bài hát "Hoẵng mắc dây" của dân tộc mình.

Tôi đi trong đêm Sa Pa nhỏ bé, lập loè ánh lửa. Những con phố tối đen trườn mình ẩm ướt. Từng tán sa mu ứa lệ than vãn cố tri. Đâu đó còn sót lại đôi ba nóc nhà cổ, chân cứng đá mềm, chỉ còn đáng gọi là phế tích. Vài đứa trẻ ngủ mơ, rách rưới áp mình trên những tấm phản thịt lợn bỏ quên. Chúng tôi dạo quanh những con phố chính của Sa Pa, tay Sủi bám chặt vào vai tôi, như muốn nhắc đây là đêm chợ tình của người bản xứ.

 

Tôi chợt nhớ đến buổi chiều khi đi ngang qua nhà thờ, mấy chị cứ đưa tay vơi với: “Mày là người Kinh, Sủi chài à, về ngủ cùng tao một tí”. Giờ lại nghe Sủi mời: “Anh về chọc sàn nhà Sủi đi”. Tiếng Sủi nhẹ thoảng như cơn gió của thung lũng Lồ Suối Tủng. Nhưng! Dẫu tôi biết chỉ “một đêm” thôi...

 

Trên con phố Cầu Mây (trước đây là phố Hoa Kiều), dưới ánh đèn điện mờ nhạt hắt ra từ những biệt thự xây kiểu Pháp cùng những ánh đèn pin le lói trên tay các chàng trai cô gái dân tộc, không khí nhộn nhịp của đêm chợ vùng cao vẫn mang đậm nét cổ xưa. Tiếng khèn lá, tiếng đàn môi, tiếng sáo réo rắt gọi bạn tình, tiếng hát giao duyên ngọt ngào, tha thiết của thanh niên nam nữ vùng cao khiến du khách như quên đi những mệt mỏi. Các cô gái dân tộc luôn trưng diện những bộ trang phục truyền thống của mình. Tôi cứ đứng, cứ ngắm và thưởng thức đêm chợ đã thành huyền thoại.

 

Chợt ở một góc chợ lao xao, tôi lại gần để xem và được biết nơi đây mọi người đang háo hức chờ một đám “cướp vợ” - thủ tục mà đôi trai gái dân tộc Mông chờ đợi không biết bao nhiêu buổi xuống chợ, hát giao duyên, tâm tình hò hẹn. Xung quanh đó, nhiều người vẫn vui vẻ mua sắm, chuyện trò, xem hội chợ...

 

Lên vùng đất này, du khách sẽ được thưởng thức hơi cay của rượu Sán Lùng, rượu Bắc Hà, hay vị đậm đà của món thắng cố và điều quan trọng nhất là được tận mắt chứng kiến phiên chợ tình Sa Pa. Chợ thường họp vào tối thứ 7 trước quảng trường lớn của nhà thờ hay trong chợ. Trời mới nhá nhem tối, Sa Pa đã nhộn nhịp của đêm chợ tình trinh nguyên vùng cao.

 

“Người Kinh tò mò quá anh nhỉ?”- nói xong Sán Sủi khẽ cười. Rồi em nói tiếp: “Bây giờ trai gái bản em rất ít ra đây nữa vì bị nhiều người xem. Muốn tỏ tình, họ thường tìm đến những nơi vắng vẻ”. Úi cha! Ngượng quá và thật đáng trách. Cảnh trai gái yêu nhau, hôn hít ở các khu công viên, giải trí Hà Nội thiếu gì, lên tận Sa Pa, họ cũng hè nhau, kéo tới ùn ùn để xem người dân tộc giãi bày “khoản ấy”.

 

Chợ tình, người trẻ tìm bạn cho mình, trung niên gặp lại hàn huyên, ôn chuyện cũ. Nói gì, thì người Kinh vẫn thấy lạ lắm. Họ “chống” mắt nhìn say mê. Nhìn để về xuôi có cái mà kể. Nét thanh lịch thành đô, đem lên cao nguyên cách hơn 300 cây số này, cũng mất đi phần nào.

 

“Mình tìm xem cô nào chưa chồng”

 

Lạc lối dưới thung lũng Lồ Suối Tủng - 2

Cô bé Mông đã vào cuộc trong đội khèn mời gọi.

Tôi len lỏi theo tiếng khèn, Sán Sủi thổi điệu “Hoẵng mắc dây” lảnh lót, mắt em đằm thắm men tình, ngậy ngậy hương rượu ngô. “Gió về thổi lá cây bên khe/ Nếu ta là hạt mưa sương/Ta xin tan trên bàn tay chàng/Gió thổi lá cây lật ngả nghiêng bên suối/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan dưới bàn chân chàng”. Nếu còn gì may hơn giữa Sa Pa lúc này, tôi xin được gọi em là hồn của núi, chắc chỉ có những thiếu nữ như em mới đem đến một đêm chợ tình Sa Pa đích thực.

 

Chính Từ Dì Sến làm cho cả Lồ Suối Tủng sống dậy, thì Sán Sủi dậy tôi hiểu thế nào là “Páo dung tòi tồm dỏi lủng” xa xưa: “Mình không có vợ, mình lên đường đi tìm/Mình không có vợ, mình cất bước đi kiếm/Bố mẹ mình làm bữa cơm thật sớm/Thế là mình đi chợ/Mình len ngay vào đám đông/Mình tìm xem cô nào chưa chồng”.

 

Chợ tan từ đêm. Đêm muộn màng. Sáng. Những đôi trai gái ngủ quên trong các lùm cây bị ánh mặt trời chiếu rọi, cựa quậy, rồi ngủ tiếp. Mây sà xuống ngọn tháp nhà thờ, nhìn từ xa. Tôi đã thấm mệt. Sán Sủi kéo đến bên chảo thắng cố bốc hơi ngun ngút. Em nhảy tung tăng, gọi mời: “Anh cùng em xuống chợ/Vui với bạn hết mình/ Anh phải uống cho say/Để em được chăm sóc”. Thế là tôi can pây (100%) đến ba cái gáo dừa, mắt tôi như mờ đi, xung quanh có mấy chàng trai cũng đang ngất ngưởng. Các cô gái vắt họ lên ngựa kéo về. Sán Sủi thì không có ngựa, em để tôi dựa vào lưng mình.

 

Chiều. Sán Sủi thiếu ngủ gà gật, tay ôm bó cải mèo xanh mướt, nách cắp hai tấm thổ cẩm Hoàng Thu Phố. “Quà cho anh đấy”. Tôi giở áo săm soi. “Không phải giả. Sợi lanh luộc với tro “tống quán sủ” ngâm chàm và củ nâu, lòng trắng trứng gà. Ra mồ hôi không bắt màu vào người”. Quý lắm mới tặng. Tôi chắc thế. Món này người xuôi không dễ mua, đồ tạp giờ nhiều, cả người Kinh lên bán cùng đồng bào.

 

Đường về bản dài bằng tiếng sáo. Tôi mỏi nhừ chân, 3 cây số lên núi. Sáo thổi không dứt. Sán Sủi huyên thuyên. Vài chị người Dáy dắt từng “tấm” lợn lôi xềnh xệch. Hàng ế. Qua con suối lưng bụng, em rủ tôi tắm. Phía xa xa có ba đôi trai gái cũng đang tắm. “Sao họ không ngại?”- nghe tôi hỏi, Sủi phì cười: “Thế mới giống người núi rừng. Đó là người Dao đấy”.

 

Ngày chủ nhật. Sa Pa vắng tanh. Con phố Cầu Mây nổi tiếng xa xưa đã không còn mây nữa. Dưới gầm tre kẽo kẹt đã thay nhiều phiến thép. Han rỉ. Lâu ngày vắng người qua lại, trở nên hoang lạnh. Tôi muốn đi lên cây cầu đó, đến giờ vẫn nhớ lời nhà nhiếp ảnh Lê Hựu, hậu duệ cụ Lê Văn Lữu, đầu bếp đầu tiên tại khách sạn Phanxiphăng: “Bạn là người đầu tiên tôi gặp là còn nhớ đến Cầu Mây”. Và, điều đó giúp tôi tìm lại một chút vãng lai trên cao nguyên Lồ Suối Tủng, dù biết, chỉ là hoài cổ...

 

Quốc Phương