Là thủ đô, nên có đạo luật riêng để điều chỉnh
(Dân trí) - Dự thảo Luật Thủ Đô, QH sẽ cho ý kiến tại cuộc họp này, Dân trí có cuộc trao đổi với bà TS Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội - đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội xung quanh dự án Luật này
Thủ Đô ở nước nào cũng vậy có vai trò vị trí bẩm sinh không địa phương nào có thể so bì được .Theo quy luật chung của lịch sử xã hội là mất Thủ đô cơ bản là mất nước. Thủ đô sai về đường lối phát triển thì khó có thể có một nước có đường lối phát triển đúng hướng. Điều đó chứng tỏ vị trí, vai trò của Thủ đô quan trọng đến mức nào.
Thủ đô phải là chuẩn mực về mọi mặt, phải là chỗ dựa vững chắc, là động lực thúc đẩy cả nước trên lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội, văn hoá… vì thế, việc sớm có một đạo luật về Thủ đô là cần thiết.
Về quản lý dân cư ở Thủ Đô, theo dự án Luật quy định tại Điều 24, nhiều người cho rằng trái với Hiến pháp và luật cư trú?
Thực tế cho thấy nếu để “mở” thông thoáng như Luật Cư trú hiện hành thì chỉ mới hơn 2 năm Thủ đô đã tăng thêm gần 2 vạn người từ các vùng nông thôn về cư trú; Với tốc độ này sẽ rất khó, thậm chí không bao giờ giải quyết được các vấn đề dân sinh như ăn, ở, đi lại, môi trường, học hành...
Hiện nay, với số dân ở Thủ đô đặc biệt ở nội thành, việc giải quyết nạn kẹt xe, chữa bệnh, học hành… hầu như đã quá tải nếu không có biện pháp tích cực hạn chế việc cư trú sẽ không thể giải quyết được. Từ những vấn đề bức xúc về ăn, ở, môi trường…sẽ đưa đến các vấn đề về chính trị, văn hoá, xã hội...
Vì Thủ đô có đặc thù riêng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng quá độ nên theo tôi phải có quy định theo đặc thù về Quản lý dân cư.
Nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật Thủ Đô giao cho chính quyền Thủ Đô quyền áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm cao hơn so với mức áp dụng chung cho cả nước là trái Luật?
Do đặc thù của Thủ đô, nhằm răn đe, giáo dục có hiệu quả nên mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở Thủ đô phải được quy định như dự án Luật là cao hơn mức phạt áp dụng chung trong cả nước trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú. Sở dĩ tôi tán thành với dự thảo luật quy định như trên vì:
Thủ đô có đặc thù; nơi có các cơ quan ngoại giao, cơ quan quốc tế; các cơ quan đầu não về chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật. Các hành vi vi phạm hành chính về trật tự giao thông, xây dựng, môi trường… ở Thủ đô rõ ràng hậu quả khôn lường ảnh hưởng không thể đo đếm được bằng tiền bạc, sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng tới vấn đề Quốc thể của cả nước.
Bình quân thu nhập, mức sống ở Thủ đô ở nước nào cũng vậy bao giờ cũng cao hơn mức sống ở các địa phương khác. Nếu vi phạm trật tự giao thông mà phạt tiền bằng mức ở các địa phương như miền núi, hải đảo thì chẳng có tác dụng răn đe giáo dục.
Còn việc bước đầu chỉ mới tăng hình phạt về vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú bởi đây đang là những vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất của Thủ đô hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật Thủ Đô là tạo sân chơi riêng cho chính quyền Hà Nội có có thẩm quyền cao hơn các địa phương khác . Điều đó là trái Hiến pháp?
Xây dựng một đạo luật với cơ chế “mở ” tăng thẩm quyền cho chính quyền Thủ đô để chính quyền hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Thủ Đô và cả nước tất nhiên sẽ không tránh được những quy định trái với Hiến pháp hoặc các văn bản pháp luật chuyên ngành đang hiện hành.
Luật sư Ngô Tất Hữu thực hiện