1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Chương trình “Một thời hoa lửa”:

Ký ức vượt thời gian

(Dân trí) - 33 năm đã trôi qua nhưng dường như thời gian không làm mờ đi ký ức về 81 ngày đêm mùa hè Quảng Trị đỏ lửa. Với hơn 1000 cựu chiến binh trong chuyến "hành quân" về thành cổ hôm nay và những sinh viên các trường đại học tại Hà Nội, “Một thời hoa lửa” sẽ mãi là kỷ niệm không thể nào quên.

Những đại đội vượt sông đêm

 

Câu chuyện mỗi đêm có một đại đội vượt sông Thạch Hãn sang tăng cường bảo vệ thành cổ và rất ít người trong số họ trở về cứ ám ảnh tôi từ khi còn rất nhỏ. Và chuyến trở về thăm thành cổ cùng hơn 1000 cựu chiến binh trong chương trình “Một thời hoa lửa” do Tổng công ty viễn thông quân đội và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức phần nào giúp tôi thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin về cuộc chiến cực kỳ ác liệt nhưng cũng không kém phần lãng mạn và hào hùng.

 

Chuyến trở về thành cổ lần này với thành phần là các cựu chiến binh thuộc nhiều đơn vị khác nhau nhưng đã sống và chiến đấu trên chiến trường thành cổ Quảng Trị. Cuộc gặp mặt của những người lính sau 33 năm thật xúc động. Dù không cùng đơn vị, nhưng họ vẫn thân mật ôm hôn và chuyện trò như những người anh em ruột thịt lâu ngày gặp lại.

 

Những bài ca cách mạng đầy khí thế xung trận lại vang lên trên 20 chiếc xe 45 chỗ ngồi kéo dài hàng cây số suốt cuộc hành trình từ Hà Nội tới Quảng Trị. Và hình như cuộc chiến 33 năm về trước cứ dần hiện rõ qua những câu chuyện  mang đầy đủ âm hưởng khúc bi, khúc tráng của những người lính chiến một thời. Với tôi, những địa danh chưa một lần đặt chân như Nham Biều, Trí Bưu, dinh Tỉnh trưởng, bến Vượt… bỗng trở nên thân quen qua câu chuyện của những người cựu chiến binh.

 

Thành cổ Quảng Trị với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 4km2 nhưng trong 81 ngày đêm của chiến dịch phòng thủ và bảo vệ đã thu hút sự tham chiến của nhiều trung đoàn quân giải phóng thuộc các sư  304, 308, 312, 320B, 325 bộ binh, 2 sư đoàn pháo mặt đất và phòng không. Phía quân Nguỵ cũng tung vào chiến trường này những đơn vị thiện chiến nhất như sư đoàn dù, sư đoàn thuỷ quân lục chiến…cùng với sự hỗ trợ tối đa về pháo binh, không quân…

 

Sự khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị còn có thể cảm nhận qua số bom, đạn mà Mỹ- Nguỵ đã trút xuống đây. Theo thống kê, số lượng bom đạn Mỹ đã trút xuống tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima … Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thuỷ, nguyên chiến sĩ đại đội 2, tiểu đoàn 10, sư 325 nhớ lại: “Địch được sự hỗ trợ tối đa của hoả lực, bom từ máy bay, pháo từ hạm đội 7 bắn vào nên hầu như ban ngày đều phải ở trong hầm, đêm mới ra chiến đấu. Máy bay trinh sát OV10 quần thảo suốt ngày, inh tai nhức óc không thể chịu được. Pháo chùm, bom khoan… là những vũ khí tối tân rất đáng sợ mà Mỹ đã sử dụng tại đây”.

 

Và dòng sông Thạch Hãn trở thành “chứng nhân” của lịch sử khi chứng kiến những đoàn quân hàng đêm vượt sông sang bảo vệ thành cổ. Cựu chiến binh Vũ Văn Quang, nguyên chiến sĩ trung đoàn 48, sư 320b, đã chiến đấu gần 2 tháng ở chiến trường thành cổ kể lại: “81 ngày đêm thực sự là những ngày cực kỳ ác liệt. Đêm nào cũng bổ xung quân cho thành cổ. Mỗi khi trời tối là đoàn quân lại vượt sông sang thành cổ, và hầu hết đều không trở lại. Trung đội tôi khi rút ra ngoài chỉ còn có…3 người” (trong khi biên chế trung  bình của một trung đội khoảng 40 người).

 

Nhiều chiến sĩ đã hy sinh ngay lúc vượt sông nên chuyện chỉ huy bên thành cổ nhận danh sách nhưng không kịp biết mặt quân không phải là chuyện xa lạ.

 

Bài thơ nổi tiếng về dòng sông Thạch Hãn do một cựu chiến binh ở chiến trường thành cổ sáng tác thay cho lời điếu những người nằm xuống trên mảnh đất Quảng Trị:

 

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Hoá tuổi 20 thành sông nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

 

Nước mắt ngày gặp mặt

 

Sáng 30/10, đoàn xe đưa chúng tôi đến nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang đường 9. Xe vừa dừng bánh, từng tốp cựu chiến binh đã nhanh chóng tản đi tìm phần mộ của đồng đội mình. Phải vất vả lắm ban tổ chức mới tập hợp đầy đủ quân số để làm thủ tục cho  lễ dâng hương.

 

Trong khói hương nghi ngút, những giọt nước mắt lăn dài trên những đôi má đã nhăn nheo vì tuổi tác của các cựu chiến binh. Với không ít người, đây là lần đầu tiên họ trở lại sau 33 năm rời khỏi mảnh đất khói lửa này. Và đó cũng là khoảng thời gian mà họ phải chia tay những người đồng đội đã một thời “nằm gai, nếm mật” nhưng mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này,  giữa đại ngàn rừng Trường Sơn.

 

Những ngày này, Quảng Trị đang bị ảnh hưởng của cơn bão số 8. Trời cứ sầm sập mưa bất chợt. Nhưng dường như gió bão không ngăn được bước chân những người cựu chiến binh đến với bạn bè, đồng đội mình. Giữa làn mưa xiên như quất vào mặt, người cựu chiến binh Đào Duy Sáng ở Thanh Hà, Hải Dương vẫn lụi cụi đi cắm hương cho từng ngôi mộ. Anh xúc động: “Đã 33 năm rồi tôi mới có dịp trở lại. Tôi muốn cắm cho mỗi người đồng đội của mình một nén nhang cho khỏi lạnh lẽo nhưng khó quá. Nghĩa trang rộng quá…”.

 

Nghĩa trang quả là rộng khi ôm gọn vào lòng đất mẹ hơn 10.000 hài cốt của những người con đã hy sinh vì tổ quốc. Cả tôi và anh bạn đồng nghiệp ở đài truyền hình cố thu vào ống kính hình ảnh một người đàn ông đang ôm ghì lấy tấm bia mộ, người cựu chiến binh này vừa tìm thấy người đồng đội của mình sau 33 năm xa cách. Gương mặt dại đi vì đau đớn và cả vì vui mừng. Mừng vì sau 33 năm, các anh lại tìm được nhau, mừng vì anh biết rằng bạn anh đã được yên nghỉ trên mảnh đất anh hùng này, với sự che chở, chăm sóc của quân và dân Quảng Trị.

 

Chuyện người đi tìm liệt sĩ   

 

Thật tình cờ, tôi phát hiện trong đoàn quân trở lại Quảng Trị có một người đàn ông không phải… cựu chiến binh. Hóa ra ông đi tìm người em trai hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ. Vậy là cũng đã 33 năm ông và gia đình khắc khoải ngóng chờ tin của đứa em mình. Dưới mái hiên khách sạn nơi chúng tôi nghỉ, mặc cho làn mưa bụi hắt từng cơn, ông kể cho tôi nghe về hành trình đi tìm hài cốt đứa em trai út, giọng ông  nghèn nghẹn: “Chú em tôi hy sinh ngày 6/9/1972 khi đang chiến đấu bảo vệ thành cổ. Chú ấy bị pháo khoan gẫy hai xương đùi, bao năm nay gia đình tôi tìm kiếm mà chưa thấy tin tức. Mẹ tôi rất đau khổ, bà luôn canh cánh nỗi thương nhớ vì không biết hài cốt con mình ở đâu. Cách đây vài năm, anh em tôi đã bàn nhau nhận một ngôi mộ vô danh ở Triệu Phong, Quảng Trị để thờ và nói dối bà cụ là đã tìm được em. Chỉ có như vậy bà mẹ tôi mới yên tâm nhắm mắt. Chúng tôi cũng coi người chiến sĩ vô danh đó như người con trong gia đình”.

 

Người đàn ông đó là ông Lê Văn Long, và liệt sĩ em trai ông là Lê Văn Giao, sinh viên trường đại học Bách Khoa. Ngày đó, anh cũng như nhiều sinh viên Hà Nội khác xếp bút nghiên, cầm súng lên đường bảo vệ tổ quốc. Và anh đã mãi nằm lại trên chiến trường Quảng Trị.

 

Năm nay 63 tuổi, mặc dù sức đã yếu nhưng  ông Long vẫn không thôi tìm kiếm thông tin về em mình bất cứ khi nào có thể. Lần này, nghe nói có cuộc gặp mặt các cựu chiến binh từng chiến đấu ở thành cổ, ông bèn xin đi theo đoàn với mong muốn có thể gặp được những đồng đội biết thông tin về hài cốt em ông.

 

Gần trưa, tôi gặp lại ông ở nghĩa Trang đường 9, ông vẫn đang lúi húi đi tìm từng ngôi mộ và vẫn chưa có thông tin về người em trai út. Lúc chia tay, ông cố nói với theo: “Chú nhớ để ý giùm, nếu có thông tin về liệt sĩ Lê Văn Giao ở Vân Ván, Cẩm Khê, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) thì báo tôi biết ngay nhé”.

 

Nhìn dáng ông gập người cố giương đôi kính tìm kiếm từng ngôi mộ liệt sĩ, tôi tin một ngày gần nhất ông và gia đình sẽ được toại nguyện. Và tôi cũng tin rằng, ở một nơi nào đó, em ông vẫn được chăm sóc chu đáo bởi những bàn tay người mẹ, người chị. Bởi anh đã đem mạng sống của mình đổi lấy sự thanh bình cho đất nước ngày hôm nay.

 

Nguyễn Đức Hòa