1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Ký ức ngày tiến về Sài Gòn của cựu sỹ quan "đốc chiến" Lữ đoàn 203

(Dân trí) - Đã 42 năm trôi qua, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống đổi thay nhiều thăng trầm biến cố. Tuy nhiên, cựu binh Bùi Hoan nguyên sỹ quan "đốc chiến" Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 vẫn nhớ như in từng giây phút hào sảng ngày “tiến về Sài Gòn”.

Trong không khí cả nước đang nô nức kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, qua lời giới thiệu của ông Trương Quang Thắng Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh), chúng tôi có dịp tới thăm và trò chuyện cùng cựu binh Bùi Hoan (SN 1942, trú phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) - nguyên sỹ quan đốc chiến, Lữ đoàn 203, Trung đoàn 2.

Suốt buổi nói chuyện, nụ cười luôn nở trên gương mặt người cựu binh đã ngoài 75 tuổi. Có lẽ niềm hạnh phúc chiến thắng vẫn đang rạo rực như ngày ông cùng đồng đội chiếm Dinh độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Có lúc ông rơi nước mắt vì xúc động khi những câu chuyện về ký ức tiến về Sài Gòn trào dâng vào những ngày tháng 4 này.

Ký ức người sỹ quan "đốc chiến" tăng thiết giáp

Với sức trẻ, khao khát cống hiến cho Tổ quốc, tháng 2/1961, 19 tuổi, chàng trai Bùi Hoan rời làng Thạch Phú (nay là phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, ông được tuyển vào học lái xe tăng tại Trung đoàn 202 (Vĩnh Phú), sau đó đi học sỹ quan pháo cao xạ (Sơn Tây, Hà Nội).


Cựu chiến binh Bùi Hoan kể chi tiết về ký ức hào hùng khi ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Cựu chiến binh Bùi Hoan kể chi tiết về ký ức hào hùng khi ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 10/1965, khi hoàn thành hết các khóa học, ông được biên chế về Trung đoàn 225 pháo cao xạ, bảo vệ sân bay. Từ đó cho đến tháng 4/1974, ông tham gia chiến đấu bảo vệ miền Bắc và các chiến trường Đông Lào; Nam Lào; Trị Thiên; Quảng Trị đồng thời trải qua nhiều đơn vị khác nhau.

“Ngày 17/5/1974 sau khi Quân đoàn 2 thành lập, tôi được điều về đơn vị này nhận nhiệm vụ Trợ lý tác chiến Bộ tham mưu quân đoàn, phụ trách xe tăng. Từ đó, tôi cùng các đồng đội chiến đấu liên tục cho đến ngày giải phóng miền Nam” – ông Hoan nhớ lại.

Trong thời gian công tác ở Quân đoàn 2, kỷ niệm đáng nhớ nhất, đặc biệt nhất của ông Hoan là tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 14-30/4/1975. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục làm sỹ quan đốc chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch thuộc Binh đoàn duyên hải do lực lượng Quân đoàn 2 chủ chốt.

Nhiệm vụ chính của ông Hoan lúc đó là đốc chiến lực lượng thọc sâu chiến dịch của Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp và các lực lượng phối thuộc cho tăng thiết giáp. Nhiệm vụ của Lữ tăng thiết giáp và các lực lượng phối thuộc là lực lượng dự bị thọc sâu chiến dịch đánh thẳng vào Dinh độc lập của Ngụy quyền Sài Gòn.

“Đốc chiến là đôn đốc lực lượng chiến đấu đã được giao nhiệm vụ chính thức. Người cán bộ đốc chiến là cấp trên xuống chỉ huy cấp dưới, nếu người cấp dưới gặp khó khăn có thể người đốc chiến phải thay thế người cấp dưới để tiếp tục chiến đấu. Sỹ quan đốc chiến phải nắm rất chắc nhiệm vụ của Tư lệnh chiến dịch giao cho đơn vị mũi tấn công đó; luôn luôn nắm chắc tình hình của đơn vị, công tác tổ chức chiến đấu; phải nắm được giờ G và phải biết xử trí những trường hợp đặc biệt khó khăn của đơn vị. Mục tiêu chính là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Tư lệnh giao” – ông Hoan giải thích rõ về nhiệm vụ quan trọng của người sỹ quan đốc chiến.

Ông Hoan luôn tự hào về nhiệm vụ của mình khi được Tư lệnh giao phó.
Ông Hoan luôn tự hào về nhiệm vụ của mình khi được Tư lệnh giao phó.

Trong khói lửa chiến tranh tàn khốc của chiến dịch lịch sử, chiến sĩ Bùi Hoan vẫn luôn sát cùng đồng đội vừa trực tiếp chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, vừa phá huỷ các phương tiện chiến tranh của kẻ thù. Ngoài ra ông đã đưa hết khả năng học được, tiếp thu được vận dụng vào việc sửa chữa các xe tăng bị hư hỏng.

“Ngày thì đánh nhau ác liệt, đêm đến các chiến sĩ lại mò vào trận địa xe tăng hư hỏng của địch để tháo gỡ linh kiện, thiết bị về thay thế cho xe hỏng của quân ta. Chính vì Lữ đoàn 203 làm tốt điều này nên vẫn đảm bảo được lượng xe tăng tham gia chiến dịch” – ông Hoan cho rằng, đó là việc ông đã hướng dẫn cho các chiến sỹ của Lữ đoàn 203.

Vượt qua 2 “cánh cửa sinh tử” tiến vào Sài Gòn

Ông Hoan vẫn nhớ như in cảm giác thôi thúc rạo rực vào chiều ngày 29/4/1975. Và đêm đó cũng là đêm ác liệt nhất, đêm mấu chốt quyết định chiến thắng toàn vẹn của quân và dân ta.

“Chiều hôm đó, toàn bộ các chiến sĩ đều được phát quần áo mới, mũ cứng, quân hàm… Mọi người ai cũng thấy lạ vì các chiến sĩ chiến đấu lâu lâu mới có người được cấp trên cấp cho quân phục mới chứ không bao giờ cấp đồng loạt như vậy. Dù chưa có quyết định nhưng mọi người đều dự đoán trước là sẽ có trận đánh tổng lực tiến về Sài Gòn, ai nấy đều quên hết sợ hãi, rạo rực ý chí chiến đấu” – ông Hoan nhớ lại cảm xúc trước đêm tiến về giải phóng Sài Gòn.

Giờ phút tác chiến mở đường tiến vào Dinh độc lập, theo ông Hoan, chiến trận diễn ra ác liệt nhất trong quá trình chiến đấu của ông và những đồng đội. Những giờ phút nóng bỏng đó được chia thành 2 giai đoạn là phần vượt cầu sông Buông và vượt qua sông Sài Gòn - vượt qua 2 “cánh cửa sinh tử” với Lữ đoàn 203 và các lực lượng khác.


Có một cuốn sổ tay mà ông Hoan nhặt được khi đánh vào Tổng kho Long Bình là kỷ vật quý giá nhất theo ông tiến về Sài Gòn, vì bên trong cuốn sổ có bản đồ chi tiết của Sài Gòn lúc bấy giờ. Điều đó giúp ông và các đồng đội dễ dàng định hướng, tiến công vào thẳng Dinh độc lập.

Có một cuốn sổ tay mà ông Hoan nhặt được khi đánh vào Tổng kho Long Bình là kỷ vật quý giá nhất theo ông tiến về Sài Gòn, vì bên trong cuốn sổ có bản đồ chi tiết của Sài Gòn lúc bấy giờ. Điều đó giúp ông và các đồng đội dễ dàng định hướng, tiến công vào thẳng Dinh độc lập.

Đêm 29 rạng sáng ngày 30, trên đường tiến công của Lữ đoàn, khi đến cầu sông Buông thì cầu bị sập, địch rút chạy phá cầu. Lúc đó cả Lữ đoàn 203, cả lực lượng công binh, cả xe tăng… đều tìm cách khắc phục cầu, công việc bắt đầu từ 20h đêm – 3h sáng cầu mới hoàn thành.

“Phải nói rằng anh em suốt đêm, cả cán bộ chiến sĩ, đốc chiến, cán bộ trên Quân đoàn xuống đều tìm cách sửa cầu sông Buông để xuất kích đúng giờ G. Cảm động nhất thời điểm đó là pháo địch kích xung quanh từ trong Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, Thủ Đức… bắn ra nhưng cán bộ chiến sỹ lính xe tăng dũng cảm lắm, cho xe nổ máy liên tục để khắc phục cầu và để bảo đảm cho công binh yên tâm vì có xe tăng chắn đạn. Lính xe tăng đứng 2 đầu như lá chắn để công binh sửa cầu, tất cả mọi người đều dũng cảm không còn biết sợ, không kể hy sinh gì” – ông Hoan nhớ lại sự dũng cảm, đoàn kết, quyết tâm của người lính đêm đó.

Trong quá trình tấn công vượt qua cầu Biên Hòa – Rạch Chiếc – Thủ Đức, thời điểm bắt đầu đến cầu Sài Gòn cực kỳ ác liệt, địch tấn công dữ dội, còn bao nhiêu đạn đều xả hết và đó cũng là giây phút “một mất, một còn” tranh giành nhau giữa sự sống và cái chết.

“Lúc đó, địch trong tâm lý còn nước còn tát nên trút toàn bộ đạn dược, còn viên nào cũng bắn xả hết. 3 xe tăng đi đầu của ta bị địch bắn cháy, trong đó có 1 xe của Đại úy Tiểu đoàn trưởng và đồng chí ấy hi sinh. Chúng tôi lúc đó ngồi trên xe chỉ huy, nhưng nhảy xuống chạy bộ với cán bộ, tham mưu Lữ đoàn, đốc chiến Lữ đoàn đến thị sát tình hình. Lúc đó không còn biết chết sống nữa rồi, phải trực tiếp xem tình hình phía trước tại sao phải dừng lại, không tiến được. Khi nắm được tình hình, chúng tôi đã liên lạc, báo cáo Tư lệnh. Tư lệnh chỉ đạo quyết tâm, dùng biện pháp cảm tử. Chúng tôi đã cho xe tăng, gạt những xe bị bắn cháy về 1 bên. Người nào bị thương thì tự băng bó, xe nào bị bắn thì dịch về 1 bên, còn tất cả không thể dừng” – ông Hoan nhớ chi tiết từng từng giây phút thần tốc và ác liệt.

Thời điểm đó, theo ông Hoan, chiếc xe tăng của đồng chí Bùi Quang Thận vượt lên được trước tiên, địch thấy xe tăng vượt lên thì bỏ chạy. Thời khắc đó chỉ diễn ra trong khoảng vài ba phút.

“Phải nói những người lính lúc đó cực kỳ anh dũng, kiên cường. Xét về tương quan lực lượng lúc đó địch hơn ta nhiều. Địch cho tàu, xe tăng ra cản rồi từ các hỏa điểm trên nhà cao tầng bắn xuống còn quân ta đi trống trơn giữa đường lớn. Nhưng quân ta vẫn “thẳng đường mà tiến” không hề có chút sợ hãi. Chúng tôi đã thắng bằng ý chí kiên cường, địch phải rút lui, cũng là thời khắc quyết định để tiến vào Dinh Độc Lập” – ông Hoan nói.

U đầu vì tấm kính trong suốt ở Dinh Độc Lập

Lúc tiến vào Dinh độc lập, một kỷ niệm khiến ông Hoan vẫn cười thầm khi nhớ lại, đó là, khi cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ, ông cùng nhiều chiến sỹ khác xung phong chạy lên nhưng đều bị đụng vào tấm kính chống đạn trong dinh và ngã xuống.

“Đó vừa là kỷ niệm khá "quê" với chúng tôi, cũng tại quân đội ta đánh từ trên núi xuống, khi vào thành phố Sài Gòn vào Dinh Độc Lập, nhìn cảnh vật, đồ đạc chưa quen. Một phần do tấm kính rất trong, xuyên suốt, phần nữa là những người lính quên hết mọi rào cản phía trước cứ thế mà xông lên, không để ý kỹ. Chúng tôi cùng cười mãi” – ông Hoan kể.

Bức ảnh kỷ niệm của ông Hoan (phía trước bên trái) và đồng đội sau ngày chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bức ảnh kỷ niệm của ông Hoan (phía trước bên trái) và đồng đội sau ngày chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Hoan là khi đồng chí Bùi Quang Thận chạy lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, ông và các chiến sĩ khác tiến vào phòng nội các của Dương Văn Minh. Trên chiếc ghế bành được mạ bằng vàng không có ai ngồi. Cả phòng họp có 23 người ngồi co cụm lại 1 góc phòng, người nào cũng run. “Nhưng chúng tôi biết ai là Dương Văn Minh, vì Dương Văn Minh to nhất, cao nhất” – ông Hoan nói.

Sau khi chiếm Dinh Độc Lập thất thủ, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, những người lính giải phóng được người dân Sài Gòn đổ xô ra đường vẫy cờ hoa chào đón, chúc mừng, nhiều người dân còn mang theo thức ăn, nước uống trao cho các chiến sĩ. Ai nấy đều vui sướng, phấn khởi trong niềm vui chiến thắng, non sông vẹn toàn.

“Xúc động nhất là đêm 30/4, tất cả chúng tôi đều khóc, chỉ huy thấy vậy hỏi tại sao thì mọi người đều trả lời do thương Bác Hồ quá. Quân dân đã hoàn thành di chúc của Bác nhưng không được cùng Bác được hưởng trọn niềm vui” – ông Hoan kể về giây phút xúc động.

Sau ngày chiến thắng, ông Hoan tiếp tục hoạt động trong quân ngũ, đến năm 1989, ông về hưu với cấp hàm Trung tá, nguyên quyền Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 203, Quân đoàn 2. Cựu binh Bùi Hoan đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ là 28 năm 9 tháng (chưa quy đổi).

Trở về quê hương người cựu binh ấy vẫn luôn hăng say trong các hoạt động, đoàn thể, khối phố. Ông từng làm Bí thư khối phố gần 10 năm, đến năm 2014, do vấn đề sức khỏe, ông Hoan xin nghỉ. Ông được nhận nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, địa phương.

Trở về sau những năm tháng cống hiến cho Tổ quốc, cựu binh Bùi Hoan luôn là tấm gương trong phong trào xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới.
Trở về sau những năm tháng cống hiến cho Tổ quốc, cựu binh Bùi Hoan luôn là tấm gương trong phong trào xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới.

Khi nói đến ông Hoan, bà con khối phố 6, phường Hà Huy Tập đều bày tỏ sự kính trọng, mến mộ một người cựu binh đầy nhiệt huyết, đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng miền Nam. Khi về hưu ông đã đóng góp rất nhiều cho địa phương. Đặc biệt, 3 trong số 4 người con của ông Hoan cũng đều tham gia nghĩa vụ quân sự và trở về quê hương lập nghiệp.

Niềm hạnh phúc của người sỹ quan đốc chiến năm xưa bên gia đình hiện tại.
Niềm hạnh phúc của người sỹ quan đốc chiến năm xưa bên gia đình hiện tại.

42 năm trôi qua, vào những ngày tháng 4 lịch sử, ông Bùi Hoan cũng như rất nhiều những cựu chiến binh khác đã từng đóng góp công sức, xương máu làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 lại bồi hồi xúc động, nhớ về những ký ức năm xưa.

Tiến Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm