1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Ký ức lễ Độc lập với người dân vùng giới tuyến

Đăng Đức

(Dân trí) - Ngày lễ Độc lập luôn là ngày vô cùng ý nghĩa đối với các gia đình sống ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Những ngày này, khắp các địa phương của huyện Vĩnh Linh, cờ Tổ quốc tung bay trên các ngả đường trong không khí hân hoan kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên người dân nơi đây không tổ chức ngày lễ lớn như mọi năm.

Ký ức lễ Độc lập với người dân vùng giới tuyến - 1

Cờ Tổ quốc tung bay tại kỳ đài Hiền Lương vào mỗi dịp Quốc khánh hay ngày lễ trọng đại.

Hơn ai hết, ngày lễ Độc lập trở nên quan trọng với người dân nơi đây, vì bà con thấu hiểu sâu sắc nỗi đau, sự chia cắt ròng rã hơn hai thập kỷ trong những năm chiến tranh ác liệt.

Năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Vĩ tuyến 17, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) đã đi vào lịch sử Việt Nam, gắn liền với giai đoạn đất nước bị chia cắt. Trong điều kiện bom đạn chiến tranh giày xéo, con người nơi đây vẫn mang trong mình khát vọng mãnh liệt, niềm khát khao hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối.

Sinh ra và lớn lên bên vĩ tuyến 17, ông Lê Công Hường (SN 1936, ở xã Vĩnh Thành; nay là xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) chứng kiến 2 cuộc kháng chiến nên niềm khát khao độc lập trong ông càng cháy bỏng.

Ngày 2/9/1945, ông mới lên 9 tuổi nên chưa hiểu được giá trị của nền độc lập. Đến khi quê ông bị Pháp tạm chiếm, bom đạn vô cùng ác liệt, ông Hường cùng bà con lập làng chiến đấu, hăng hái tham gia du kích địa phương chống Pháp.

Sau năm 1954, theo hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước chỉ tạm thời chia cắt 2 năm, nhưng sau đó Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn đã âm mưu phá bỏ, khiến cuộc chiến kéo dài đến 21 năm, đất nước mới thống nhất.

"Nhiều năm chìm trong bom đạn chiến tranh ác liệt nên người dân vùng giới tuyến càng khát khao độc lập mãnh liệt. Vào mỗi dịp Quốc khánh, người dân lại nô nức, phấn khởi nhưng phải chờ đến khi đất nước thống nhất, niềm vui ấy mới trọn vẹn", ông Hường tâm sự.

Thuộc thế hệ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám, nhà giáo Trần Công Lanh (SN 1951, trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) có nhiều cảm nhận đặc biệt về lễ Độc lập những năm chiến tranh.

Theo ông Trần Công Lanh, Quốc khánh là ngày hội trọng đại mà mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đều rất háo hức chờ đón. Những năm kháng chiến, vào dịp Quốc khánh luôn có các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ ở cầu Hiền Lương - vĩ tuyến 17.

Ký ức lễ Độc lập với người dân vùng giới tuyến - 2

Cầu Hiền Lương là "địa chỉ đỏ" tham quan của người dân.

"Vào những dịp ấy, thế hệ trẻ rất thích ra trung tâm để xem các hoạt động vui chơi. Các cụ già cũng đi bộ hàng chục cây số ra cầu Hiền Lương để xem các hoạt động văn hóa văn nghệ. Những bạn trẻ như chúng tôi được cha mẹ gói bánh để mang theo ăn dọc đường. Chúng tôi chơi cả ngày đến tận chiều tối mới trở về", ông Lanh kể.

Ông Lanh cho hay, sau những năm 1957, ông chứng kiến nhiều lễ Độc Lập tổ chức ở cầu Hiền Lương, dưới cột cờ giới tuyến: "Vào dịp này, các nhà đều gói bánh và tổ chức mừng lễ Độc lập, không khí vui vẻ ý nghĩa hơn ngày Tết", ông Lanh nói.