Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng:
Ký ức đau thương ngày 64 giáo viên, học sinh hy sinh trên đê Sông Mã
(Dân trí) - 64 giáo viên, học sinh hy sinh trong lần đắp đê sông Mã ngày ấy mãi là một ký ức đau thương không thể quên đối với người con xứ Thanh. Sự hy sinh của họ đã góp phần bảo vệ cầu Hàm Rồng, đê sông Mã làm nên chiến thắng Hàm Rồng oanh liệt.
Ai đã một lần đi qua Hàm Rồng đều có thể nhìn thấy con đê bên bờ Nam, chạy từ đầu cầu xuống đến làng Nam Ngạn. Đây là một khúc đê xung yếu của dòng sông Mã. Trong những trận chiến tranh khốc liệt, đoạn đê này đã chịu không biết bao nhiêu trận bom đạn của giặc Mỹ dội xuống.
Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, Mỹ đã coi cầu Hàm Rồng là điểm tấn công lý tưởng nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Chỉ trong 2 ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 4 năm 1965, Mỹ đã huy động 454 lượt máy bay ném bom rải thảm xuống mảnh đất bé nhỏ này. Và cũng trong cuộc chiến đó, quân và dân Hàm Rồng đã làm nên chiến công lịch sử khi bắn hạ 47 chiếc máy bay gầm rú trên bầu trời bằng một lưới lửa phòng không kiên trung, đanh thép. Cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng kéo dài đến những năm 1972, quân và dân Thanh Hóa đã tiêu diệt 117 máy bay địch. Ngày nay, người dân Thanh Hóa lấy ngày 3 và mùng 4 tháng 4 hàng năm làm ngày kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng.
Ngày đó, Hàm Rồng đã được lịch sử lựa chọn là nơi đối đầu quyết liệt nhất của không lực Hoa Kì với lực lượng phòng không của quân và dân ta. Hàng vạn tấn bom đã trút xuống mảnh đất này, nhiều hơn bất kì địa danh nào trên trái đất này nhưng không thể khuất phục ý chí của quân và dân Hàm Rồng Nam Ngạn anh hùng.
Năm 1972, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Mỹ vẫn điên cuồng trút xuống cầu Hàm Rồng và khu vực xung quanh hàng trăm nghìn tấn bom đạn. Chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, bệnh viện, trường học… đều trở thành mục tiêu ném bom.
Cho đến nay, những người con của Hàm Rồng vẫn còn nhớ như in vụ tàn sát đẫm máu của giặc Mỹ ở đê Nam Ngạn buổi sáng ngày 14/6/1972. Sau thảm họa đêm 21/4/1972 ở Hoằng Phượng, Hạc Oa khiến hai làng cháy rụi, người người chìm trong chết chóc thì một lần nữa đê Nam Ngạn lại tiếp tục hứng chịu tội ác tàn độc của giặc Mỹ.
Mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao, trong khi trước đó mấy tháng, Mỹ đã bắn phá cầu Hàm Rồng, làm đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng. Nguy cơ gây vỡ đê, ngập lụt khắp Thanh Hóa và vùng phụ cận rất lớn. Để bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng, chống lũ lụt, ngay trong thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, chính quyền tỉnh Thanh Hóa huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng.
Lực lượng tham gia đắp đê lúc đó có hơn 2 nghìn người, trong đó riêng huyện Đông Sơn có một nghìn người, còn lại là giáo viên, sinh viên, học sinh của các trường ở thị xã Thanh Hóa như trường y sĩ, trường sư phạm 7+3 Thanh Hóa, giáo viên các cấp ở thị xã lúc bấy giờ và dân công của một số huyện lân cận vì những lực lượng khác đã tham gia vào các đơn vị chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Duy Bé và bà Dương Thị Hòa ở phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Hai vợ chồng ông Bé là những nhân chứng có mặt trong buổi đắp đê định mệnh hôm ấy. Ngày đó, ông bà còn chưa thành vợ thành chồng. Ông là cán bộ công an Hàm Rồng còn bà là giáo viên trường cấp 2 Hàm Rồng. Bà Hòa vì đổi vị trí đắp đê cho thầy hiệu trường của mình mà may mắn thoát chết, còn người thầy đã hy sinh.
Vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh hôm đó, ông Bé kể lại: “Hôm đó trời trong xanh, hàng nghìn người được tỉnh điều động đắp đê. Sức trẻ đầy nhiệt huyết, hầu hết là những giáo viên học sinh tuổi 18, đôi mươi, chưa lập gia đình, rất hăng hái tham gia. Bình thường chỉ làm từ 4-5h sáng rồi nghỉ trước 9h trưa nhưng do hôm đó, anh em đề nghị được làm thêm để nghỉ ăn Tết Đoan Ngọ. Thế nhưng, không ngờ, chưa được ăn Tết thì anh em đã hy sinh”.
Không giấu được sự xúc động khi kể về cái ký ức đau đớn ấy, ông Bé cho biết: “Mỗi lần nhắc lại câu chuyện ngày hôm đó vẫn thấy xót xa vô cùng. Khoảng 9h trưa, chỉ sau 5 phút tiếng kẻng báo động cất lên, 3 chiếc máy bay của Mỹ nhào xuống bỏ bom tới tấp. Tôi là một trong những người đầu tiên có mặt ngay sau khi loạt bom của Mỹ dội xuống. Đứng trên đê nhìn xuống, tôi thấy trước mắt ngổn ngang, la liệt người và máu. Không thể tưởng tượng được khung cảnh đó kinh khủng đến mức nào. Người mất chân, mất tay, người mất đi cả nửa cơ thể. Lúc đó, tôi chỉ biết xé chiếc áo đang mặc rồi ra sức chạy xuống bế từng người một lên đê”.
Còn đối với bà Hòa, bà không dám nghĩ đến, nhớ đến thời khắc kinh hoàng ấy.
Người cựu binh già Lê Xuân Giang, nhân chứng có mặt cứu thương trong trận thảm sát tại Nam Ngạn này cũng vẫn nhớ cái ngày định mệnh hôm đó như mới diễn ra hôm qua. Ông kể, máu và người, bùn đất trộn lẫn vào nhau thành một màu đỏ sẫm. Ngoài 64 con người tuổi 18, đôi mươi hy sinh còn có cả trăm người bị thương. Đau đớn nhất là hầu hết những người bị thương may mắn sống sót nhưng đều không lành lặn.
Chỉ trong chớp mắt, gần trăm mạng người bị chết oan uổng. Cả trăm người khác mang trên mình thương tật suốt đời. Có cô Nghệ người làng Neo, huyện Thọ Xuân ngày còn học sinh nổi tiếng xinh đẹp, tương lai của Nghệ cũng thật rạng rỡ. Học xong sư phạm là làm cô giáo. Thế nhưng, trận bom lịch sử ấy đã dập tắt con đường trước mắt của cô gái trẻ này. Trong trận ấy, Nghệ bị cướp đi một bên chân. Cô không đủ sức theo học, đành trở về quê ở với bố mẹ, sống cuộc đời cơ cực cho đến bây giờ.
Với người cựu binh già Lê Xuân Giang, chiến tranh lúc nào cũng ác liệt, trận càn quét nào của địch cũng đẫm máu thế nhưng cái ngày định mệnh 14/6 ấy vẫn ám ảnh không nguôi.
Hơn 40 năm qua, không hẹn mà gặp, người dân xứ Thanh lấy ngày 4/5 âm lịch, ngay trước Tết Đoan Ngọ làm ngày giỗ của những giáo sinh hy sinh trong trận thảm sát Nam Ngạn ngày ấy. Ngày nay, trên đê Nam Ngạn, tấm bia ghi danh 64 giáo viên, học sinh được nhân dân Thanh Hóa dựng lên để thế hệ sau tưởng nhớ và biết ơn.
Nguyễn Thùy