1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ tích họa sĩ tóm yêu râu xanh mặc quần xì đỏ

Vài năm trở lại đây, trong nhiều vụ án hình sự, để xác định chân dung nghi phạm, CQĐT đã áp dụng phương pháp phác họa chân dung. Tên tuổi tội phạm nhờ đó dần được hé lộ, buộc bọn chúng phải đầu hàng quy án.

Nhưng ít người biết, cuối những năm 1990, một họa sĩ đã giúp CQĐT phá nhiều vụ án. Đó là họa sĩ Võ Tấn Thành, người được mệnh danh “khắc tinh của tội phạm”.

Họa sĩ Võ Tấn Thành cặm cụi bên giá vẽ.
Họa sĩ Võ Tấn Thành cặm cụi bên giá vẽ.

Vụ án hóc búa

Dọc quốc lộ 51, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai thời điểm năm 1999 xảy ra nhiều vụ án hiếp dâm, cướp của gây hoang mang dư luận. Hung thủ thường gây án vào khoảng 12h đêm đến 4h sáng. Thủ đoạn của y là dùng xà beng cạy cửa, khống chế nạn nhân, nếu là nữ sẽ giở trò đồi bại, sau đó cướp của và rút êm.

Nhận được tin báo, công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc điều tra. Thế nhưng, chuyên án gặp khó khăn trong việc xác định chân dung nghi phạm. Hung thủ gây án lúc nửa đêm, không ai nhìn rõ mặt. Nếu chỉ dựa vào lời kể chắp vá, đứt đoạn, mơ hồ của nhân chứng để phá án chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.

Trong khi đó xuất hiện thêm nhiều tin đồn thất thiệt. Rằng có nhóm người bị nhiễm HIV/AIDS từ Thái Lan vượt biên vào Việt Nam trôi dạt về vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và Vũng Tàu. Ban ngày chúng ẩn náu trong rừng, đêm đến ra đường đón chặn bắt cóc phụ nữ hãm hiếp. Lời đồn vô căn cứ càng khiến người dân sống trong nỗi lo sợ mỗi khi lên đèn.

Ngày 19/8/1999, Tổng cục Cảnh sát đã quyết định thành lập chuyên án liên tỉnh lấy bí số ĐB99. Với sự trợ lực của trinh sát Bộ Công an và Công an TP.HCM, hơn 2.000 công an xã, dân quân ngày đêm chốt chặn, mai phục nhiều vùng khả nghi nhưng hung thủ vẫn “bặt vô âm tín”.

Lúc này, đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (nay là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm - Bộ Công an) đã nhờ họa sĩ phác thảo chân dung thủ phạm qua lời kể của nhân chứng. Họa sĩ Võ Tấn Thành được mời đến. Vốn là một họa sĩ vẽ chân dung, nhưng đây là lần đầu ông vẽ một kẻ chưa bao giờ gặp mà chỉ dựa vào lời kể của nhân chứng, vốn rất dễ bị sai lệch.

“Thông qua lời kể của nhân chứng, các chi tiết đều rất mờ nhạt, chẳng khác nào mớ bòng bong. Chỉ có hai nét được nhiều người nhắc đến về tên cướp, đó là tóc dài ngang vai, má hóp nhìn như ma đói. Tôi cứ ám ảnh về hình ảnh này, đến nỗi đêm nào ngủ cũng nằm mơ”, ông nhớ lại.

Khắc tinh của tội phạm

Lần đầu trực tiếp tham gia phá án, lại gặp ngay vụ hóc búa khiến họa sĩ nhiều năm gắn bó với giá vẽ có lúc chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhưng với quyết tâm không để hung thủ lọt lưới, họa sĩ Thành ngày đêm nghiên cứu, thu thập các lời mô tả chân dung hung thủ.

Để có những đường nét tương đối, ông đã phải căng óc ra, tập trung nhãn quan cao độ, xoáy sâu vào từng chi tiết. Thế nhưng lần đầu, ông phải mất 15 ngày để đưa ra bản phác thảo bằng bút chì. Tiếp đến cho nhân chứng xem để “bồi đắp” thêm các chi tiết về ngũ quan. Và 10 ngày sau đó ông mới hoàn thiện bức chân dung.

“Tôi phải vận dụng đồng thời nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Đó là sự kết hợp giữa ngành tâm lý học, khoa học hình sự và giải phẫu mặt. Với những đặc điểm của tên cướp trông như ma đói được phác họa, mấy ngày sau các trinh sát đã xác định được nghi can”, họa sĩ Thành nhớ lại.

Hình ảnh Phó Văn Chính trong chuyên án ĐB-99
Hình ảnh Phó Văn Chính trong chuyên án ĐB-99

 

Tên cướp với biệt danh “yêu râu xanh mặc quần xì đỏ” nhanh chóng được CQĐT xác định là Phó Văn Chính (SN 1963, ngụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từng xộ khám nhiều lần). Tại cơ quan điều tra, khi được xem bức chân dung họa sĩ phác họa, tên cướp “ma đói” đã hết sức sửng sốt: “Sao cán bộ có hình của em rõ đến thế”. Với những chứng cứ không thể chối cãi, tên Chính đã khai nhận trong số 58 vụ án y gây ra có đến 9 vụ cướp hiếp.

Chuyên án đầu tiên tham gia thành công, cũng là dấu ấn để vị họa sĩ tài năng dấn thân vào nghiệp dùng nét cọ phá án. Ông đã giúp công an triệt phá nhiều chuyên án lớn. Mỗi bức chân dung tội phạm, qua nét cọ phác họa của ông giống đến 95% so với hình thật bên ngoài của nghi can.

Trong đó phải kể đến chuyên án đình đám mang bí số CS-501. Vào năm 2001, tại vùng Đông Nam Bộ liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn. Băng cướp sẵn sàng nã đạn vào bất cứ người nào chống cự. “Đích thân thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã mời tôi tham gia phá án. Vì băng cướp hoạt động vào ban đêm, chúng đeo khẩu trang nên không dễ dàng nhận dạng”, họa sĩ Thành kể.

Dũng “chim xanh”
Dũng “chim xanh”

Họa sĩ Thành đã phải lần theo dấu chân của băng cướp qua nhiều tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên để tìm gặp nhân chứng, nghe họ mô tả đặc điểm nhận dạng. Cũng nhờ bức họa của ông, ban chuyên án đã truy tìm trong tàng thư và xác định tên cầm đầu băng cướp chính là Nguyễn Chí Dũng, còn gọi Dũng “chim xanh” (ngụ tỉnh Bình Phước). Tên Dũng bị bắt ngay sau đó và với bàn tay nhuốm máu người vô tội, y đã bị tuyên án tử hình.

Bước sang tuổi thất thập, Võ Tấn Thành đã là một họa sĩ lão làng trong công tác phác họa chân dung tội phạm với thành tích giúp công an phá thành công hơn 40 vụ án. Ông xứng đáng với tên gọi “người lính không quân hàm”.

Theo Đông Tuyền
VietNamnet