1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

“Kỹ sư chân đất” biến đồ phế thải thành máy gặt lúa thông minh

(Dân trí) - Với rất nhiều người, động cơ xe máy cũ, những tấm tôn hay xích xe máy cũ chỉ là đồ bỏ đi, nhưng với "lão nông không ruộng" Trương Minh Hải thì đó là nguồn nguyên liệu quý để ông chế tạo ra chiếc máy gặt lúa thông minh.

Ông Trương Minh Hải (SN 1958, trú tại khối phố 10, TP Hà Tĩnh) sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng nên từ nhỏ đã thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Chính điều đó đã thôi thúc ông phải làm được điều gì đó giúp người nông dân quê mình.
 
Vốn là người từng theo học cơ khí, ham mày mò học hỏi nên đến năm 2010, khi nhận sửa chiếc máy gặt lúa Bông Sen do nhà máy Sài Gòn sản xuất, ông đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng làm ra một chiếc máy gặt thông minh giúp bà con nông dân đỡ vất vả.
 
“Kỹ sư chân đất” biến đồ phế thải thành máy gặt lúa thông minh
Ông Hải là người ham học hỏi, đam mê sáng tạo. Với ông, không có thứ gì là đồ bỏ đi. 

“Hôm nhận sửa chiếc máy, tôi đã để ý kỹ từng chi tiết, nguyên lý hoạt động của máy. Sau khi sửa xong chiếc máy, tôi đã mất một thời gian ngắn để nghĩ ra cách chế tạo chiếc máy mới. Lúc bấy giờ trong đầu tôi nghĩ sẽ dùng động cơ xe máy, vì nó dễ thay thế, nhiều phụ tùng và giá thành rẻ, rất tiện lợi, nhiên liệu tiêu hao sẽ ít hơn, giảm giá thành chiếc máy”, ông Hải nói về cái duyên đến với chiếc máy gặt.

Sau 3 tháng mất ăn, mất ngủ với đống sắt vụn, ông Hải cho ra chiếc máy gặt đầu tiên. Thế nhưng khi đem ra chạy thử thì chiếc máy đã không được như mong muốn. Máy trục trặc kỹ thuật do tính toán ban đầu và khi xuống ruộng lúa thì khác xa nhau.
 
Ông Hải bên chiếc máy gặt do mình tự mày mò, sáng chế
Ông Hải bên chiếc máy gặt do mình tự mày mò, sáng chế

Không nản chí, ông lại tiếp tục điều tiết các chi tiết máy ăn khớp với nhau hơn. Đúng là ông trời không phụ công, sau lần chỉnh ấy, chiếc máy đã có thể gặt được trên ruộng

Chia sẻ với chúng tôi về khó khăn trong quá trình chế tạo ra chiếc máy gặt ông Hải cho biết: “Với tôi cái khó nhất là không có một mảnh ruộng để chạy thử máy, khi chế tạo ra chiếc máy tôi phải chờ đến ngày mùa, rồi nhờ cậy bạn bè, anh em để có chỗ thử máy. Việc phụ thuộc vào ruộng người khác để thử máy, mất rất nhiều thời gian”.

Chiếc máy thật sự hoạt động hiệu quả, với 8 sào lúa được chiếc máy gặt xong chưa đầy 2 tiềng đồng hồ. Và theo tính toán của ông Hải thì chi phí nhiên liệu chỉ khoảng từ 4 - 5 nghìn đồng/sào.

Tiết kiệm chi phí, nhưng ông vẫn chưa hài lòng với đứa “con cưng” của mình, bởi chiếc máy gặt đời thứ nhất này khi hoạt động lúa trải đều trên ruộng khiến bà con rất mất thời gian và công sức đi thu gom lúa. Từ đó ông Hải tiếp tục mày mò để chiếc máy gặt có thêm nhiều công dụng hơn nữa, nâng cấp cho chiếc máy gặt của mình để cho ra đời chiếc máy có nhiều chức năng như: gặt, gom, gồi lúa.

Với niềm khích lệ là sự thành công chiếc máy đầu tiên, ông Hải chế tạo ra chiếc máy đời thứ 2 đã gom được gồi lúa, giảm sức lao động người nông dân.

Ông Hải cười mãn nguyện khi bộ điều khiển tại tay cầm hoạt động ổn định, an toàn

Ông Hải cười mãn nguyện khi bộ điều khiển tại tay cầm hoạt động ổn định, an toàn

Năm nay ông Hải đang ấp ủ một chiếc máy đời mới với công năng gieo, trỉa hạt. “Tôi thấy chiếc máy gặt chỉ có mỗi chức năng gặt không thì hơi phí, vì mùa gặt chỉ kéo dài 10 đến 15 ngày, sau khi hết mùa thì máy lại nằm một chỗ, nên tôi đã chế tạo ra bộ gieo hạt, sau khi đã đưa ra thử, thì máy đã gieo được hạt đều” - ông Hải cười tươi nói.

Do độ găm sâu của hạt chưa đạt yêu cầu, nên hiện "kỹ sư chân đất" này đang trong quá trình chế tạo lại chiếc máy gặt, gieo trỉa hạt giống đời thứ 3.
Ông Hải 
Ông Hải đang nghiên cứu chế tạo lại bộ gieo trỉa hạt giống để chiếc máy gặt đời thứ 3 trở nên đa năng và hiệu quả hơn

Rời xưởng cơ khí, với những tiếng động cơ máy đang hoạt động inh ỏi, trong xưởng người đàn ông đang cần mẫn với từng con ốc, chúng tôi tin rằng “lão nông không mảnh ruộng” sẽ thành công với dự định của mình.

Anh Tấn - Văn Dũng