1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ lạ xứ đàn ông không chịu… lấy vợ

Nơi đó không chỉ nổi tiếng với trái bòn bon từng được mệnh danh là “Nam trân” (trái quý ở phương Nam). Nơi ấy còn có những người đàn ông không chịu lấy vợ.

Xóm ấy có một cái tên khá đặc biệt, nhưng nếu chỉ hỏi tên làng thì chẳng có nhiều người biết, muốn tìm đến, hãy hỏi “xóm đàn ông độc thân” thì nhiều người sẽ chỉ tận nơi...

 

Kỳ lạ xứ đàn ông không chịu… lấy vợ

Đàn ông ở xóm độc thân trở lại quê hương sau những ngày bôn ba.

 

Không chịu lấy vợ vì... không thích?

 

Nhiều người trong xóm cũng không biết xóm này có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra lại nghe mọi người nói đó là xóm Bộng Dầu. Nghe kể vì có hai cái máy ép dầu phộng nằm giữa xóm từ thời Pháp.

“Răng mà đàn ông quê anh không chịu lấy vợ?!”, tôi hỏi một anh chừng 35 tuổi, ngồi ngay đầu lối đi vào vùng Bộng Dầu (thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Anh cười rất tươi: “Không biết! Thanh niên xứ Bộng Dầu quê tôi gần 70% không chịu lấy vợ. Cứ ở vậy cho mấy cô gái tức chơi đó mà!”.

 

Rồi qua câu chuyện, anh nhận làm người dẫn đường cho chúng tôi vào vùng đàn ông độc thân. Có nhiều anh xấp xỉ bốn mấy, năm mươi tuổi cũng... không có động tĩnh chi hết. Có những anh sinh năm 1973, có cả những anh sinh năm 1965. Không nhớ hết được đâu, chỉ biết là đông lắm, đến những ngày lễ Tết là lúc đông vui nhất, vì đi làm ăn xa về mà, ngồi lại với nhau chỉ thấy toàn “đực rựa” quá trời, nói chuyện rôm rả lắm!

 

Nghe anh nói vậy, chúng tôi cũng đoán là anh cũng chưa “có chi hết”. Ngang qua một đoạn sông Tiên mùa nước cạn, hơn chục người đàn ông trai tráng, lưng trần trùng trục đang làm cát bên sông. Tôi vừa cười vừa hỏi: “Đàn ông độc thân xứ này hả anh?!”, người dẫn đường cười hể hả: “Đúng đó! Mới có một nhúm hà. Trong làng còn nhiều nữa. Chừng này nhằm nhò chi! Giờ tụi hắn đi TP.HCM, Đà Nẵng... làm ăn cũng nhiều rồi, chỉ còn một số ở lại đang làm cát, sỏi dưới bờ sông Tiên như ri thôi!”.

 

Kỳ lạ xứ đàn ông không chịu… lấy vợ
Tác giả (trái) và những người đàn ông độc thân trong xóm trò chuyện rôm rả.
 

Xóm Bộng Dầu có 28 hộ với gần 150 người, nhưng đến nay đàn ông trong xóm đa phần đã đến độ tuổi kết hôn mà vẫn chưa lập gia đình. Quả thật, ngay đến các chị phụ nữ ở xóm Bộng Dầu này cũng tỏ ra khó hiểu cho cảnh tình “ưa độc thân” của những người đàn ông xóm này.

 

“So với mấy xóm lân cận, những chàng trai xóm Bộng Dầu đều đạt từ “chuẩn” trở lên, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà họ sống độc thân, không chịu lấy vợ nhiều như thế” - chị Vũ Thị Phượng, 32 tuổi, một trong số ít những người vợ hiếm hoi của xóm này đã nói với chúng tôi như thế.

 

Con đường từ đầu xóm đến cuối xóm dài chưa đầy 1km, hai bên đường là bờ đá núi được chất đẹp mắt và cả những vườn cây bòn bon xanh ngắt. Cái nghề nông cày sâu cuốc bẫm vẫn còn luẩn quẩn với cuộc sống của xóm Bộng Dầu này, xã hội đã phát triển và bao nhiêu trai làng trong xóm đã ra đi về chốn phồn hoa để tìm cho mình một chân trời mới, một lối thoát cho cuộc đời những vẫn còn đó những tiếng ca buồn chốn xa xôi.

 

Dẫu có những mái nhà ngói đỏ tươi thay vì những mái nhà tranh cũ kỹ phên trát đất bện rơm, nhưng vẫn ẩn hiện đâu đó nét buồn trong cái khổ. Bởi phía sau vẻ êm ả này hình như có những tiếng thở dài, có một sự chịu đựng về một điều gì đấy mà tôi vô tình chạm vào...

 

Chuyện tình yêu khó nói lắm anh ơi...

 

Không biết có phải tôn thờ sự tự do không ràng buộc vợ con hay không mà các trai trẻ xóm này không chịu lấy vợ. Nhưng nghe tiếng cười buồn của đám thanh niên đã bước qua tuổi “băm” mà vẫn chưa một lần được biết đến tình yêu, tự nhiên thấy chạnh lòng cho họ.

 

Người dẫn đường rót một chén nước đưa tôi, rồi anh ngậm ngùi: “Cũng không hẳn rứa đâu anh! Trong đó cũng có nhiều nỗi niềm lắm. Có người phải làm tròn chữ hiếu, có người thì nghèo quá, có người thì sợ điều này điều nọ. Miết như rứa rồi họ độc thân luôn!”.

Những người đàn ông trong xóm rất nhiệt tình và hiếu khách.

 

Cũng chẳng phải vì đàn ông xứ này có vấn đề về sinh lý, bởi những lần tụ lại bên mâm rượu, chủ đề của họ vẫn là phụ nữ, vẫn nói chuyện gái trai như bao người khác.

 

Chúng tôi đến nhà một anh đã ngoài “đầu bốn”, anh đã từng đi khắp trong Nam ngoài Bắc, bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề để sống rồi cuối cùng quay trở về cố hương để đi phụ hồ, đi làm cát sỏi kiếm ngày dăm bảy chục ngàn nuôi thân và nuôi cha mẹ già.

 

“Lấy vợ rồi làm gì ăn, làm gì sống đây! Cha mẹ nào chẳng mong con cái mình yên bề gia thất. Cũng tại gia đình khó khăn, tui lại không nghề không nghiệp, trần lưng làm cả ngày xúc cát sỏi được bốn năm chục nghìn. Có gia đình mà không lo được lại khổ vợ, khổ con. Nhưng...”, rồi anh bỏ lửng câu nói giữa chừng.

 

Có nhiều người trong xóm cũng đã bôn ba khắp nơi để mưu sinh như anh, rồi họ cũng trở về, có phải chăng thời trai trẻ các anh đi làm ăn ở các thành phố lớn, đã nhìn thấy khoảng cách cuộc sống giữa vùng thôn quê, thành thị rồi thấy mình không ra sao để bỏ quên hạnh phúc của đời mình.

 

Cuộc đời của những người độc thân vô cùng khó khăn, thu nhập chủ yếu từ mấy thước ruộng, mùa rảnh đi làm thuê nên hầu hết họ phải chịu đựng sự thiệt thòi.

 

Có lẽ cuộc sống là vậy, nhìn ở một khía cạnh nào đó, người nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất trong mỗi phương diện phát triển của xã hội. Xóm Bộng Dầu vẫn yên ả trôi qua.

 

Giờ đây, có thể hồ hởi với ánh điện đã thắp sáng khắp nơi, những phương tiện truyền thông liên lạc hiện đại đã có thể đến từng góc nhà của xóm Bộng Dầu, nhưng vẫn còn một góc khuất thầm kín xa vắng nào đó nơi những người đàn ông độc thân đang sống...

 

Theo Bùi Hữu Cường

Sức khỏe & Đời sống