1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ lạ cuộc đời dị nhân canh mỏ vàng trên dãy Tản Viên

Sau gần 30 năm canh giữ mỏ vàng, giờ đây mộng đổi đời với ông Thân chỉ là quá khứ. Gã giang hồ khét tiếng giờ đã trở thành ông từ ngày ngày nhặt cỏ, trồng hoa bên cửa động thờ công chúa Ngọc Hoa trên dãy Tản Viên kỳ vĩ.

Vốn là lính đặc công trên chiến trường Tây Nguyên, khi trở về quê hương, vì ôm mộng đổi đời, ông Hoàng Thân đã vác ba lô đi khắp dãy núi Tản Viên tìm kiếm... mỏ vàng. Cũng từng “sống chết” với các bưởng vàng khét tiếng, nhưng cuộc đời “phu vàng” vẫn mãi nghèo. Quyết tìm cho mình một bãi vàng mới, ông Thân đã tìm được mỏ vàng sa khoáng, đã chạm tay vào những vỉa vàng lung linh. Nhưng rồi chính quyền cấm khai thác, ông đành ngậm ngùi canh giữ và chờ đợi.

Sau gần 30 năm canh giữ mỏ vàng, giờ đây mộng đổi đời với ông chỉ là quá khứ. Gã giang hồ khét tiếng giờ đã trở thành ông từ ngày ngày nhặt cỏ, trồng hoa bên cửa động thờ công chúa Ngọc Hoa trên dãy Tản Viên kỳ vĩ.


Ông Thân kể lại cuộc đời đầy sóng gió của mình.

Ông Thân kể lại cuộc đời đầy sóng gió của mình.

Dị nhân canh mỏ vàng

Nếu ai đã từng đến thăm thú vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) sẽ rất ngạc nhiên bởi ở đó có một người đàn ông ngày ngày nhổ cỏ, trồng hoa bên cửa động thờ công chúa Ngọc Hoa. Người ta vẫn gọi ông với cái tên “dị nhân canh mỏ vàng” hay “Gã người rừng”.

Ông Hoàng Thân (62 tuổi) là người duy nhất trong vùng được sống trong vườn quốc gia này một cách hợp pháp. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Thân thuê một mảnh đất rất rộng lớn trên đỉnh núi Ba Vì để khai thác vàng sa khoáng. Gần 30 năm trôi qua, người đàn ông ấy vẫn luôn nuôi giấc mộng “xúc được núi vàng”, tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Giấc mộng ấy cứ níu đôi chân ông, rồi từ khi nào không hay ông coi nơi đây chính là nhà của mình. Ông sống lầm lũi, cô quạnh như người rừng, những nếp nhăn hằn sâu như vết sẹo, tóc để dài búi tó phía sau đầu cùng với nụ cười nửa miệng khiến con người này càng thêm bí ẩn.

Dù là người kín tiếng, có phần khó gần nhưng gặp chúng tôi, ông Thân như cởi tấm lòng. Là người Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), năm 1974 ông đi bộ đội, rồi làm lính đặc công ở chiến trường Tây Nguyên. Ông nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, sức khỏe hơn người, không có cánh rừng nào mà ông chưa băng qua, không con suối nào ông chưa đặt chân đến.

Sau 9 năm quân ngũ, trở về quê hương, vì đất chật người đông, ông Thân quyết định vác ba lô lang thang khắp núi rừng Ba Vì kiếm kế sinh nhai. Rồi một lần biết tin ở dãy núi Ba Vì có nhiều vàng, ông quyết định liều mạng lên núi để đổi đời.

“Ngày đó, ở đây vàng nhiều vô kể, ở một số khu vực Đồng Xô, Bặm, Xoan… có nhiều vàng sa khoáng. Người dân chỉ cần có mảnh đất vườn, mảnh ván làm cái tời, sau đó bốc đất, bơm nước và đãi. Ngày đó có người đào được cục vàng bằng bao thuốc lá, quả trứng gà là chuyện không hiếm. Tôi cũng từng kiếm được hàng chục lượng vàng thô. Định bụng xuống núi bán đi kiếm chút tiền giúp gia đình nhưng lại gặp kẻ xấu chơi đểu nên lại lâm vào cảnh nghèo khó”- ông Thân nhớ lại.


Động Ngọc Hoa trở thành điểm thu hút của rất nhiều khách du lịch.

Động Ngọc Hoa trở thành điểm thu hút của rất nhiều khách du lịch.

Chính vì có nhiều vàng sa khoáng mà đất Ba Vì khi ấy vô cùng hỗn loạn, luật chưa được thắt chặt nên kẻ nào mạnh kẻ đó là bá chủ. Ngày còn chân ướt chân ráo vào đội đào vàng, ông Thân không ít lần bị giang hồ đánh hộc máu mồm, rồi trấn lột cướp phần vàng kiếm được.

Nhiều lúc ông Thân phải cắn răng chịu nhục, nếu cưỡng lại sẽ mất mạng như bao người khác. Dù không phải là dạng dễ bắt nạt nhưng ông Thân cũng không thể chịu nổi sức ép quá lớn của dân “bưởng vàng” kỳ cựu. Ông quyết định tìm cho mình quặng mỏ mới. Sau một thời gian dài lang thang, ông Thân mới phát hiện mỏ vàng ở địa phận thôn Lũng Cua, xã Vân Hòa, Ba Vì.

“Cũng có một chút võ nghệ khi còn đi bộ đội, sức khỏe tốt nên mới giữ được mạng đó. Nhiều lần biết tin tôi đào được vàng, chúng nó kéo cả chục người đến lán để trấn lột, đánh đập. Suy cho cùng làm cật lực cũng chỉ được ít vàng cám, còn những lần đào được nhiều thì đều bị chúng tịch thu mất. Tôi nghĩ, chỉ có làm ông chủ bãi mới có cơ hội đổi đời, tôi quyết định bỏ bãi vàng đang làm, tự tìm cho mình bãi mới. Tôi đến đó thấy một cái hang khá sâu, dùng con dao găm khoét sâu vào đất đá, đó là loại đất đá giống với bãi vàng cũ. Với kinh nghiệm của mình tôi đã hiểu ra rằng đây chính là bãi vàng. Anh chị không tưởng tượng được lúc đó tôi hét lớn đến mức nào”.

Thời kỳ luật lá còn chưa kín kẽ, ông Thân xin được giấy phép khai thác của địa phương khá dễ dàng và nhanh chóng đi vào khai thác ngay. Thế nhưng niềm vui không được bao lâu, 2 năm sau thì Nhà nước có chủ trương dẹp bỏ những vi phạm “xẻ thịt thiên nhiên”.

Đầu năm 1992, khu vực mỏ vàng của ông Thân được quy hoạnh về rừng quốc gia Ba Vì, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác khoáng sản. Sau thời gian dài, ông Thân quyết định gửi trình báo về việc mình phát hiện ra bãi vàng sa khoáng ở Lũng Cua tới cơ quan chức năng. Nhận được đơn, cũng đã có một vài đơn vị chuyên môn đến thăm dò địa chất, xác định trữ lượng, diện tích về mỏ vàng.

Ông Thân cho biết: “Bộ Công nghiệp nặng ngày ấy đã ký vắn tắt với tôi về việc xác nhận tôi là người đầu tiên phát hiện ra bãi vàng nên khi bãi vàng được khai thác tôi sẽ được hưởng 3% trữ lượng vàng tìm thấy. Tức là, hàng tấn vàng đấy. Nhưng, không được tự ý khai thác. Tôi cũng không đành lòng khai thác trộm, vì đó là tài sản của mình, nếu mình làm vụng trộm thì mình nhục quá. Thế là, từ bấy đến nay là tôi “tịt” luôn, không nhúc nhắc gì được, mặc dù đang ngồi trên đống vàng...”.


Khu vực mà ông Thân cho rằng có nhiều vàng sa khoáng.

Khu vực mà ông Thân cho rằng có nhiều vàng sa khoáng.

Vác đá làm đường lên di tích

Cho chúng tôi xem tờ đơn ký tắt giữa ông với Bộ Công nghiệp nặng còn nguyên vẹn nhưng có vẻ ông không muốn nhắc nhiều đến chuyện mỏ vàng nữa. Chuyện ông say sưa kể là sự kiện phát hiện ra hang động thờ công chúa Ngọc Hoa và những điều bí ẩn mà ông chứng kiến tại đây. Ông bảo, ông đã mất đứa con trai duy nhất ở đây nên quyết tâm xây dựng đền thờ cho các ngài. Nguyện cả đời hương khói, canh giữ mỏ vàng mà không bao giờ nghĩ đến “mộng đổi đời” nữa.

Dẫn chúng tôi men theo lối đi được tay ông tự làm khá kỳ công, nghiêng mình lách qua những phiến đá lớn. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một hang đá thiên tạo, bên ngoài được phủ bằng rễ cây rừng khá kỳ bí. Bước vào bên trong là một khoảng trống khá lớn, những phiến đá được tạo hóa xếp khá cầu kỳ theo hình bậc thang. Trong cùng là ban thờ công chúa Ngọc Hoa – vị phu nhân của thánh Tản Viên trong truyền thuyết.

Ông Thân kể: “Hơn 20 năm trước, trong một lần tình cờ dẫn đoàn làm phim lên núi, tôi đã phát hiện ra động Ngọc Hoa công chúa. Lúc bấy giờ, bàn thờ của Công chúa bị che phủ hoàn toàn bởi rễ cây rừng do không biết bao nhiêu năm hoang phế. Tôi cho đây là cơ duyên trời ban cho mình, cũng là trách nhiệm của mình đối với tiền nhân. Tự nhiên, trong đầu tôi nảy sinh ý định phải làm việc gì đó để xã hội biết đến động Ngọc Hoa, biết đến sự tồn tại của hang động kỳ vĩ này”.


Con đường đá dẫn lên động Ngọc Hoa mà ông Thân bỏ rất nhiều công sức để có.

Con đường đá dẫn lên động Ngọc Hoa mà ông Thân bỏ rất nhiều công sức để có.

Từ ý nghĩ đó, ông Thân quyết định mở đường lên hang, ngày ngày vác đá tảng lên để tạo lối đi. Mỗi tảng đá nặng cả vài chục cân, ngày nào ông cũng còng lưng vác hàng chục tảng. Khi hoàn thành lối đi lên động thờ công chúa Ngọc Hoa, ông Thân đếm được 497 tảng đá. Sau này, những tảng đá mọc rêu, ông Thân kỳ công lấy xi măng và đá nhỏ trải một lớp mỏng để người đi đỡ trơn trượt.

“Tôi nghĩ, tâm nguyện cuối cùng của đời tôi là xây dựng miếu Ngọc Hoa to đẹp, đàng hoàng. Vì tôi có duyên với nơi này. Động Ngọc Hoa nằm ở trên mảnh đất mà tôi được giao – đấy là điểm kỳ lạ thứ nhất. Hơn nữa, dường như các ngài không cho phép tôi rời khỏi vị trí hiện tại. Hồi năm 2009, khi ấy, tôi dự định chuyển nhượng mảnh đất cho một đại gia ở Hà Nội. Nhưng mà, con trai duy nhất của tôi, bấy giờ cháu 11 tuổi, bất ngờ chết đuối ngay ở ao nước trên đồi. Tôi đau xót quá, và chợt nhận ra đó là sự cảnh tỉnh của các ngài dành cho mình. Nên, từ đó, tôi không dám đi đâu, chỉ chăm chú dành thời gian, tâm sức để phục vụ các ngài” – ông Thân tâm sự.

Với công sức không biết mệt mỏi của ông Thân, giờ đây động Ngọc Hoa công chúa đã được rất nhiều du khách lui tới. Gã giang hồ ôm mộng đổi đời, vùng vẫy một thời nay lại là ông từ hiền lành tại miếu công chúa Ngọc Hoa. Cuộc đời ông giờ gắn với việc trông cây, trồng hoa, nhổ cỏ sống tự tại với thiên nhiên nơi cửa đền.

Theo Phong Anh

Công an Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm