1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Kỳ án” gỗ lậu vượt sông Gianh

(Dân trí) - Chiều 23/10, nhóm phóng viên <i>Dân trí</i> nhận được điện thoại của nhân mối: Tối nay, 3 bè gỗ lậu gần 30m3 sẽ xuôi sông Gianh qua huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình. Quá trình “săn” gỗ lậu của chúng tôi ly kỳ không khác gì bộ phim hình sự.

Trước đó, ngay khi nhận được tin báo từ nhân mối (người cung cấp thông tin - PV), chúng tôi đã báo lại với một số cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Bình nhưng không nhận được sự đáp lại hào hứng. Chúng tôi quyết định tự vào cuộc “săn” gỗ lậu.
 
Nhà báo bị theo dõi 
 
“Kỳ án” gỗ lậu vượt sông Gianh - 1
Gỗ lậu bị bắt được tập kết kín bờ sông, nhưng vẫn có tin nói một bè chừng 10m3 đã "lọt" trạm

Chúng tôi vượt 100 km trong cơn mưa tầm tã cho kịp tiếp cận cầu Bà Tâm, cách thị trấn Đồng Lê chừng 5 phút chạy xe, nơi có trạm kiểm lâm Đồng Lê (thuộc Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa) án ngữ bên sông, bởi nhân mối thông báo: chừng 20h, 3 bè gỗ lậu sau khi vượt qua sự kiểm soát của 2 trạm kiểm lâm ở thượng nguồn sẽ đến cầu Bà Tâm.

Nhân mối lưu ý: Gỗ lậu đã được “thông đường”, cách duy nhất để chặn 3 bè gỗ là nắm được địa điểm cụ thể để báo cho cơ quan chức năng. Nếu để ba bè gỗ vượt qua cầu Bà Tâm và sự kiểm soát của trạm Đồng Lê, cuộc truy bắt nếu có sẽ chỉ như mò kim đáy bể. Nhân mối lưu ý thêm, có thể sẽ có “kịch”, nếu để “động” sớm mọi kế hoạch sẽ thay đổi.

19h, chúng tôi có mặt tại thị trấn Đồng Lê và tìm đến một quán cà phê. Một phút hội ý nhanh, chúng tôi quyết định gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hồ Thanh Ngọc đề nghị ông đừng tắt máy để phòng “có việc bất ngờ”. Mọi kế hoạch đã được lên, gần như hoàn hảo, chỉ chờ “giờ G” khi các bè gỗ lậu sẽ bị “thập diện mai phục” tại “điểm chết” cầu Bà Tâm.

Bất ngờ, chúng tôi gặp ông Hà Đức Trường - Hạt phó Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa cũng vừa vào quán cà phê với một cán bộ kiểm lâm khác. Sau vài cái bắt tay và những câu chuyện ngoài lề, điện thoại của cả hai bên liên tục reo và cuộc gặp không hẹn bị gián đoạn nhiều lần vì những cuộc đàm thoại bí mật. Chợt nhân mối báo về: “Hỏng, lâm tặc trên bè đã biết được sự hiện diện của nhà báo, có thể 10h đêm gỗ mới xuôi”.

“Giờ G”

Sợ lộ thông tin, chúng tôi nháy nhau lên xe thẳng hướng Minh Hóa dấn ga. Có lẽ, cuộc rút lui đúng lúc của chúng tôi đã giúp mọi kế hoạch trở lại như dự kiến. Nhân mối báo về: “Lâm tặc đã nhận tin báo, nhóm nhà báo không liên quan đến “hàng”, cứ đúng 8 giờ đêm cho gỗ xuôi. Hiện “hàng” đang cách cầu Bà Tâm chừng 10 phút đi bè”.
 
“Kỳ án” gỗ lậu vượt sông Gianh - 2
 
Lực lượng phối hợp kiểm lâm - công an đang kéo gỗ lên bờ.

Như đã y ước, chúng tôi nhấc máy gọi cho Chủ tịch UBND huyện, đề nghị ông chỉ đạo cơ quan chức năng bắt gỗ tại cầu Bà Tâm. Chỉ ít phút sau, đã thấy chiếc xe UAZ và nhiều xe máy của Công an huyện Tuyên Hóa xuất quân, hướng cầu Bà Tâm. Chúng tôi bám theo, thông tin báo về: “Gỗ dài, bị mắc kẹt ngay mố cầu”. Lúc đó khoảng 20h40.

Đoàn trên bộ đỗ xịch đến, gần như cùng lúc chúng tôi đã thấy trên cầu ông Trường đã có mặt chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm. Dưới sông, số gỗ bị mắc kẹt đã bị trạm Kiểm lâm Đồng Lê bắt giữ. Lực lượng công an có mặt đông đủ, nhưng vì không có phương tiện nên chỉ đứng trên bờ. Dưới lòng sông tối om, chỉ có kiểm lâm và nhóm người chèo gỗ. Sau gần 1 tiếng loanh quanh quay chụp ở khu vực cầu Bà Tâm, chúng tôi rút lui...

Nhân mối lại gọi: “Một bè đã lọt trạm”.
 
“Kỳ án” gỗ lậu vượt sông Gianh - 3
Gỗ lậu được kết trên các bè nứa, nối với nhau bằng dây thừng. 
 

Những câu hỏi mãi là… câu hỏi

Sớm hôm sau, chúng tôi trở lại cầu Bà Tâm, nơi lực lượng kiểm lâm nói rằng họ đã trực thâu đêm để canh không cho lâm tặc cướp gỗ. Dưới sông, các cán bộ kiểm lâm đang hụp lặn với các thanh gỗ lậu giữa dòng sông chảy xiết. Trên bờ, ông Trường đôn đáo chỉ đạo trong sự có mặt của lực lượng quân sự.  

Một điều khá ngạc nhiên là trong khi kiểm lâm đang kéo gỗ vào bờ, nhiều thuyền “lạ” cứ mon men lại gần, rồi ngoắc mấy thanh gỗ và nổ máy chạy. Một thanh niên cởi trần còn ngang nhiên ôm một bè nứa theo dòng nước đẩy bè đi. Cùng lúc, một cán bộ kiểm lâm khác thản nhiên chặt rời sợi dây buộc, để mặc mấy khúc gỗ từ từ chìm xuống lòng sông ngầu đỏ.
 
“Kỳ án” gỗ lậu vượt sông Gianh - 4
 
"Thuyền lạ" (giữa) tìm cách tiếp cận số gỗ tang vật rồi sau đó ngoắc mấy hộp gỗ ngang nhiên kéo đi .

Không thể đứng nhìn được nữa, ông Trường chạy xuống tận bờ sông chỉ đạo không được cho dân cướp gỗ, không được để gỗ chìm. Các cán bộ kiểm lâm trực tiếp kéo gỗ cũng quát mắng: “Những người không liên quan đi chỗ khác, không thấy nhà báo đang quay phim chụp ảnh trên kia à”.

Cách làm lạ lùng trên của lực lượng kiểm lâm không khỏi khiến chúng tôi nhớ lại thời điểm các bè gỗ bị bắt: những người trên bè gỗ thản nhiên thay áo quần rồi đủng đỉnh rời khỏi hiện trường ngay trước mặt các cơ quan chức năng. Chúng tôi được giải thích: “họ chỉ là những người chèo thuê, ở Kim Hóa”, dù vẫn nghĩ nếu tạm giữ những người này để lấy tường trình, nguồn gốc số gỗ và diễn biến vụ việc có thể được làm rõ.

Chúng tôi đề nghị làm việc với Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa để làm rõ một số thông tin như: các bè gỗ đã được “làm luật”, những cái tên chủ gỗ như A. “đen”, N. “ngại”, hay X. “thuế” hay việc lâm tặc biết sự hiện diện của nhà báo ngay sau khi chúng tôi đặt chân vào quán cà phê…

Tuy nhiên, ông Cao Xuân Quế, hạt trưởng cho biết đang bận họp và giao cho ông Trường hạt phó. Đến lượt ông Trường lại đề nghị chúng tôi xin ý kiến của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình…

Bất lực trước việc liên hệ với cơ quan chức năng, chúng tôi đành trở về mang theo nhiều câu hỏi không được giải đáp và tự an ủi nhau: dù sao, gỗ lậu cũng đã bị bắt.

Chỉ một, hai ngày sau, trên một số tờ báo đã đăng tin gần 20m3 gỗ lậu bị bắt giữ. Một “chiến công” của kiểm lâm Tuyên Hóa, nơi rừng vẫn ngày đêm bị tàn phá với mức độ chóng mặt!

Hồng Kỹ