1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mưu sinh nơi hè phố:

Kỳ 5: “Triệu phú” than tổ ong

(Dân trí) - Sau nhiều năm đẩy xe than tổ ong bán dạo khắp các ngõ ngách, đến nay, anh Nguyễn Trọng Sáng đã là một trong những tên tuổi có uy tín trong giới sản xuất, kinh doanh than tổ ong ở Hà Nội, mang lại công ăn việc làm cho gần 30 lao động.

 

Từ hai bàn tay trắng…

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người thanh niên Nguyễn Trọng Sáng trở về quê hương (Bắc Sơn, Hưng Hà, Thái Bình) xây dựng gia đình. Cuộc sống vốn nghèo, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên làm quần quật cả năm cũng chỉ đủ ăn. Không chấp nhận cảnh nghèo, anh Sáng bươn chải khắp nơi, làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

 

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội có phong trào đun than tổ ong. Tại các khu vực bãi sông Hồng hình thành những người chuyên sản xuất và cung cấp than tổ ong cho người dân trong thành phố. Nghe nói nghề bán than cho thu nhập khá, thế là anh khăn gói lên Hà Nội xin đi bán than cho các chủ lán.

 

Đã quen với cuộc sống ở quê, quanh năm chỉ biết đến ruộng lúa bờ ao, học hành cũng chỉ ở mức độ biết chữ, anh Sáng ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội đến đường đi cũng chẳng biết, nói chi đến chuyện bán hàng. Vậy mà, bằng trí thông minh và lòng kiên trì, không những anh đã trụ lại được mà còn nhanh chóng có được những mối hàng riêng ở nhiều khu phố.

 

Nhớ lại những ngày đầu đi bán than, anh tâm sự: “Vất lắm chú ạ! Thức khuya dậy sớm, mồ hôi trên dồn mồ hôi dưới. Mỗi ngày cúi mặt đẩy 3 xe thồ than cao quá đầu người đi lang thang khắp các ngõ ngách. Người ngợm dính đầy bụi than. Hôm nào bị công an bắt xe thì kể như là công cốc”.

 

Kiếm được đồng tiền đã khó, sử dụng số tiền ít ỏi đó giữa chốn phồn hoa này như thế nào lại càng khó hơn. Biết bao cám dỗ với người đàn ông xa gia đình: cờ bạc, trai gái, rượu chè. Trong khi đó, có lúc anh cầm trong tay cả chục triệu đồng tiền hàng. Chỉ một phút sa ngã là vỡ nợ về quê.

 

Kiên trì bám trụ với nghề, từ những khách hàng lấy hàng trăm viên than một lần đến những hộ gia đình chỉ lấy một vài viên, anh đều đưa đúng hẹn và xếp hàng cẩn thận. Anh tâm sự: “Dù có làm nghề gì thì chữ tín cũng phải đặt lên hàng đầu. Người ta có tin mình thì mới gắn bó với mình”. Sau 3 năm tích cóp, anh đã có được số tiền đủ để thực hiện những dự định tiếp theo.

 

…đến “triệu phú” than tổ ong

 

Sau 8 năm gắn bó với nghề bán than trên phố, anh quyết định đổi sang làm kinh doanh. Bằng số vốn dành dụm cộng với vay mượn bạn bè, anh mạnh dạn thuê một bãi đất ở khu Phúc Xá (Hà Nội) mở xưởng sản xuất than. Ban đầu, khi quy mô còn nhỏ, anh kiêm luôn cả việc bán hàng. Sau số lượng hàng tăng, anh về quê gọi thêm những người cùng làng lên đi bán và nhường lại những mối hàng cho họ.

 

Bằng kinh nghiệm đã học được từ nhiều năm trong nghề bán than, cộng với tinh thần lao động hăng say, chẳng bao lâu xưởng sản xuẩt than của anh đã đi vào ổn định. Ngoài bán lẻ, anh còn thiết lập được một vài đại lý trong nội thành. Hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

 

Tiếng là chủ lán nhưng anh không nề hà bất kỳ việc gì, từ việc pha chế, đóng than đến việc sữa chữa máy móc anh đều trực tiếp làm. Anh bảo: “Mình mới chỉ sản xuất nhỏ, nếu việc gì cũng thuê người thì lấy đâu ra lời lãi nữa. Hơn nữa, tôi quan niệm rằng, chỉ có đồng tiền làm ra từ chính sức lao động của mình mới bền vững”.

 

Hiện nay, xưởng sản xuất than của anh đã vươn lên thành một trong những cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín ở Hà Nội. Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã mua được nhà, tậu xe ôtô và đón cả gia đình lên sinh sống tại Hà Nội. Hai con anh đều chăm ngoan, học giỏi, đứa lớn năm tới sẽ thi vào đại học.

 

Ngoài làm giàu cho bản thân, anh còn mang lại công ăn việc làm cho hơn 30 lao động với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh cười hiền lành: “Có bí quyết gì đâu, chỉ là sự chăm chỉ lao động, biết quý trọng giá trị sức lao động của mình, kiên quyết không dính vào những ham hố làm giàu bất chính như cờ bạc, lô đề. Dù trở thành ông chủ thì cũng phải quan tâm, tôn trọng người lao động, coi họ như những người cộng sự của mình để cùng đưa xưởng sản xuất phát triển. Như vậy, không những mình có lợi nhuận mà bản thân họ cũng có thu nhập ổn định”.

 

Thấy tôi có ý định viết bài về anh, anh xua tay bảo: “Có gì to tát đâu, là người lao động thôi mà. Mình mở xưởng một phần cũng là để tập hợp anh em cùng quê, cùng bảo nhau làm việc, chia sẻ những nỗi vất và của người lao động nghèo mưu sinh nơi phố xá thôi mà”.

 

Thái Bình