1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mưu sinh nơi hè phố:

Kỳ 3: Cụ ông 78 tuổi hơn 20 năm bơm xe vỉa hè

(Dân trí) - Phía sau lưng chỗ cụ ngồi là một cửa hiệu thời trang có tiếng. Hằng ngày ông ngắm nhìn con phố Lê Hồng Phong (Hà Nội) ngược xuôi xe và người, chứng kiến bao đoàn người vào lăng viếng Bác. Góc phố này đã “thì thầm” cùng cụ chuyện nghề bơm vá xe hơn 20 năm qua.

Kỳ 1: Tôi đi bán hàng rong
Kỳ 2: Ước mơ được vào chợ 

 

5m2 vỉa hè

 

5m2 là phần diện tích ước tính cho “địa hạt” vỉa hè mà cụ Nguyễn Đình Long “mượn tạm” để làm chỗ xoay xở với nghề bơm vá xe đạp trong suốt hơn hai thập kỷ. Tôi hỏi, trước cụ làm nghề gì? “Lính” - cụ trả lời chỉ độc một từ.

 

Cụ kể, sinh ra và lớn lên ở Thanh Hoá, hồi kháng chiến chống Pháp, cụ đã từng là lính Việt Bắc, năm 1954 có mặt trong đoàn quân về giải phóng Thủ đô, mãi đến năm 80 mới giải ngũ. Đồng lương bé như… con chim chích, nhưng gia đình là một bao tải ngô, “chim chích làm sao tha nổi”. Nghĩ chán, rút cuộc cụ đánh liều ra đường làm một thợ sửa xe chính hiệu. Từ đó, kế mưu sinh của cụ gắn chặt với chiếc bơm, chậu nước và những cờ lê, mỏ lết, dầu luyn, mỡ bóng...

 

“Nhặt từng đồng 200 những năm bao cấp rồi đến 500 lẻ - giá bình dân của một cuốc bơm sau này, từ cái lốp xe bị xuống hơi của người đi đường”. Cụ gói gọn công việc hàng ngày bằng một câu hài hước: “Lột xăm bằng tay, soi gai, đinh bằng mắt. Mỗi lần bắt quẻ thấy sủi tăm là “nó đây rồi, tìm ra rồi”. Xong lại cà cà, đập đập, dán dán”.

 

Để không cô đơn , lạc lõng giữa phố phường náo nhiệt, cụ sắm cho mình cái đài chạy bằng pin tiểu. Những lúc vắng khách, rút cái dây ăng-ten lên, ấn nút, thế là “tin tức thời sự, quan họ, hát xoan, chèo, cải lương… chảy như nước vào tai”. Nhìn cụ áp sát cái đài vào tai để át đi tiếng ồn của phố, nghe cho rõ sóng truyền thanh thì biết đôi tai 78 tuổi đã “lão” đến mức nào.

 

“Kỹ nghệ” mỗi ngày

 

Là một nghề kiếm sống lâu năm, với cụ, bơm vá xe vỉa hè cũng phải tích luỹ kinh nghiệm. Riêng cái khoản ăn vận quần áo phải hết sức gọn gàng để hễ có khách là làm nhanh gọn, mươi phút là xong một “nhát” vá, ba phút là căng một lốp xe.

 

Kỳ 3: Cụ ông 78 tuổi hơn 20 năm bơm xe vỉa hè - 1

Góc mưu sinh của cụ Nguyễn Đình Long mấy mươi năm qua vẫn chỉ giản đơn như thế này.

 

“Làm nghề này cũng rèn luyện được sự dẻo dai cho xương cốt. Kéo lên, đẩy xuống cái pít-tông trong bơm nhiều khi cũng “ngang cơ” mấy lực sĩ tập cử tạ chứ lỵ”, cụ cười hóm hỉnh, để lộ hàm răng móm mém.

 

Ngay sát chỗ cụ hay dựa lưng ngồi nghỉ là một tấm bảng “Cấm bán hàng rong” và những quy định khác vẫn thường thấy trên các đường phố Hà Nội. Cụ kể, không nhớ hết bao nhiêu lần phải nộp phạt cho công an phường chỉ vì… vướng cái xe đẩy, không làm sao mà “thoát hiểm” được.

 

“Luật bảo nộp phạt khi vi phạm thì mình nộp. Nhưng nếu bỏ nghề thì nhớ phố, quen rồi! Mỗi ngày ra đây, ít cũng là sự vận động cho tuổi tác”, cụ nói. “Nếu gặp công an khi đang vá xe cho khách thì sao hả cụ?”. “Thì mình cứ để nguyên hiện trường, đứng dậy lảng đi chỗ khác. Họ thấy mình không ngang nhiên làm, nghĩa là có ý thức… chấp hành quy định!”.

 

Cụ dò “sóng” công an nhờ chiếc đồng hồ giấu trong túi áo. Gần đến giờ công an đi “quét” là cụ tìm cách lảng đi chỗ khác.

 

Cụ kể, sống với nghề bơm vá hè phố này, nhiều khi buồn vì sự vô tình của khách. Có lần một người cao tuổi đẩy chiếc xe đạp đến bảo ông vá, làm xong tươm tất, nhận ngay một lời: “Ông cho tôi nợ. Hôm nay, chở cháu ra phố đi dạo nhưng quên không đem theo đồng nào”. Thế rồi cũng chẳng thấy trả.

 

Cụ cũng mất không ít lốp xe máy, vì làm xong cho khách rồi họ lại trả bằng… chứng minh thư. “Giờ không thèm dại nữa, cứ lấy bằng lái, giấy đăng ký xe mà làm của tin là thượng sách. Chết nó cũng phải quay lại mà trả tiền”, cụ dứt khoát, vì “mất cái lốp xe, mình kiếm cả tháng bù sao nổi”.

 

Hơn 20 năm bám trụ nơi mặt phố nhặt nhạnh từng đồng, cụ bảo: “Làm nghề này là không được chọn người. Thấy xe hỏng thì sửa, chứ trước đó, không được phép hỏi là ông/bà có tiền hay không?”. Ngẫm ra, trong đồng tiền ông kiếm mỗi ngày đã có cái tâm rất thật!

 

Sang Anh

  

Kỳ 4: Triệu phú “than tổ ong”