1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xót xa nỗi đau tai nạn giao thông:

Kỳ 2: Sêrêpôk - nỗi đau ở lại

(Dân trí) - Thảm nạn Sêrêpôk mãi là ký ức đau buồn của người dân Đắk Lắk. Năm tháng đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn ở lại, nhiều gia đình bố mất con, ông bà mất cháu, con cái mất cha mẹ…

Câu chuyện đầy nước mắt

Cơn gió Đông chiều xuống lại thổi vù vù trước hiên nhà, bà Hạnh đang cùng mấy người hàng xóm ở thôn 4, xã Ea Lai (huyện Ma Đ’rắk, tỉnh Đắk Lắk) vội bẻ cho xong đám ngô đã cứng hạt. Trước hiên, 3 anh em Ven Gia Chung (12 tuổi), Ven Thị Mỹ Liên (9 tuổi) và Ven Thị Mỹ Ngọc (4 tuổi) hồn nhiên chơi trò tung hứng cùng đám hạt cà phê đang phơi dở trước sân. Suốt buổi trò chuyện cùng chúng tôi, bà Trương Thị Hạnh (61 tuổi) nước mắt cứ chảy giàn giụa xót xa cho 2 con bà là chị Hồ Thị Thủy và anh Ven Gia Lập chết thảm vì tai nạn giao thông trong vụ thảm nạn Sê-rê-pôk, mông lung khi nghĩ về những tháng ngày sắp tới của 3 đứa cháu ngoại mồ côi.

Kỳ 2: Sêrêpôk - nỗi đau ở lại
Bà Trương Thị Hạnh (61 tuổi) nước mắt cứ chảy giàn giụa khi 2 con bà chết thảm vì tai nạn giao thông trong vụ thảm nạn Sê-rê-pôk.

Có lẽ định mệnh như sắp đặt, vốn có một cái mụn nhọt nổi ở ngực lâu ngày, chị Thủy từ lâu đã có dự định xuống chữa trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Một kế hoạch đi xa đã được hai vợ chồng lên kế hoạch ngày 16/5, nhưng do chưa phát xong đám cỏ sau nhà nên kế hoạch được hoãn lại ngày hôm sau. Buổi chiều 17/5, sau khi 2 vợ chồng kết thúc việc đồng áng, tất tả lo xong cơm nước cho bà ngoại mới lên chơi và các con, lật đật ra khỏi nhà thì đó cũng là lần cuối cùng trong đời các con của anh chị được nhìn mặt bố mẹ… Chuyến đi chữa bệnh ấy, cả anh Lập và chị Thủy đã tử nạn cùng 32 nạn nhân xấu số khác trên chuyến xe khách định mệnh BKS 47V-2371 (của HTX Vận tải Quyết Thắng, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), đêm 17/5.

Đêm hôm đó ở nhà chăm nom các cháu, bà Hạnh cứ thao thức không tài nào ngủ được, khắp người nóng ran như lửa đốt bởi khi đi 2 con bà chưa đặt được vé xe khách. Khi đi hai vợ chồng có nói với bà: “Tụi con ra đến bến xe nếu không có xe thì đi về”. Nghe vậy trong lòng bà Hạnh không muốn con mình đi TP.HCM bữa đó, nhưng vì các con bà đi đường xa nên bà kiêng kỵ không nỡ nói ra. Suốt buổi tối hôm đó bà Hạnh nằm mơ màng, hai con mắt bà cứ cay cay, chừng khoảng hơn 22 giờ đêm, nghe tiếng động ngoài hiên, bà Hạnh tưởng 2 con bà đã về nên rón rén đi ra mở cửa, nhưng đó không phải là hai con bà mà là em trai anh Lập đến nhà hỏi: “Anh chị đã đi TP. Hồ Chí Minh rồi à bà? Mấy đứa nhỏ có ai đi cùng không?”. Nghe vậy bà Hạnh chỉ bảo: “Vợ chồng nó đi từ hồi chiều, 3 cháu nhỏ vẫn ngủ đây, không đứa nào đi cả”. Bà Hạnh vẫn chập chờn giấc ngủ cùng 3 cháu ngoại trên giường, sáng mai ra, bà không thể ngờ được khi trước mắt mình là 2 cổ quan tài dựng sừng sững trước hiên. Người đàn bà ấy đau đớn, xót xa, lăn ra gào khóc như chết giả…

Những đứa trẻ chơ vơ

Cứ tưởng là chăm sóc cho 3 cháu ít bữa thì về, ai ngờ từ hôm 2 vợ chồng tử nạn, bà Hạnh ở vậy cho đến bây giờ chăm nom các cháu. Thời gian rồi cũng sẽ làm vơi đi nỗi đau, quá khứ rồi cũng sẽ đi qua, nhưng đằng sau cái chết do tai nạn giao thông của anh Lập và chị Thủy, những đứa trẻ vô tội lớn lên sẽ thiếu đi tình thương của cha mẹ chúng. Những hôm trái gió trở trời, bà Hạnh lại choàng giấc trở dậy, lòng dạ đau như cắt khi nhìn thấy 2 tấm hình nằm trơ trọi trên bàn thờ cùng màn tang trắng bay đu đưa giữa nhà. Ngoái nhìn 3 đứa cháu ngoại tội nghiệp đang nằm ngủ chèo queo giữa chiếu mà ruột gan bà như đứt từng khúc một.

Kỳ 2: Sêrêpôk - nỗi đau ở lại
3 anh em Ven Gia Chung (12 tuổi), Ven Thị Mỹ Liên (9 tuổi) và Ven Thị Mỹ Ngọc (4 tuổi) hồn nhiên chơi trò tung hứng cùng đám hạt cà phê đang phơi dở trước sân.

Chiều về, bà Hạnh lại dẫn 3 cháu ra nghĩa trang thắp nhang cho cha mẹ chúng, bà lại thảng thốt xót xa khi cháu Ngọc cầm một nắm nhang đập lên trước phần mộ cha mẹ chúng rồi ngây thơ nói: “Cha mẹ nằm đây, cha mẹ nằm đây, cha mẹ đừng đi đâu mà bỏ con! Nằm đây con ra con thăm! Cha mẹ phù hộ cho con, con ngoan con ở với bà ngoại”. Vì quá nhớ mẹ, chiều nào Ngọc cũng bới tung đống quần áo trong buồng, mặc một cái vào người rồi tung tăng khoe với bà ngoại: “Đồ này mẹ cháu mua bà ngoại à! Bộ này mẹ cháu mua đẹp lắm ngoại à...!”. Nhìn cháu tròn xoe đôi mắt ngây thơ nói vậy, bà Hạnh lặng người đi, xót xa không biết nói gì. Khi nghe kể đến đây, điều mà chúng tôi nghĩ ngay được lúc đó, có lẽ trong tâm thức của 3 anh em Chung, Liên và Ngọc, bố mẹ các cháu vẫn ở đâu đó, đi đâu chưa về….

Bà Lê Thị Thủy (48 tuổi), một người hàng xóm vẫn thường xuyên qua nhà giúp đỡ mấy cháu cho biết: “Từ ngày cha mẹ mấy cháu tử nạn đến nay, bà con trong xóm ai cũng thương, giúp đỡ mấy bà cháu. Đang yên đang lành nay lại mồ côi chỉ tội nghiệp. Hồi hai vợ chồng chưa mất, anh chị em thường lui tới thăm chơi, vợ chồng mất rồi thì qua chơi với các cháu...”.
 

Khoảng 22h15 đêm 17/5, xe khách BKS 47V-2371 của HTX Vận tải Quyết Thắng, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đang lưu thông theo hướng TP. Buôn Ma Thuột - TP. HCM bất ngờ tông vào lan can cầu rồi rơi xuống sông Sêrêpôk (lý trình Km 733+900, Quốc lộ 14) thuộc địa phận TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Vụ tai nạn đã làm 22 người bị thương nặng, 34 người khác không may thiệt mạng tại chỗ và trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi tiến hành giám định mặt cầu, mặt đường và phương tiện, ngày 7/6, Công an tỉnh Đắk Lắk có kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế xe khách BKS 47V-2371 không làm chủ tốc độ, không làm chủ tay lái.

Nhóm PV Khu vực Tây Nguyên