Kỳ 2: Chính quyền nói một đằng, doanh nghiệp làm một nẻo
(Dân trí) - Mặc dù chính quyền huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) nói, đơn vị được giao xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn chỉ được đốt rác hữu cơ sau phân loại, nhưng thực tế đơn vị này vẫn đốt rác vô cơ độc hại.
Lời tòa soạn: Cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "xác định không để lỡ thời cơ thêm lần nữa". Để nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn, có 8 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra.
Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra nói trên, có những vấn đề cần ưu tiên, đặc biệt quan tâm như bảo vệ môi trường, khoa học về sức khỏe con người,...
Báo Dân trí đã thực hiện loạt bài với chủ đề "Loay hoay xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn", tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bài viết phản ánh thực trạng ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm còn kéo dài từ các bãi rác thải sinh hoạt nông thôn không riêng ở địa phương này, nếu không được xử lý triệt để bằng các giải pháp khoa học hiện đại.
Chỉ được đốt rác hữu cơ
Trong kỳ 1 của loạt bài viết này, chúng tôi đã phản ánh thực trạng bãi rác lộ thiên ở xã Kiến Thiết (Tiên Lãng, Hải Phòng) đe dọa vùng nuôi rươi có giá trị hàng trăm triệu đồng của người dân nơi đây.
Để tìm hiểu thực trạng chung của các bãi rác trên địa bàn huyện Tiên Lãng, ngày 7/1, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Phạm Xuân Hòa, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng.
Khi phóng viên đề cập đến việc người dân phản ánh các bãi rác trên địa bàn nhiều xã của huyện Tiên Lãng như: Cấp Tiến, Quang Phục, Bạch Đằng,… gây ô nhiễm môi trường do đốt các loại rác thải độc hại, ông Hòa nói "Huyện cũng đang loay hoay tìm phương án xử lý rác thải một cách triệt để không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện của địa phương".
Còn vấn đề đốt rác thải gây ô nhiễm, ông Hòa thừa nhận có việc này nhưng ở thời điểm sau cơn bão Yagi năm 2024 "quét" qua địa bàn TP Hải Phòng.
Ông giải thích, sau cơn bão tường rào một số bãi rác bị đổ nên người dân mang các loại rác thải (gồm cả cành cây gãy đổ, giường tủ gỗ hỏng) đến vứt bỏ tại đây. Khi cành cây khô, người dân đã đốt cho cháy cùng với giường, tủ gỗ hỏng để đỡ cồng kềnh.
Hình ảnh đốt rác các loại gồm cả túi nilon khó phân hủy tại bãi rác xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng vào ngày 2/11/2024 (Ảnh: Nhóm phóng viên).
Ngoài ra, theo lời ông Hòa, tại các bãi rác trên cũng có hiện tượng rác thải bị đốt trộm. Sau khi tiếp nhận phản ánh, huyện Tiên Lãng đã yêu cầu UBND các xã kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, yêu cầu xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp thân thiện với môi trường.
Khi phóng viên hỏi, tại các bãi rác trên, doanh nghiệp xử lý rác thải theo phương pháp như thế nào? Ông Hòa nói, đơn vị được giao xử lý sẽ tách bóc rác thải vô cơ riêng, hữu cơ riêng.
"Phương pháp xử lý của đơn vị được giao làm việc này cơ bản vẫn là đốt và chôn lấp. Sau khi phân loại họ cũng tận dụng giữ lại các loại rác thải tái chế được. Còn rác thải là túi nilon họ tách lọc riêng ra", ông Hòa nói.
Vậy có được đốt rác thải vô cơ như túi nilon, vỏ chai nhựa không?, phóng viên đề cập. Ông Hòa nói, chỉ được đốt rác hữu cơ là những cành cây khô, giường tủ gỗ do người dân bỏ đi, còn rác thải vô cơ như nilon, vỏ chai nhựa,… không được phép đốt.
Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng cho biết thêm, toàn huyện này có 24 bãi rác tạm đang hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt. Trong số 24 bãi rác này, có 19 bãi rác tạm xử lý bằng phương pháp chôn lấp thủ công, 5 bãi rác xử lý bằng phương pháp ủ rác hữu cơ bằng vi sinh; tỷ lệ chôn lấp 70% chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Hòa, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện trong năm 2024 là 120 tấn/ngày đêm (bao gồm cả các loại rác thải cồng kềnh khác).
Dự báo, số lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Tiên Lãng năm 2025 tăng 3-5% so với năm 2024, ước khoảng 124,2 tấn/ngày đêm.
Trong năm 2024, một số xã như Cấp Tiến, Quang Phục,… đã xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp phân loại tách lọc thủ công và ủ rác thải hữu cơ bằng men vi sinh tại bãi rác tạm.
Các xã trên đã ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng để thu gom, xử lý rác thải.
Ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng), cho biết, Cấp Tiến là một trong những xã được UBND huyện Tiên Lãng cho phép Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng vào xử lý rác thải sinh hoạt.
Theo ông Minh, sau khi rác thải được công ty trên thu gom vận chuyển ra bãi rác sẽ được tách lọc riêng rác hữu cơ và vô cơ. Rác hữu cơ sẽ được công ty ủ men vi sinh, còn rác vô cơ như túi nilon được tách lọc riêng mang đi nơi khác.
Ngoài ký hợp đồng xử lý rác thải với các xã nói trên, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng còn đang tiến hành xử lý rác miễn phí tại bãi rác "khủng" ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng.
Phương pháp xử lý rác tại bãi rác ở xã Kiến Thiết cũng giống các bãi rác trên, nhưng ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết thêm, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng sử dụng máy móc phân loại rác hữu cơ và vô cơ riêng, tuyệt đối không được đốt và chôn lấp rác thải nguy hại như nilon, chai nhựa.
Bãi rác "nóng hừng hực" ngày đêm
Việc các bãi rác nhả khói ngày đêm lâu nay không còn xa lạ với người dân ở huyện Tiên Lãng và huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Người dân ở đây cho biết, không ít lần họ phản ánh sự việc trên đến lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, nhưng mọi việc chỉ được yên ổn một thời gian, sau lại như cũ.
Sáng 13/1, men theo triền đê sông Văn Úc, một nhánh trong hệ thống sông Thái Bình, chúng tôi đến nơi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng).
Khu vực bãi rác được dựng rào chắn cẩn thận, lắp đặt camera an ninh và nằm giữa những ruộng rươi của một số hộ dân.
Khi chúng tôi đến đây, bãi rác đang "nhả khói", mùi nhựa nilon, chất thải sinh hoạt tỏa ra khét lẹt. Khu vực bãi rác cháy đen, đất nhuộm màu tro cùng với nhiều túi nilon trộn lẫn với đất. Ở bãi rác này cũng không có bể xử lý nước rỉ thải, vì thế nước của bãi rác có thể bị ngấm sang các ruộng rươi hoặc được xả thẳng ra sông Văn Úc giáp đó.
Theo phản ánh của một số người dân địa phương, thi thoảng họ đi ngang bãi rác trên có nghe tiếng máy móc của đơn vị xử lý rác vận hành, nhưng không phải phân loại tách lọc mà là băm rác. Rác sau khi băm ra được chôn xuống hố sâu, số rác còn lại được đốt. Việc xử lý rác như vậy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đất, môi trường nước và không khí.
Khi người dân có ý kiến về vấn đề ô nhiễm từ bãi rác trên, đơn vị xử lý đã đốt rác với tần suất ít hơn. Còn trước đó, theo người dân phản ánh, bãi rác này liên tục "nhả khói" hàng ngày vào khoảng từ 22h đêm hôm trước đến sáng hôm sau.
Bà T.T.M. (ở xóm Nêu, xã Quang Phục) có ruộng rươi gần bãi rác, cho biết: "Trước đây chúng tôi đi trông rươi gần bãi rác, cứ 22h là họ đốt rác bốc mùi hôi, có mùi nhựa, nilon, cao su… ngửi rất khó chịu. Tôi cứ mỗi lần xuống ruộng rươi là phải đeo khẩu trang kín mít".
Gần khu vực bãi rác khoảng hàng nghìn tấn ở xã Kiến Thiết nổi tiếng lâu nay, di chuyển ít phút theo triền đê sông Thái Bình, ngày 9/1, chúng tôi có mặt tại bãi rác ở xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng), lúc này mới hơn 8h nhưng nhìn từ xa đã thấy hai cột khói đang bốc cao.
Không cần người dân chỉ đường, cứ theo "định vị" của cột khói, chúng tôi đã dễ dàng tìm thấy bãi rác ở xã Cấp Tiến.
Theo quan sát, bãi rác trên khá rộng lớn, được rào chắn, có một nhà bảo vệ. Bên cạnh bãi rác là một hồ lớn chứa nước rỉ của rác thải chỉ được đắp bờ đất ngăn cách đơn giản với các ruộng rươi rộng lớn gần đó. Tại bãi rác này không có hệ thống máy móc, mà chỉ có một vài công nhân phân loại rác bằng tay.
Theo ghi nhận của phóng viên tại bãi rác xã trên chỉ có hai công nhân đang làm việc, khi thấy chúng tôi họ giật mình. Như được dặn dò từ trước, thấy người lạ, một phụ nữ nhanh chóng cầm vòi nước kéo ra gần khu vực rác thải gồm cả túi nilon, chai nhựa,… đang rực cháy để dập lửa.
Anh N.V.T. (47 tuổi, ở thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến) nhà gần bãi rác trên cho biết: "Cứ vào buổi tối là tôi có ngửi thấy mùi khét, như là đốt túi bóng và xuất hiện nhiều ruồi".
Cũng cùng cảm nhận như anh T., chị N.T.L. ở gần bãi rác trên chia sẻ thêm, cứ vào đêm khuya khoảng 0h đến 3h, những cơn gió lại đưa mùi khét như đốt túi nilon, chai nhựa vào nhà.
Còn theo chị N.T.P., đêm nào có gió hướng Bắc gia đình chị lại phải chịu đựng mùi khét khó chịu và đã phải đóng kín các cửa để gió không đưa mùi khét từ bãi rác trên lùa vào nhà.
Tiếp đến, ngày 16/1, ghi nhận phóng viên tại khu vực bãi rác xã Quốc Tuấn, huyện An Lão (Hải Phòng), lúc này đang có 3 người nhặt rác tại khu vực tập kết rác mới đưa về nằm ngổn ngang.
Ở bãi rác trên có một hệ thống máy móc nhưng không hoạt động, hệ thống mô tơ được phủ bọc nilon nhiều tháng nay, một khu vực hố chứa nước rỉ thải kết nối hệ thống kênh mương đồng ruộng và nghĩa trang bên cạnh.
Hàng chục m3 đất và nilon rác thải có dấu hiệu được trộn lẫn để chôn lấp. Trước đó, cũng tại bãi rác này theo ghi nhận có hàng chục m2 các bãi đất có tro đen, thể hiện có dấu hiệu của việc đốt rác nhiều lần. Tại đây các loại rác như túi nilon, nhựa,… chưa cháy hết vẫn còn lộ rõ.
Còn tại khu vực bãi rác rộng lớn chừng 2ha của xã Tân Dân, huyện An Lão, theo ghi nhận vào ngày 17/1, ở đây không thấy lắp đặt hệ thống máy móc. Tại đây chỉ có 2-3 công nhân thi thoảng đến nhặt rác. Khu vực bãi rác có 2 hố lớn rộng hàng trăm m2. Một hố được phủ bạt lót, đang chứa hàng trăm tấn rác nilon, hộp xốp,… chưa được phân loại, xử lý đổ xuống.
Hố còn lại đã chứa đầy rác thải cao hơn mặt bằng đất nền. Lượng rác thải tại hố này còn khá mới được phủ lên che lấp toàn bộ tro đen có dấu hiệu đốt, chôn lấp, đã được chúng tôi đã ghi nhận bằng hình ảnh từng thời điểm khác nhau trước đó. Theo thiết kế hiện tại, khu vực bãi rác này cũng không có bể xử lý nước rỉ thải.
Tiếp theo, ghi nhận thực tế ngày 23/1 tại bãi rác xã Quyết Tiến, hệ thống máy móc của Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng ở đây đã được đưa đến bãi rác của xã Kiến Thiết để xử lý rác miễn phí cho địa phương này.
Theo quan sát của phóng viên, hai hố to của bãi rác xã Quyết Tiến dùng để chứa nước rỉ thải được đắp bằng đất sơ sài, giáp với ruộng rươi và bờ mương của người dân.
Từ thực tế những hình ảnh chúng tôi có được những ngày qua tại đây cho thấy, rất nhiều tấn rác được Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng chuyển về bãi rác trên. Sau đó, số rác này gồm nhiều loại như nilon, nhựa,… được công ty cho người băm nát rồi san gạt trải đều trên các ô đất rộng hàng chục nghìn m2, bốc mùi hôi khó chịu.
Đơn vị xử lý rác mới thành lập?
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng được thành lập vào khoảng giữa năm 2022. Cuối năm 2023, đơn vị này tham gia đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố "Nghiên cứu đề xuất một số mô hình xử lý các bãi rác tạm phải đóng cửa đến năm 2025 trên địa bàn TP Hải Phòng" và triển khai thực nghiệm tại bãi rác thôn Tam Cường, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng.
Nội dung đề tài của Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng thể hiện xử lý rác thải bằng các công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo cam kết, công ty trên vận hành dây chuyền có công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm và cho ra các sản phẩm gồm mùn (có thể đạt chất lượng phân mùn, phân bón hoặc làm vật liệu thay thế lớp đất phù); nhựa tái chế (nilon, chai nhựa,…); chất cháy (vỏ bao bì, chăn màn, quần áo, giường tủ cũ… ép kiện làm nguyên liệu chất đốt) và chất trơ (thủy tinh, sành, sứ, gạch… nghiền làm cốt liệu san lấp mặt bằng).
Công ty cam kết đảm bảo xử lý khoảng 85% lượng rác đầu vào thành các sản phẩm trên, quá trình xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, từ phản ánh của người dân cũng như ghi nhận thực tế cho thấy, việc xử lý rác thải với phương pháp và máy móc thiết bị chưa hoàn thiện nói trên của Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng làm người dân địa phương không thể yên tâm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Lượng rác thải sau phân loại vẫn còn rất nhiều rác thải khó phân hủy như nilon, nhựa,...
Mặc dù có tuổi đời non trẻ, nhưng không hiểu vì sao Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng lại tạo được niềm tin với chính quyền địa phương, nên chỉ trong thời gian ngắn đơn vị này đã ký hợp đồng xử lý rác thải với nhiều xã ở huyện Tiên Lãng.
Theo nội dung hợp đồng ký kết giữa công ty trên với UBND xã Quang Phục ngày 15/9/2023, về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn với mức phí như sau:
Hộ dân không sản xuất kinh doanh phải nộp 10.000 đồng/khẩu/tháng (được hỗ trợ men vi sinh đối với hộ dân có nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà).
Các cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ (tại nhà), gồm: Hộ kinh doanh ăn uống phải nộp 70.000 đồng/tháng; Đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, sửa chữa ô tô, xe máy, thực phẩm, điện máy, may mặc, phải nộp 70.000 đồng/tháng; Tạp hóa, rửa ô tô, xe máy và các mặt hàng khác, phải nộp 40.000 đồng/tháng.
Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, văn phòng, chi nhánh đại diện, trường học, nhà trẻ có khối lượng rác nhỏ hơn 1m3/tháng, được thu theo thỏa thuận, nhưng không quá 150.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, năm 2024, UBND xã Quang Phục còn nhận 153 triệu đồng từ nguồn phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường của huyện Tiên Lãng. Số tiền này xã Quang Phục có chi trả cho Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng.
Từ các con số trên cho thấy, với số nhân khẩu của xã Quang Phục khoảng 10.000 người, cộng với các đơn vị kinh doanh,… thì số tiền Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng thu về cho việc xử lý rác thải sinh hoạt không phải ít.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc công ty xử lý rác thải bằng phương pháp chủ yếu là chôn lấp, đốt mà thu số tiền trên là chưa tương xứng, quan trọng hơn là chưa xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến nội dung trên, làm việc với phóng viên Dân trí, phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã thừa nhận, việc đốt cả rác vô cơ như ở một số bãi rác tại huyện Tiên Lãng là sai quy định.
Phòng chuyên môn của Sở trên cho biết thêm, quy định của pháp luật cũng không cấm việc chôn lấp rác thải sinh hoạt lẫn túi nilon, nhưng các địa phương không khuyến khích việc này.
Nước rỉ thải từ bãi rác ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng (trái) và bãi rác xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, ra môi trường (Ảnh: Nhóm PV).
"Nếu thực hiện chôn lấp rác thải sinh hoạt có cả rác túi nilon thì hố chôn rác phải đúng quy định của quy chuẩn quốc gia, gồm: có hệ thống thu gom nước rỉ thải để đảm bảo không xả ra môi trường khi chưa được xử lý và nhiều yếu tố khác nữa. Chi phí xây dựng một hố chôn rác như này rất tốn kém. Tôi nhìn qua thì các hố chôn rác ở huyện Tiên Lãng chưa đúng với quy chuẩn, vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm", đại diện phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường nói.