“Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” ở Nam Định:
Kỳ 1: Hai người đàn bà giữa thế giới người lùn
Đại gia đình này, có tới 8 người lùn. Trụ cột là một người đàn bà nông thôn không biết chữ, nhưng nhiều nghĩa tình. Mới đây, người cha mất, còn lại 7 người lùn, nên dân làng thường gọi chị là “nàng Bạch Tuyết”.
Bà Mơ bảo: “Tình cảm của tôi với ông ấy lạ lắm, cứ ma mị thế nào ấy. Lấy ông ấy mà tôi cũng chẳng hiểu vì sao lại lấy. Ông ấy ra đi rồi, tôi cũng chẳng hiểu vì sao lại buồn lâu đến vậy. Chỉ mong sớm về trời gặp ông ấy, nhưng lại lo cho đàn con, đàn cháu. Chúng nó sinh ra toàn lùn tịt vậy, không hiểu có được sống trọn kiếp không nữa”.
Bà Mơ nhớ lại: Bà “chết” ông Thiêm không phải vì ông ấy có nhiều vàng bạc, ruộng đất, mà “chết” ông vì tiếng sáo trúc. Quê bà ở mãi Hải Hậu, cách làng biển Nghĩa Thắng mấy chục cây số. Ấy vậy mà, chỉ có một lần sang Nghĩa Thắng thăm cô em họ, đã bị tiếng sáo làm tan chảy trái tim.
Trước khi về quê, hai chị em Mơ đến nhà Thiêm tạm biệt. Ông bố cao lênh khênh của Thiêm nói đùa: “Cô nào thích thằng Thiêm thì tôi gả cho”. Nghe ông nói vậy, mặt Mơ đỏ lựng.
Không hiểu mê muội tiếng sáo hay mê chàng trai bé xíu có khuôn mặt ngồ ngộ, mà đêm nào Mơ cũng thao thức, không ngủ được. Thế rồi, một ngày, Mơ nhờ cô ruột sang nhà Thiêm đánh tiếng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bà Mơ tằng tằng sinh hạ 7 người con. Trong số 7 người con thì chỉ có anh Tới và chị Lơi là cao như người bình thường. 5 người gồm anh Thiển, anh Tuyến, anh An, chị Vui, chị Mừng đều lùn tẹt. Người cao nhất chỉ được cỡ một mét, còn thấp thì chỉ bằng bố, tức 80cm.
Người con cả Phạm Văn Thiển dù chỉ cao 85cm, song lại là một “cần thủ” cực giỏi. Hằng đêm, Thiển cùng bố lênh đênh trên biển câu cá giúp mẹ nuôi các em. Thiển nổi tiếng khắp vùng vì tài câu cá vược. Anh thường xuyên kéo được những chú vược nặng ngang với thân mình. Nhưng rồi một ngày Thiển mắc bạo bệnh và ra đi mãi mãi ở tuổi 20, khiến trái tim một cô gái làng cạnh tan nát.
Vất vả bà chẳng ngại, nhưng bà lo cho tương lai các con. Người lùn thì hay mắc nhiều loại bệnh khi trưởng thành và khi già thì rất ốm yếu. Nếu không có người bình thường chăm bẵm, thì họ khó có thể có một cuộc sống toàn vẹn.
Nghĩ vậy, bà đi khắp làng trên xóm dưới, sang cả xã cạnh gặp gỡ những cô gái quá lứa nhỡ thì, những cô có nhan sắc kém để hỏi vợ cho con trai, song chẳng có cô gái “sứt môi lồi rốn” nào chấp nhận.
Chiều nào bà Mơ cũng cơm đùm cơm nắm mang ra bãi biển cho chồng. Khi ngồi trên bãi biển chờ chồng, thi thoảng bà gặp cô gái có làn da rám nắng. Cô gái thay mẹ chờ cha và các anh mang tôm cá từ biển khơi về.
Cô gái tên Lê là người làng chài Ngọc Lâm, sống lênh đênh trên thuyền ở cửa Lạch Giang, sông Hồng. Họ thường ngồi trò chuyện lâu lắm. Thiếu nữ làng chài mang tâm tư của người đời đời kiếp kiếp “sống trên sông, chết thả xác trôi sông”, mãi chẳng lên bờ được. Bà Thiêm thì mang tâm trạng của người mẹ lo cho tương lai của những đứa con tật nguyền. Qua những tâm sự, họ tìm thấy điểm chung. Càng hiểu bà Mơ, Lê càng thấy cảm phục lòng tốt của bà và thương những con người lùn tịt.
Mặc cho gia đình ngăn cản, phản đối, thậm chí từ mặt, Lê quyết rời thuyền lên bờ theo chàng trai Phạm Văn Tuyến cao chưa đầy 90cm.
Giờ đây, bà Mơ đã già yếu, mắt kém, lắm bệnh tật, không làm được gì nữa. Cả gia đình với 8 người lùn tẹt ấy trông vào đôi vai gầy của chị Lê. Mới đây, ông Thiêm về trời, đại gia đình chỉ còn 7 người lùn nữa, nên dân làng thường gọi vui chị là “nàng Bạch Tuyết thời hiện đại”.