(Dân trí) - Việc hoàn thành đúng kế hoạch 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông dịp 30/4 và 2 dự án thành phần khác dịp 19/5 thể hiện năng lực điều hành, quyết tâm mạnh mẽ của Bộ GTVT và các nhà thầu.
Cùng với quyết tâm "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện" như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc đổi mới tư duy kêu gọi vốn đầu tư tư nhân, trong tổ chức điều hành tổ chức triển khai đang là những điểm tựa quan trọng để ngành giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025, tạo tiền đề đưa đất nước sở hữu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030.
Việc hoàn thành đúng kế hoạch 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào dịp 30/4 và có thể thêm 2 dự án thành phần khác vào dịp 19/5 đã thể hiện năng lực điều hành, quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Giao thông vận tải và các nhà thầu trong việc thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Trong những lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".
Sau 4 tháng bám công trường thi công 24/24h, trong đó có nhiều đêm thức trắng, Kỹ sư Hoàng Nghĩa Việt, Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây (Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT) thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 mới dám tự thưởng cho mình bằng vài tiếng ra ngoài công trường để "tút tát lại nhan sắc" chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành công trình vào ngày 29/4.
Mặc dù đã có gần 30 năm theo nghề "lục lộ", làm đủ mọi vị trí công tác trong công trường xây dựng giao thông từ kỹ sư hiện trường đến giám đốc dự án; kinh qua nhiều công trình lớn, nhỏ nhưng chuỗi 120 ngày chạy đua nước rút tại Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây vẫn là "một trận đánh lớn và khó khăn nhất" trong cuộc đời làm nghề của kỹ sư Hoàng Nghĩa Việt.
Giữa chuỗi ngày trong "trận đánh lớn" ấy, các cán bộ, công nhân toàn Dự án ai cũng như kỹ sư Hoàng Nghĩa Việt ngày đêm bám sát công trường, phấp phỏng lo từng xe đất đắp, xe bê tông nhựa nóng có về kịp công trường để phục vụ dây chuyền thi công nền đường, mặt đường với hàng trăm đầu máy lu, máy thảm đang ngốn vật liệu như tằm ăn rỗi.
"Các cán bộ trong ban điều hành thường xuyên ở trên công trường 18/24h mỗi ngày. Khi không ở công trường thì phải lao đi kiểm tra các mỏ vật liệu hoặc tới các trạm trộn bê tông nhựa nóng. Việc nhiều quá nên chả ai còn nghĩ đến hình thức, mặc râu ria um tùm, toàn thân đen sạm vì nắng, khói bụi", kỹ sư Hoàng Nghĩa Việt kể lại.
Để kịp tiến độ thông tuyến, vào lúc cao điểm, có những đoạn thi công nền đường dài chưa tới 300m đã ken dày tới 20 xe lu, 5 máy xúc, 2 dây truyền thảm. Nhiều máy lu, nhà thầu bố trí tới 2 - 3 lái thay nhau đổi ca thi công liên tục. Lái máy rời cabin là vào ngay lán tạm vệ đường để ăn giữa ca rồi tranh thủ chợp mắt trước khi vào ngay ca tiếp theo.
Cần phải nói thêm rằng, quá trình triển khai hai dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 hội tụ tất cả những khó khăn cực điểm của ngành xây dựng hạ tầng. Từ việc khan hiếm vật liệu thông thường như đất đắp, đá, cát; ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các công trường gần như bị phong tỏa trong thời gian dài; biến động giá vật liệu xây dựng đến tình trạng khan hiếm xăng dầu, các dự án này đều lĩnh đủ và lĩnh rất sâu.
Đặc biệt tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được lệnh thông xe vào dịp 30/4 là Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rất lớn và rõ rệt.
Tại Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trong thời gian thi công, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận - nơi khô hạn bậc nhất nước, mưa nhiều, kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công so với kế hoạch ban đầu (đặc biệt các hạng mục đắp nền và thảm bê tông nhựa bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết). Theo thống kê, năm 2021 có 150 ngày mưa, 11 tháng đầu năm 2022 đã có tới 119 ngày mưa, đa số các hạng mục không thể thi công trong thời gian mưa.
Cứ sau mỗi ngày mưa là các đơn vị thi công lại phải mất tối thiểu 3 ngày chờ nền đường khô ráo. Nhiều đoạn móng đường, nền đường vừa thi công xong gặp mưa phải đào bỏ, thi công lại vừa gây tốn kém, vừa mất rất nhiều thời gian.
Những yếu tố bất lợi nói trên đã bào mòn nền tài chính của các nhà thầu. Hiện trung bình mỗi nhà thầu đã lỗ từ 15 - 20% giá trị gói thầu, dự báo sẽ có tăng lên do phải dồn, bổ sung nhân lực, thiết bị kịp với kế hoạch thông xe. Có nhà thầu đã lỗ tới 1.500 tỷ đồng dù mới trải qua 3/4 chặng đường.
Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như vậy, để thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của Bộ; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.
Với tính chất quan trọng của các dự án, chỉ sau nửa năm được giao trọng trách, người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nhiều lần trực tiếp vào công trường chỉ đạo. Sau mỗi lần kiểm tra, với những chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, công trường các dự án sau đó đều có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Cùng đó, trong hơn hai năm, trên công trường dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cũng không đếm xuể số lần các chuyến kiểm tra dự án, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường để tối ưu thời gian, đảm bảo chất lượng của các Thứ trưởng Bộ GTVT.
Có một điểm tựa quan trọng là trong suốt quá trình triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhất là tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các vị lãnh đạo Chính phủ; sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của người dân vùng dự án.
Luôn trăn trở với tiến độ, chất lượng dự án, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đi kiểm tra, đôn đốc, động viên, "lên dây cót" tinh thần cho cán bộ, người lao động triển khai xây dựng cao tốc cũng như đồng hành, kịp thời xử lý các vướng mắc với quan điểm xuyên suốt: "khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó".
"Các chuyến kiểm tra hiện trường thường xuyên, trong đó có chuyến kiểm tra xuyên Việt, xuyên Tết trong các năm 2022 và chuyến kiểm tra sau Tết năm 2023 của Thủ tướng và tại các kỳ họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và tạo ra những khí thế, quyết tâm trong các đơn vị thi công công trình", ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cũng thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề để ghi nhận, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Bước ngoặt đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là khi hai nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc được Chính phủ ban hành đã rút ngắn thời gian thực hiện từ hơn 1,5 - 2 năm xuống còn khoảng 6 - 8 tháng.
Với mục đích vừa cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh", tháng 9/2022, Bộ GTVT đã phát động "phong trào thi đua 120 ngày đêm" để các Ban quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu đảm bảo việc hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng: trong đó các dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành vào ngày 30/4.
Đây cũng là "thước đo" để sàng lọc, kiên quyết loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực tham gia các Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2.
Để hoàn thành các mục tiêu nói trên, lãnh đạo cao nhất của các nhà thầu được yêu cầu có mặt tại hiện trường, đặc biệt là các gói thầu là đường găng tiến độ. Ngoài nhiệm vụ duy trì dòng tiền đổ vào các gói thầu đang trong giai đoạn thi công nước rút theo yêu cầu của Bộ GTVT, nhiều lãnh đạo cao nhất nhà thầu còn trực tiếp chăm lo bữa ăn giữa ca trên mặt đường cho công nhân; rút tiền thưởng nóng cho các mũi thi công có tiến độ tốt.
"Cần phải nói thêm rằng, chính thế chân tường đã phần nào tạo nên những động lực giúp chúng tôi vượt qua những giới hạn bản thân nhất", ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành - một nhà thầu lớn góp mặt cả 2 đại dự án cao tốc Bắc - Nam chia sẻ.
Tại Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, tổng nhân sự tham gia dự án luôn duy trì từ 1.700 - 2.000 người; thời điểm huy động cao nhất gồm khoảng 2.000 nhân sự, 835 đầu máy, thiết bị. Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tổng nhân sự tham gia dự án 400 người; thời điểm huy động cao nhất gồm 1500 nhân sự, 900 đầu máy thiết bị.
Các nhân sự của chủ đầu tư như kỹ sư Việt cũng được lệnh bám công trường, bám các mũi thi công 24/24h để vừa đốc tiến độ, vừa động viên, tháo gỡ khó khăn ngay trên hiện trường.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, dù nhà chỉ cách dự án hơn 100 km nhưng suốt 1 năm gần đây chỉ tranh thủ rảo thăm gia đình ít giờ rồi lại lên xe, bám hiện trường làm việc, sát cánh cùng với địa phương, cùng với dân thì mới sớm có mặt bằng cho dự án.
Để hỗ trợ cho các nhà thầu, lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long, Ban quản lý dự án 7 đã thường trực tại công trường để xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán để dòng tiền được tái đưa ra công trường nhanh nhất.
Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, trong đợt cao điểm, thời gian nghiệm thu, thanh toán tại Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được rút ngắn chỉ khoảng 2 -3 ngày.
Với việc các nhà thầu huy động đủ tài chính, huy động tối đa nhân lực, thiết bị, trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày tại Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giải ngân được khoảng 20 - 25 tỷ đồng, một tháng giải ngân được hơn 700 tỷ đồng, bằng cả 1 năm thi công trước đó.
Có những nhà thầu như Công ty Trường Long chỉ trong vòng 2 tháng đã thi công được hàng trăm ngàn m3 nền đường tại Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây qua đó tạo nên những kỷ lục ít có trong ngành GTVT.
Cần phải nói thêm rằng, sức nóng lan từ hiện trường thi công đến "cơ quan đầu não" của Bộ GTVT. Chạy đua với thời gian, trong lúc nhà thầu dồn lực tăng tốc ngoài công địa, tại trụ sở Bộ GTVT - 80 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), những cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho dự án của lãnh đạo Bộ GTVT cũng đồng thời diễn ra.
Ngay trong giai đoạn nước rút về đích, các dự án còn nhận được sự chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong giải quyết dứt điểm khó khăn về nguồn cung vật liệu đất đắp. Nếu không có chỉ đạo sát thực tế thì ít nhất 2/3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ khó có thể hoàn thành đúng ngày 30/4/2023.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến đảm bảo thông xe trên chính tuyến vào ngày 29/4/2023 như yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp góp phần nâng tổng số km đường cao tốc thuộc trục Bắc Nam lên 800 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 400 km.
So với những dự án xây dựng đường cao tốc được triển khai trong giai đoạn trước đây thường kéo dài tới 5-6 năm, đây là một kỷ lục mới của ngành GTVT trong điều kiện thi công ngặt nghèo.
Tại Dự án PPP thành phần Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Tập đoàn Sơn Hải đã đề nghị Bộ GTVT tổ chức lễ hoàn thành và tổ chức thông xe, khai thác trong thời gian từ 27-30/5.
Đây là nỗ lực rất lớn, đồng thời thể hiện năng lực thi công, tiềm lực tài chính rất tốt của Tập đoàn Sơn Hải bởi nhà thầu này chỉ mất chưa đầy 24 tháng để hoàn thành toàn bộ Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, vượt tiến độ hơn 3 tháng, giữ đúng lời hứa với Thủ tướng và Bộ GTVT.
Đây cũng là một trong những kỷ lục về tiến độ xây dựng đường cao tốc trong lĩnh vực GTVT hiện nay. Hiện Bộ GTVT đã chốt kế hoạch khánh thành Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1 km) dự trong tháng 5/2023.
Chính những nỗ lực đặc biệt trên công trường thi công cao tốc đã mang lại hiệu ứng tích cực cho các dự án giao thông khác, góp phần giúp Bộ GTVT hoàn thành hơn 98% kế hoạch giải ngân được Chính phủ giao với khối lượng giải ngân lên hơn 50.000 tỷ đồng (năm 2022), đứng đầu cả nước.
Tại lễ khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 hôm 29/4, Bộ GTVT đã nhận được sự động viên rất lớn từ người đứng đầu Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng đã đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là các ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn trong việc quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn, làm việc không quản ngày đêm, "3 ca, 4 kíp", huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.
Nhắc đến các bài học rút ra từ triển khai 2 đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết để làm kinh nghiệm cho các dự án khác, Thủ tướng nhấn mạnh: tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, vượt đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn" đã giúp các đơn vị xây dựng cao tốc vượt qua nhiều thời điểm khó khăn ngặt nghèo.
"Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, vượt qua đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình với quyết tâm cao nhất, cố gắng lớn nhất, nỗ lực và quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phải nhắc lại điều này để chúng ta có thêm tự tin, bản lĩnh trong đối phó với các khó khăn, thách thức, tiếp tục triển khai công việc trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
Nội dung: Xuân Toàn - Huy Linh
Thiết kế: Đỗ Diệp
Ảnh: Nhật Bắc - Nam Anh