Kon Tum: 13 người chết, 4 huyện bị cô lập
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của bão số 9, đến tối 29/9, toàn tỉnh Kon Tum có 13 người chết và 2 người bị mất tích. Trong đó riêng huyện Tu Mơ Rông có 10 người chết do bị sập nhà, bị lũ cuốn trôi và bị sạt lở núi vùi lấp.
Huyện Đắk Glei đã tìm được thi thể của 4 công nhân bị núi sạt lở đè chết. Ngoài ra vẫn còn 2 người là hiệu trưởng và giáo viên trường THCS Đắk Choong đang bị mất tích.
Ông Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Các địa phương trong tỉnh đã di chuyển 121 hộ gia đình ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tuy nhiên do nước sông Đắk Bla lên nhanh nên hiện tại có hơn 20 người ở tổ 1, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum (phía nam sông Đắk Bla) đang ngồi trên nóc nhà kêu cứu nhưng phương tiện cứu hộ của địa phương không thể tiếp cận được vì nước sông dâng cao và chảy xiết.
Tại cuộc giao ban trực tuyến vào tối 29/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tỉnh Kon Tum bằng mọi giá phải thông những tuyến đường quan trọng trong thời gian sớm nhất; kiên quyết ngăn chặn, không cho dân đi qua lại vùng nước chảy.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng cường các biện pháp và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để tiếp tục phòng chống bão số 9, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lực lượng và phương tiện cứu hộ của Quân đoàn 3 đã hành quân về Kon Tum để tổ chức cứu hộ những người đang bị nước lũ đe dọa.
Trong chiều qua, bất chấp nguy hiểm, 4 chiến sĩ cảnh sát cơ động công an tỉnh Kon Tum đã vượt sông Đắk Cấm để cứu 7 người, trong đó có 2 trẻ em bị nước lũ đe dọa tính mạng.
Tỉnh Kon Tum chỉ đạo các địa phương khẩn trương và kiên quyết di chuyển các làng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ven các con sông lớn trên địa bàn đến nơi ở an toàn.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về tài sản. Những tuyến giao thông huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 C và nhiều tuyến tỉnh lộ, nhiều đường giao thông từ trung tâm các huyện về xã bị ách tắc hoàn toàn do đất đá sạt lở và ngập nước.
Hơn 40 cầu cống ngầm tràn bị nước lũ cuốn trôi. Bốn huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông hoàn toàn bị cô lập. Nước lũ đã làm sập hoàn toàn 20 ngôi nhà và làm tốc mái 132 ngôi nhà khác.
Nhiều trường học trong tỉnh bị hư hại nặng. Toàn tỉnh có 157 công trình và hàng chục kilômét kênh mương bị lũ cuốn. Hơn 1.100ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp bị hư hại nặng. Hai nhà máy thủy điện Đắk Rơ Sa và Kon Đào (huyện Đắk Tô) ngập chìm trong nước.
Tổng thiệt hại ban đầu của Kom Tum ước tính trên 100 tỷ đồng.
Theo TTXVN