1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6:

Kinh tế Xanh - Xu thế phát triển kinh tế vì môi trường

(Dân trí) - Kinh tế Xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Vì vậy, chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển “Kinh tế Xanh” là hướng tiếp cận mới. Xét về dài hạn là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.

Đây là vấn đề đặt ra tại Diễn đàn Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh, do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/6, tại Hà Nội.

Kinh tế Xanh - Xu thế phát triển kinh tế vì môi trường

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai trao giải thưởng cho các đơn vị, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Xu thế tất yếu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh: Trong bối cảnh tài nguyên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền Kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403 ngày 20/3/2014. Một trong những mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến là nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để phát triển đất nước bền vững, công nghệ xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững; giảm sử dụng năng lượng hóa thạch.

Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế. Tại các nước phát triển, xu hướng chung trong đổi mới công nghệ được nhận định là xu hướng đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm đưa những công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường để hướng đến tăng trưởng xanh – giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như các doanh nghiệp của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Đảng ta đã nêu rõ: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ”. Như vậy, phát triển Kinh tế Xanh phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, cũng phù hợp với những lợi thế so sánh của Việt Nam cần phát huy trong hội nhập quốc tế.

Đổi mới công nghệ-nhân tố quyết định



Đổi mới công nghệ-nhân tố quyết định

Phân tích về vấn đề đổi mới công nghệ hướng tới phát triển Kinh tế Xanh, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam có những khó khăn, thách thức rất lớn vì trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước. Công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu còn phổ biến, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển;trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, chưa mạnh dạn “đầu tư mạo hiểm” để tạo ra bước đột phá trong sản xuất và kinh doanh.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường: Những năm qua Đảng và Nhà nước đã từng bước tạo lập khung pháp lý hình thành cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ nền kinh tế nói chung, cũng như doanh nghiệp nói riêng. Các chính sách này là giải pháp hữu hiệu cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Về lâu dài, đây cũng là giải pháp giảm chi phí vận hành và tận thu nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Nhưng trên thực tế khi đi vào cuộc sống, các chính sách hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy và kích thích được doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ, đầu tư công nghệ. Nên giải pháp quan trọng là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh, sạch. Tăng cường nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ. Hình thành các cơ chế, chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ thuật công nghệ, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đề cập về nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho phát triển Kinh tế Xanh (công nghệ xanh), ông Vũ Đình Ánh, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ xanh phải chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Còn đầu tư trang bị công nghệ xanh được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như từ các doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nguồn vốn thuê mua, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và từ nguồn Quỹ Môi trường, Quỹ tăng trưởng xanh…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện có chế chính sách tài chính giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện từ phía Nhà nước cũng như doanh nghiệp, hướng đến phát triển xanh của doanh nghiệp và tăng trưởng xanh của nền kinh tế đất nước.

Chiều cùng ngày, Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức Tọa đàm về Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tọa đàm này thu hút đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học và doanh nghiệp giao lưu, cùng nhau thảo luận những giải pháp khả thi nâng cao hiệu quả ứng dụng, đổi mới công nghệ hướng tới phát triển Kinh tế Xanh trong hoạt động sản xuất của đơn vị, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thanh Tuấn
TTXVN