Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu hồi phục
Đó là nhận định của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2009 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 1/6 tại TPHCM.
Phân tích sâu hơn, bà Victoria Kwakwa nói: “Việt Nam đang gặp thách thức về sản xuất và tăng trưởng khi đầu tư nước ngoài, xuất khẩu chững lại. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn có điểm tốt.
Hai tháng gần đây, những số liệu tăng trưởng đã chứng minh điều này. Song không có nghĩa là khó khăn đã qua, Việt Nam cần tìm cách biến số liệu tăng trưởng thành sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh”.
Cần xếp hạng các ngân hàng
Ông Ashok Suk, trưởng nhóm công tác ngân hàng, đề nghị: Lãi suất cho vay tiền đồng tối đa (ngoại trừ cho vay tiêu dùng) của một ngân hàng là 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (hiện khoảng 7%). Quy định này chốt mức lãi suất tối đa 10,5%, nghĩa là cộng thêm 3,5% từ mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy là không đủ và có thể gây hiệu ứng ngược đối với sự lành mạnh của ngành ngân hàng. Vì thế nên bãi bỏ hạn mức lãi suất cho vay 150%. VN cũng cần thông tin xếp hạng các ngân hàng và thành lập trung tâm thông tin tín dụng cá nhân.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhìn nhận: Theo Luật Dân sự, các tổ chức cho vay không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Trong tình hình lạm phát cao, quy định này phát huy hiệu quả nhưng khi kinh tế suy thoái, quy định này cần được xem xét nhằm bảo đảm cho các ngân hàng hoạt động với nguồn vốn ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc.
Liên quan đến thông tin xếp hạng của các ngân hàng, ông Bình cho rằng các cơ quan thanh tra giám sát của các ngân hàng đều đã thực hiện công tác này nhưng chưa công bố thông tin một cách rộng rãi.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các chuyên gia tư vấn nước ngoài và cơ quan Kiểm toán Nhà nước nhằm thực hiện công tác này độc lập với Ngân hàng Nhà nước nhưng chịu sự quản lý giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Dự kiến cuối quý II, văn bản quy định hoạt động của trung tâm tín dụng cá nhân sẽ được ban hành và sớm đi vào hoạt động để tất cả các ngân hàng có thể truy cập thông tin của khách hàng cá nhân có lịch sử vay ở tất cả hệ thống ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro.
Trả lời ý kiến của nhóm công tác thị trường vốn, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói: “Nếu thị trường chứng khoán ổn định sau khi đã kéo dài thời gian giao dịch thêm 15 phút như hiện nay, việc thí điểm mở cửa giao dịch thị trường chứng khoán vào buổi chiều có thể thực hiện. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng triển khai đề án thị trường trái phiếu chuyên nghiệp. Qua đó kiến nghị sửa đổi Luật Tín dụng, cho phép các ngân hàng thương mại được tham gia giao dịch thứ cấp vào thị trường trái phiếu”.
Thủ tục hành chính còn “hành” DN
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng, đề án 30 (về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010) sắp hoàn thành giai đoạn thống kê.
Tính đến ngày 22/5, có 3.929 TTHC, 1.873 văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của 21 bộ, cơ quan ngang bộ và 46.303 phiên bản TTHC được thực hiện tại 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với 2.210 văn bản pháp luật quy định đã được thống kê.
Cuối tháng 6, sau khi kết thúc giai đoạn thống kê, Chính phủ sẽ xem xét hoàn chỉnh các thủ tục và văn bản quy định đã được thống kê để trong tháng 9, công bố công khai bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC được thực hiện tại 4 cấp chính quyền (bộ, tỉnh, huyện, xã) trên internet.
Từ tháng 8/2009 đến hết tháng 5/2010, đề án sẽ tập trung vào việc rà soát các TTHC có trong bộ cơ sở dữ liệu quốc gia theo ba tiêu chí lớn: tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý.
Tại diễn đàn, ông Fred Burk, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, cũng công bố kết quả khảo sát 300 doanh nghiệp vừa thực hiện trong tháng 4 về các trở ngại trong TTHC đối với các doanh nghiệp.
Theo đó, những TTHC trong các lĩnh vực thuế, công chứng, hải quan, cấp giấy chứng nhận đầu tư... đang gây nhiều cản trở cho quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Mai Vân