Kinh phí "vận hành" nhà chung cư: Mỗi nơi một kiểu
Không có quy định cụ thể về nguồn kinh phí bảo trì và quản lý thường xuyên, nên từ trước tới nay, mô hình vận hành quản lý chung cư được mỗi chủ đầu tư thực hiện một kiểu.
Chỉ là cách thu
Từ năm 2000, các khu nhà chung cư hiện đại hầu hết do các doanh nghiệp (DN) bỏ vốn đầu tư và kinh doanh theo cơ chế thị trường. Rút kinh nghiệm hàng loạt nhà chung cư thời bao cấp không được thu đúng, thu đủ tiền cho thuê nhà để bảo trì và quản lý thường xuyên nên không có nguồn vốn sửa chữa, bị xuống cấp nghiêm trọng, các DN đầu tư nhà chung cư hiện nay đều tìm cách tính đúng, tính đủ những chi phí này.
Từ trước đến nay, hầu hết các khu chung cư do các DN đầu tư được tạo nguồn bảo trì và vận hành thông qua trích một phần tiền bán nhà và thu hàng tháng từ các hộ dân. Đơn cử, TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), phần kinh phí bảo trì này tính vào tổng dự toán từ khi lập dự án. Còn TCty XNK xây dựng VN (Vinaconex) thì giữ lại phần diện tích tầng 1 trong toà nhà để kinh doanh, tạo nguồn phí bảo trì chung cư.
Một số khu chung cư cao cấp tính khoản bảo trì quản lý chung cư trong toàn dự án rồi chi theo mét vuông sàn cho hàng tháng để thu dần. Mức phí này được tính bình quân từ khoảng 300.000 đồng đến hơn một triệu đồng/tháng/hộ. Cũng có một số DN không lo xa, tính nguồn kinh phí này từ đầu, nên khi cần bảo trì chung cư thì "bổ đầu" các chủ căn hộ.
Tuy nhiên, việc thu sau thường khó khăn vì mỗi người một lý lẽ rất khó đi đến thống nhất. Năm 2004, TPHN cũng đã có quy định dành diện tích tầng 1 của chung cư làm tài sản chung để tạo nguồn kinh phí "nuôi dưỡng" nhà.
Người dân bức xúc
Chính cách làm tuỳ tiện trên đã nảy sinh nhiều bức xúc qua thực tế vận hành nhà chung cư. Mới đây, Cty cổ phần đầu tư và dịch vụ đô thị của Vinaconex quản lý khu nhà Trung Hoà - Nhân Chính thông báo tăng phí quản lý chung cư lên 100.000 đồng/căn hộ từ 1/1/2007 thay vì 30.000 đồng như hiện nay đã gây bất bình lớn cho người dân ở chung cư.
Ông Đỗ Đăng Tá - Phó Giám đốc Cty - lý giải: Trước đây, Cty có diện tích tầng 1 để làm dịch vụ cho thuê, tạo nguồn bù đắp kinh phí quản lý thường xuyên cho các hộ. Nhưng khi cổ phần hoá, Nhà nước đã tính toàn bộ tầng 1 vào vốn của Nhà nước với giá 19,2 triệu đồng/m2 sàn, nên nguồn thu này không còn. Vì vậy, Cty phải tăng phí. Mức thu đủ theo ông Tá là 280.000 đồng/hộ/tháng và tới đây sẽ còn tăng dần để thu đủ bù chi. Nếu việc này được thoả thuận từ đầu và tính đúng, tính đủ thì đã không gây bất ngờ cho người dân.
Việc vận hành nhà chung cư đương nhiên phải có nguồn kinh phí. Chỉ có điều, tuỳ vào quy định của DN đầu tư mà người mua nhà phải trả tiền trước hoặc trả tiền dần cho việc "nuôi" chung cư hoạt động trong suốt "cuộc đời" của nó. Việc dự thảo nghị định Luật Nhà ở quy định trích quỹ bảo trì nhà chung cư bằng 2% giá bán nhà, do chủ đầu tư nộp từ khi nhà chung cư bắt đầu đi vào vận hành nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng như cơ chế tài chính minh bạch để vận hành nhà chung cư.
Tuy nhiên, về chi phí quản lý thường xuyên tại chung cư, nghị định không quy định cụ thể như mức phí bảo trì mà để ngỏ cho khách hàng tự thoả thuận với chủ đầu tư quản lý chung cư, cũng dễ gây nên việc áp đặt và tăng phí cao trong khi dịch vụ cung ứng kém.
Theo Bích Liên
Lao Động