1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Kinh hãi nước tương sản xuất thủ công

Từ bã lạc, bã đậu nành, thêm hóa chất công nghiệp, phụ gia và không quên hương liệu cho dậy mùi, nhiều cơ sở ở TPHCM đã cho ra lò hàng nghìn lít tương mỗi tháng. Nhưng nếu được “mục sở thị” quy trình sản xuất món ăn này, hẳn nhiều người sẽ lắc đầu kinh sợ.

Tại một cơ sở sản xuất nước tương ở quận Gò Vấp, mặt bằng sản xuất chỉ rộng 20 m2 với một lò nấu tương đúc bằng ximăng, được đặt cạnh nhà vệ sinh. Bên trong lò có hai sành rất lớn, dung tích khoảng 200 lít dùng để nấu nước tương. Xung quanh lò để ngổn ngang rất nhiều thùng phuy bằng nhựa, lu, khạp bằng sành cùng nhiều vật dụng linh tinh.

 

Trong số này có một thùng phuy bằng nhựa để một thứ nước đen sì, sền sệt, nổi váng dầu không được che đậy. Bên trong thùng cắm một đoạn tre dài, mốc bẩn. Chủ cơ sở cho biết “thùng đen đen” là nước tương mới được chế biến ở giai đoạn đầu. Dù chỉ là một cơ sở nhỏ với 2 công nhân, nhưng theo lời chủ, mỗi tháng họ bán ra thị trường hơn 10.000 lít nước tương.

 

Chủ một cơ sở sản xuất nước tương ở quận Gò Vấp (đề nghị không nêu tên) cho biết, để sản xuất nước tương, ông đến khu vực “bọng dầu” thuộc huyện Hóc Môn mua nguyên liệu, gồm bã lạc hoặc bã đậu nành (còn gọi là bánh dầu) đã được các công ty sản xuất dầu ăn ép lấy hết dầu, bỏ đi. Một ký bánh dầu giá dao động 4.000-5.000 đồng tùy thời điểm và tùy loại.

 

Để sản xuất ra 200 lít nước tương, chỉ cần lấy gần 100 kg bánh dầu đem nấu với khoảng 75 kg hóa chất acid clohydric (HCl). Sau đó để nguội rồi cho tiếp khoảng 33 kg xút (NaOH) hoặc soda ash (Na2CO3).

 

Qua giai đoạn này, sản phẩm được đem lược bỏ xác, chỉ lấy nước trong và đem nấu lại lần hai. Trong lần nấu này sẽ cho thêm đường, bột ngọt, muối hột, phẩm màu, chất bảo quản (chống mốc), hương liệu nước tương cho dậy mùi thơm... là hoàn thành công đoạn sản xuất cho ra thành phẩm.

 

Cũng theo chủ cơ sở này, liều lượng các phụ gia, hóa chất... được “nêm, nếm” thế nào là “bí quyết” riêng của mỗi người, nhưng thường dựa theo kinh nghiệm. Quy trình từ khi sản xuất cho đến khi ra sản phẩm, tùy nấu một mẻ nhiều hay ít mà chỉ mất 2-3 ngày.

 

 

Kinh hãi nước tương sản xuất thủ công - 1
 

Một góc của "xưởng sản xuất".

 

Còn theo một cơ sở sản xuất nước tương khác, hóa chất dùng được mua ở nhà máy hóa chất Biên Hòa, Đồng Nai hoặc chợ Kim Biên. “Mỗi lần đi Biên Hòa, chúng tôi mua hẳn 1 tấn acid clohydric để giá rẻ hơn (chỉ khoảng 1.500 đồng/kg). Nếu mua ở chợ Kim Biên giá cao hơn 500-1.000 đồng/kg. Xút hoặc soda ash cũng chỉ khoảng 4.000-6.000 đồng/kg, tùy loại”, chủ cơ sở nói.

 

Khi được hỏi những hóa chất này là hóa chất thực phẩm hay công nghiệp, chủ cơ sở lưỡng lự một hồi rồi nói “hóa chất thực phẩm chứ”. Tuy nhiên, khi hỏi mượn những hóa đơn mua bán hóa chất, phụ gia của các nhà cung cấp cho cơ sở thì ông bảo: “Bỏ hết rồi, với lại người ta nói là hóa chất thực phẩm mà”.

 

Một khảo sát năm 2006 của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã cảnh báo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, kết quả khảo sát 33 cơ sở sản xuất nước tương, tàu vị yểu cho thấy, đến 24/33 cơ sở có quy trình chế biến thủ công, còn lại là bán tự động; quy trình sản xuất một chiều (để tránh lây nhiễm trong quá trình sản xuất) cũng chỉ có 16 cơ sở đạt; 12 cơ sở sử dụng nước giếng sản xuất. Trong đó số cơ sở không xét nghiệm nước hoặc có xét nghiệm nước, nhưng không đạt đến 18; hơn 40% cơ sở không có kho để chứa nguyên liệu, phụ gia, thực phẩm...

 

Trong khi đó chỉ 33 cơ sở này sản lượng mỗi năm khoảng 3 triệu lít.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký, Phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, người từng trực tiếp kiểm tra và chứng kiến việc sản xuất nước tương ở một số cơ sở, đến nay đa số cơ sở sản xuất nước tương vẫn dùng hóa chất công nghiệp, như acid clohydric để thủy phân bánh dầu, rồi trung hòa bằng xút và soda ash. Giá hóa chất dùng trong công nghiệp rẻ hơn nhiều lần so với hóa chất dùng trong thực phẩm.

 

Các hóa chất công nghiệp luôn có hàm lượng tạp chất rất cao và chứa nhiều loại độc chất mà người ta khó và chưa phát hiện chúng. Còn giá của các loại hóa chất thực phẩm rất đắt, đòi hỏi độ tinh khiết cao và an toàn nên hiện nay muốn mua những hóa chất thực phẩm này cũng ít có nơi bán.

 

Sử dụng hóa chất công nghiệp khiến trong quá trình sản xuất nước tương có thể sinh ra độc tố gây ảnh hưởng sức khỏe cho con người như 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD), do phản ứng của acid clohydric với hàm lượng lipit có trong thực phẩm. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi có mặt 3-MCPD với hàm lượng quá cao sẽ tạo thành 1,3-DCP là chất gây đột biến gen ở người.

 

Chính vì thế, bác sĩ Ký đã phải thốt lên: “Có lẽ ai nhìn thấy việc sản xuất nước tương cũng sẽ không dám ăn như tôi!”.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm