Thanh Hóa:
Kinh hãi nhìn hơn chục con hổ được nuôi sát khu dân cư
(Dân trí) - Hơn chục con hổ dữ được một gia đình ở Thanh Hóa nhốt nuôi trong một khu đất rộng chừng gần 1ha ngay sát khu dân cư từ nhiều năm qua khiến nhiều người dân hoang mang, sợ hãi.
Đi mua gỗ mua được hổ
Có lẽ nhắc đến đàn hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, hiện công tác ở Hà Nội), không ai ở cái xứ Thanh này là không biết. Bởi gia đình ông Chiến đã nổi tiếng vì cái nghề nuôi hổ trái phép từ năm 2006. Mãi đến tận cuối năm 2012, gia đình ông Chiến mới được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt hổ trong thời gian 5 năm.
Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân, chúng tôi mới có thể tiếp cận được đàn hổ dữ của gia đình ông Chiến. Trại nuôi hổ của gia đình này rộng khoảng 1ha, xung quang được bao bọc bằng những bức tường xây và các thanh sắt phía trên cao khoảng 5m. Bên trong trại được chia thành 5 khu nuôi nhốt khác nhau và được ngăn bằng những cuộn lưới thép.
Theo ông Nguyễn Văn Tư (anh rể ông Chiến và là người chăm sóc đàn hổ), vào năm 2006, khi ông Chiến lên xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tìm mua gỗ về làm nhà thì thấy có một số người dân bắt được đàn hổ con từ bên Lào về. Ông Chiến liền mua lại số hổ trên mang về nhà nuôi.
Ông Tư cho biết: “Hồi đó chú Chiến mua về 15 hay 16 con gì đó, lúc mới mua về chúng chỉ nặng khoảng 3 - 4 kg/con. Cuối năm 2008 có 2 con bị bệnh chết. Năm 2010 và 2012 có thêm 3 con nữa chết nên hiện nay trang trại còn có 11 con, nặng nhất hơn 2 tạ, nhỏ nhất khoảng 1,5 tạ”.
Cũng theo ông Tư, thức ăn của chúng chủ yếu là đầu gà công nghiệp được anh Chiến thu gom ở một số lò mổ trên địa bàn Hà Nội rồi vận chuyển về Thanh Hóa. Một tháng đàn hổ 11 con này ăn hết khoảng hơn 1,5 tấn thức ăn.
Thời gian đầu đưa về, gia đình ông Chiến làm chuồng nuôi ngay trong nhà giữa làng khiến không biết bao nhiêu gia đình mất ăn mất ngủ vì sợ hãi tiếng gầm rú của những “Chúa sơn lâm” giữa đêm khuya. Mãi tới năm 2010, đàn hổ này mới được gia đình ông Chiến chuyển ra khu đất phía ngoài của xã, cách khu dân cư chừng vài trăm mét.
Mặc dù đàn hổ được nuôi từ bé nhưng ông Tư vẫn cảnh báo chúng tôi nên đứng xa chúng vì trong đàn có một số con rất dữ.
Đúng như lời ông Tư nói, trong số 11 con hổ chỉ có một nửa trông hiền lành như đã được thuần; số còn lại dữ tợn như loài hổ hoang dã. Nhìn thấy người lạ, chúng gầm rú rồi lao đến như muốn phá tan chiếc rào thép để ra ngoài.
Chính vì sự hung dữ của đàn hổ nên việc nuôi hổ cách khu dân cư không xa cùng với việc giáp ranh với nhiều xã lân cận khiến chính quyền địa phương cũng như Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân không khỏi lo lắng. Nếu đàn hổ dữ xổng chuồng, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Ông Trịnh Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Xuân Tín, cho biết: “Kể từ ngày đàn hổ này được nuôi nhốt ở địa phương, người dân cũng có nhiều ý kiến lo sợ đàn hổ xổng chuồng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khi đàn hổ chuyển ra khu vực cồn Tàu Voi, không thấy người dân có ý kiến gì. Tuy nhiên, khu vực nuôi nhốt hiện nay chỉ cách đê Cầu Chày khoảng 300m, nếu vỡ đê nước tràn vào thì nguy cơ hổ thoát ra ngoài là rất lớn”.
Khó kiểm soát!
Sau hai lần bị xử phạt vì nuôi hổ trái phép (năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt gia đình ông Chiến 30 triệu đồng vì nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép; năm 2008 UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tư 30 triệu đồng vì nuôi 5 cá thể hổ trái phép), đến năm 2012 không hiểu vì lý do gì đàn hổ này lại được Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt.
Việc nuôi hổ từ năm 2006 đến nay, gia đình không được phép buôn bán, giết mổ hay sử dụng cho mục đích du lịch. Số hổ nuôi từ những năm đó đến nay theo gia đình là chưa sinh sản. Không hiểu vì lý do gì gia đình ông Chiến vẫn chấp nhận bị phạt tiền và mỗi năm mất đi cả trăm triệu đồng để nuôi đàn hổ?
Điều đáng nói là việc kiểm soát được lực lượng kiểm lâm khẳng định là rất khó vì phương án gắn chíp vào hổ mới chỉ lên phương án mà chưa thể thực hiện; đường từ Hạt xuống trại hổ lại xa.
Trao đổi với PV, ông Hà Duy Thủy, Hạt phó Hạt kiểm lâm Thọ Xuân cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi đều cử người xuống kiểm tra số lượng hổ, công tác đảm bảo môi trường, an toàn chuồng trại; đồng thời tuyên truyền cho gia đình nếu hổ ốm đau, bệnh tật phải báo cáo để xử lý”.
Ông Thủy cũng cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là có thể kiểm soát được số lượng con trong trại nhưng không thể kiểm soát được từng cá thể vì không thể tránh khỏi việc gia đình tráo đổi cá thể hổ vào trang trại. Việc gắn chíp vào hổ chưa thực hiện được nên chỉ có thể tuyên truyền vào ý thức người dân.
Khi hỏi về mục đích nuôi hổ của gia đình ông Chiến, ông Thủy nói: “Không biết anh Chiến nuôi hổ để làm gì? Việc tráo đổi hổ đưa đi nơi khác tiêu thụ cũng có thể xảy ra nhưng chưa bắt được quả tang”.
Trước đó, được biết có nhiều cán bộ của Hội Bảo vệ động vật hoang dã, Trung tâm Cứu hộ động vật, Vườn thú có về thăm đàn hổ của gia đình ông Chiến và có ý định đưa đàn hổ đi nhưng do giá cả đền bù chưa thống nhất nên các bên vẫn không thỏa thuận được cho tới bây giờ.
Nguyễn Thùy