1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang:

Kiên quyết phòng, chống bức cung, nhục hình và những vi phạm pháp luật khác trong hoạt động điều tra tội phạm

Sáng 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp về “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của Cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”.

Tham gia phiên họp có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tại phiên họp, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu quan trọng.

 

Dưới đây là những nội dung chủ yếu trong bài phát biểu của đồng chí Bộ trưởng:

 

Với phương châm nhất quán kiên quyết phòng, chống bức cung, nhục hình và những vi phạm pháp luật khác trong hoạt động điều tra tội phạm; trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm. Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động điều tra, như Chỉ thị số 08/2005/CT-BCA-V19, ngày 10/10/2005 về việc khắc phục tình trạng làm oan người vô tội trong các vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công an có liên quan; Chỉ thị số 06/2008/CT-BCA-C11, ngày 09/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về khắc phục sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh sai phạm trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng CAND; Chỉ thị số 12/CT-BCA, ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND... Qua đó, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra, trong đó có nhiều vụ án lớn về tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy...; triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm, rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đưa nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp ra truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan điều tra các cấp trong CAND cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cá biệt ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một số trường hợp oan, sai, bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận. Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong hoạt động điều tra tội phạm, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng  xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

 

Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu tại phiên họp.

 

Nghiêm túc xem xét, đánh giá, Bộ Công an xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, thiếu sót nêu trên, là:

 

Tình hình tội phạm những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ án phát hiện và khởi tố hằng nằm đều tăng; tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn; thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; từ đó đã tạo áp lực lớn cho cán bộ, chiến sĩ Cơ quan điều tra các cấp trong khi thi hành công vụ; nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ.

 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Bộ luật hình sự còn nhiều nội dung chưa được cấp có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ thiếu thống nhất trong vụ án hình sự.

 

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ở một số địa phương còn thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát điều tra viên trong hoạt động điều tra một số vụ án; một số điều tra viên còn có tư tưởng chủ quan, nóng vội trong việc thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, còn nặng về thu thập chứng cứ buộc tội, chưa coi trọng đầy đủ việc thu thập chứng cứ gỡ tội.

 

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ để phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra vụ án hình sự ở một số đơn vị, địa phương, trong một số vụ án đạt hiệu quả chưa cao.

 

Với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, để kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong chấp hành pháp luật về thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng CAND, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an các cấp và các cơ quan khác trong CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tốt những giải pháp sau đây:

 

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm; các quy định của Bộ Công an về công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm. Phải luôn đặt công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng; bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số 28/2014/TT-BCA, ngày 07/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong CAND.

 

Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đối với Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nghiêm trọng và kiên quyết điều chuyển khỏi Cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nếu để xảy ra bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

 

Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm.

 

Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra các cấp, nhất là Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và cấp huyện, bảo đảm công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy định của lực lượng CAND.

 

Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra các cấp trong CAND với Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp, Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan giám định và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc chuyển giao, thu thập, đánh giá chứng cứ, xử lý vụ án hình sự.

 

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học về phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và tiếp tục trang bị, nâng cấp trang thiết bị, cở sở vật chất phục vụ bảo quản, thu giữ chứng cứ, vật chứng nói riêng, công tác điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan điều tra các cấp nói chung, nhất là các phương tiện, kỹ thuật công nghệ cao.

 

Để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra tố tụng và từ thực tiễn tình hình; Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, bảo đảm việc thu thập, kiểm tra, đánh giá, sử dụng chứng cứ được khách quan, toàn diện; đẩy nhanh tiến độ thông qua các luật liên quan hoạt động điều tra, như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam... Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giải thích Bộ luật hình sự, các luật, pháp lệnh để có sự thống nhất áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung biên chế, đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm Cơ quan điều tra các cấp và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong CAND đủ sức mạnh, năng lực đấu tranh với các loại tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, áp dụng công nghệ cao trong hoạt động phạm tội và liều lĩnh sử dụng “vũ khí nóng” chống trả lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng CAND; đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường hoạt động kiểm sát điều tra, kịp thời phát hiện các sai phạm, thiếu sót của Điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục kịp thời. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến về những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra tội phạm. Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam và  đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện để luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật…

 

Theo Công Gôn
 
Công an nhân dân