1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kiến nghị xử lý hình sự hành vi chiếu laser vào máy bay

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, hành vi chiếu tia laser vào máy bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh, vì vậy cần xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thống kê 6 vụ chiếu tia laser vào máy bay. Cụ thể: Từ ngày 28/5 đến 14/6 xảy ra 5 vụ, trong đó có 1 vụ ở Tân Sơn Nhất, 4 vụ ở Nội Bài; ngày 15/2 xảy ra 1 vụ ở sân bay Pleiku (Gia Lai). Hành vi này gây uy hiếp đến an toàn của chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức độ nguy hiểm khi máy bay bị chiếu laser là đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng sức khoẻ của phi công và hành khách trên chuyến bay, nhưng trong quy định của Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn chưa liệt kê hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” để xử lý hình sự.


Phi công có thể bị mất kiểm soát máy bay tạm thời khi bị tác động bởi tia laser (ảnh minh họa)

Phi công có thể bị mất kiểm soát máy bay tạm thời khi bị tác động bởi tia laser (ảnh minh họa)

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTTVT có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung hành vi có tính chất nguy hiểm đối với tổ lái như hành vi chiếu đèn laser vào máy bay vào Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 09/2013 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông.

Về phía cơ quan quản lý ngành, Cục Hàng không cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi các chế tài xử phạt hành chính liên quan đến hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” vào nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, qua nghiên cứu tài liệu về “Báo cáo việc chiếu tia laser vào tàu bay” của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) dẫn chiếu kết quả nghiên cứu của FAA và các cơ quan nhà nước khác của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy việc tiếp xúc của tổ bay với tia laser có thể gây ra hậu quả nguy hiểm như gây mất tập trung, chói, loá, có thể gây mù loà hoặc suy giảm thị lực vĩnh viễn với phi công. Do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều khiển tàu bay, gây mất an toàn của chuyến bay đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh.

“Hành vi chiếu tia laser vào buồng lái là hành vi thực sự nguy hiểm đối với hoạt động khai thác tàu bay và cần có các biện pháp răn đe, phòng ngừa thích hợp trong tình hình hiện nay. Do mức độ nguy hiểm của hành vi chiếu tia laser đến hoạt động bay dân dụng có thể gây hậu quả hoặc đe doạ gây hậu quả nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, hành vi này bị xử lý hình sự tại Hoa Kỳ” - Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi chiếu laser vào máy bay
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi chiếu laser vào máy bay

Được biết, trong trường hợp bị chiếu tia laser vào buồng lái, cơ quan kiểm soát không lưu áp dụng quy trình xử lý như trong tình trạng khẩn nguy trên không, cho đến khi tổ lái báo chấm dứt tình trạng này.

Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố; Công an thành phố và UBND thành phố Hà Nội, TPHCM, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sử dụng đèn chiếu laser vào máy bay, uy hiếp an toàn hoạt động bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất; Ban Chỉ đạo khẩn nguy hàng không thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm