Kiến nghị trang bị robot, trực thăng tham gia chữa cháy
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ quan tâm tới công tác PCCC trên địa bàn, kiến nghị trang bị trực thăng, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy.
Bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại
Sáng 12/9, phát biểu tại Hội nghị về công tác phòng cháy chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã củng cố 17 đội phòng cháy chữa cháy với 150 thành viên, đặc biệt là ở các KCN-KCX, các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho.
Chủ tịch UBND TPHCM có 3 kiến nghị với Thủ tướng và Trung ương đó là cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; khắc phục những điểm chồng chéo.
Ông Mãi cho rằng, cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho vùng trọng điểm kinh tế phía nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực.
"Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác. Nếu chúng ta không làm tốt hiệp đồng, không diễn tập, không trang bị thì thiệt hại rất lớn, đặc biệt là với vùng trọng điểm kinh tế phía nam", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, các đơn vị cần thống nhất đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để có chính sách xứng đáng.
Cháy lớn tập trung ở thành thị
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, về tình hình cháy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.
Cả nước xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.
Về nguyên nhân xảy ra cháy, ông Long cho biết chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.
Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ, theo thiếu tướng Nguyễn Văn Long, 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy...
3 nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các quán karaoke, vũ trường
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy hiện cơ bản đầy đủ. Ông Hùng nhấn mạnh việc quản lý quán karaoke, vũ trường hiện tại có 3 bước.
Bước thứ nhất là khi cấp phép xây dựng, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa các trụ sở để kinh doanh karaoke, vũ trường thì khi cấp phép xây dựng đối tượng này phải chịu thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy và phải được kiểm tra, nghiệm thu.
Bước thứ hai, khi cấp phép hoạt động cho thuê vũ trường do cơ quan quản lý văn hóa cấp phải có giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cháy nổ.
Bước thứ ba là hằng năm, định kỳ, cơ quan phòng cháy, chữa cháy kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy.
Trước tình trạng xảy ra hàng loạt vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên cả nước trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhìn nhận có 3 nguyên nhân chính, đặc biệt đối với karaoke và vũ trường:
Thứ nhất đó là, phần lớn hiện nay, các cơ sở karaoke và vũ trường, đặc biệt là karaoke, chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn, ví dụ như quy định về 2 lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ.
Thứ hai là quy định về vật liệu, trang âm… phải bảo đảm không cháy, quy định về an toàn điện như thế nhưng lại phụ thuộc vào nguồn điện đấu nối… Rồi quy định về khoảng cách giữa cơ sở karaoke với nhà bên cạnh, nhiều lúc nhà dân xen kẹt ở giữa, các nhà liền nhau... các cơ sở lại không bảo đảm được yếu tố này.
"Phần lớn trước năm 2015 các cơ sở kinh doanh như thế nên bây giờ khắc phục rất khó mặc dù bên công an kiểm soát rất chặt. Các công trình trong khu dân cư hiện hữu như Thủ tướng đã nói trong ngõ, hẻm, kiệt… nên gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy", ông Hùng nói.
Nguyên nhân cuối cùng được lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá là trong 3 bước kiểm soát cơ bản đầu tiên bị bỏ qua. Khi cấp phép, người dân không xin phép xây dựng karaoke mà họ xin cấp phép xây dựng nhà ở rồi sau đó âm thầm cải tạo, chuyển đổi. Rồi ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên thì không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý.
Từ những ý kiến trên, ông Hùng đề nghị phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh.
"Đối với những vấn đề tồn đọng trước đây phải nghiên cứu, quy định có tính khả thi, nếu không khả thi không thực hiện được", ông Lê Quang Hùng nói.