1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Kiến nghị TPHCM giữ lại ngân sách nhiều hơn và thu thuế bất động sản

(Dân trí) - Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TPHCM, kiến nghị trong số ngân sách TPHCM nộp lên Trung ương, cần trích lại 20% để phát triển giao thông vùng Nam bộ. Ngoài ra, TPHCM cần được thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng giao thông.

Ngày 29/6, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp cùng UBND TPHCM tổ chức Hội thảo Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, trình bày các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp khả thi để nghiên cứu áp dụng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long theo hình thức PPP.

Kiến nghị TPHCM giữ lại ngân sách nhiều hơn và thu thuế bất động sản - 1

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng hạ tầng giao thông hiện hữu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, hạ tầng giao thông hiện hữu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng. Theo ông, những vấn đề này cần được bàn luận, nghiên cứu và giải quyết.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém của khu vực phía Nam là hạn chế về nguồn lực tài chính. 

TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng vùng Nam bộ cần có một nhạc trưởng điều phối, quản lý cấp vùng và TPHCM phù hợp với vai trò này, nhưng cần phải có nguồn lực để thực hiện.

Từ đó, TS Hùng kiến nghị, trong số ngân sách TPHCM nộp lên Trung ương cần trích lại 20% để phát triển giao thông vùng. Ngoài ra, TP cần được thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Theo ông, nguồn thu này sẽ giúp TPHCM nâng cao năng lực phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng giao thông vận tải.

Kiến nghị TPHCM giữ lại ngân sách nhiều hơn và thu thuế bất động sản - 2

Các đại biểu nhận định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém của khu vực phía Nam là hạn chế về nguồn lực tài chính

Hội thảo cũng nhận được nhiều chia sẻ, góp ý về thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Với nguồn vốn khổng lồ để phát triển giao thông vùng Nam bộ, bài toàn đặt ra là huy động vốn như thế nào?

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng cho khu vực Nam bộ thực tế còn nhiều hơn nữa so với những dự án được quy hoạch.

“Nếu đưa vào quy hoạch nữa thì nguồn vốn đội lên rất nhiều. Để thực hiện các dự án, vốn Nhà nước hay xã hội hóa là nguồn chủ đạo?”, ông Mười đặt vấn đề.

Theo ông Mười, đối với quốc lộ chắc chắn phải dùng tiền Nhà nước là vốn chủ đạo. Còn cao tốc có thể xã hội hóa. Dự kiến, nguồn vốn xã hội hóa khoản 10-22%, còn lại là vốn Nhà nước và ODA là chủ đạo.

Kiến nghị TPHCM giữ lại ngân sách nhiều hơn và thu thuế bất động sản - 3
Hàng ngàn phương tiện vật vã "vượt ải" cầu Bến Lức (Long An) trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết

Cũng theo ông Mười, một trong những khó khăn khi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long là suất đầu tư cao.

Về vấn đề này, TS Dương Như Hùng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tính khả thi của các dự án và thu được tiền hay không? Khi đầu tư, yếu tố rủi ro rất được quan tâm. Nhà nước có thể giúp nhà đầu tư nước ngoài giảm rủi ro như giải phóng mặt bằng… Khi Nhà nước bỏ tiền vào và rủi ro thấp thì mới thu hút được nguồn vốn.

Ông cho rằng PPP (hợp tác công tư) là chủ trương đúng đắn để thu hút đầu tư hạ tầng giao thông vận tải nhưng Chính phủ cần xây dựng luật PPP để giải tỏa các quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài.

Quốc Anh