Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý các trường ĐH thu tiền sai quy định
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc thu học phí, lệ phí vượt, không đúng quy định và xử lý các trường hợp vi phạm.
Kết thúc quá trình thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong việc tổ chức, thực hiện Nghị định 43/2006 của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng Nghị định 43 và các quy định của Nhà nước. Trước mắt quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo phù hợp với từng loại hình, khắc phục tình trạng dạy chay, dạy lý thuyết, xa rời thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Xử lý các học viên cao học liên kết với nước ngoài không đủ điều kiện
“Xử lý đối với các trường hợp học viên cao học (liên kết với nước ngoài đào tạo) không đủ điều kiện, tiêu chuẩn như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”- Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Theo kết luận thanh tra, chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với Hội đồng Liên ĐH Cộng đồng pháp ngữ (CIUF) Bỉ, có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ. Trường ĐH Luật TPHCM có một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ; học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp theo Quy chế đạo tạo thạc sĩ ban hành kèm Quyết định số 45/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Thanh tra Chính phủ phát hiện có chương trình đào tạo cao học được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đến nay là 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau ĐH. Khóa 18 năm 2012 có 100% học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM liên kết với ĐH Victoria của Australia đào tạo cấp bằng cử nhân kinh doanh (khóa đào tạo IBBus 3.1 năm 2012) có 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét việc công nhận hoặc không công nhận bằng tốt nghiệp hệ chính quy đối với các trường hợp đã được cấp bằng tốt nghiệp không đúng quy định thuộc loại hình liên thông chính quy năm 2011 của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tách Trường ĐH Y Dược ra khỏi ĐH Huế.
“Đề xuất phương án xử lý đối với việc thu tỷ lệ học phí, thu kinh phí cấp bù sư phạm không đúng quy định của ĐH Huế. Chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm dứt việc thu học phí, lệ phí vượt, không đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ kịp thời chấn chỉnh rút kinh nghiệm và xử lý các trường hợp vi phạm”- kết luận thanh tra nêu rõ.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm kiểm điểm trách nhiệm, tăng cường quản lý việc chấp hành Luật Đất đai, đầu tư xây dựng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; truy thu đủ số thuế còn nợ, chưa kê khai của Học viện và các hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong vực Học viện quản lý như kết luận đã nêu ra.
Không thu hồi số tiền học phí gửi ngân hàng hưởng lãi
Kết luận thanh tra yêu cầu nộp trên 2 tỷ đồng tiền thuế các đơn vị sự nghiệp chưa nộp vào ngân sách Nhà nước về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ, trong đó ĐH Huế trên 635,2 triệu đồng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên 1,37 tỷ đồng. Ngoài ra, ĐH Huế chưa thu số tiền 23,7 tỷ đồng là tỷ lệ học phí các đơn vị trực thuộc chưa nộp; chưa sử dụng số tiền 2,15 tỷ đồng học phí thu về chưa chi hết, chờ phương án xử lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Huế, ĐH Y Dược- ĐH Huế, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Vinh xử lý sai phạm về đầu tư xây dựng với tổng số tiền trên 6,83 tỷ đồng.
Đối với sai phạm về thu phí, lệ phí và không gửi tiền học phí vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho rằng về nguyên tắc, số tiền học phí, lệ phí thu vượt, thu ngoài quy định, lãi tiền gửi từ nguồn học phí, lệ phí phải nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý theo hướng không thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền này.
ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Mở TPHCM được quyết toán các khoản thu này nếu chỉ sử dụng cho hoạt động chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất và việc mua sắm đầu tư phải đúng quy định hiện hành của Nhà nước và theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu liên quan đến các sai phạm. Chỉ đạo, kiểm điểm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan đến việc tổ chức đào tạo liên thông CĐ lên ĐH, giảng viên dạy ban đêm không đúng quy định. |
Thế Kha