1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiến nghị nhà mạng chuyển một phần lợi nhuận dịch vụ internet cho báo chí

(Dân trí) - Nhà nước nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các tờ báo điện tử một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet.

Sáng nay (11/6), tại Hà Nội, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên Tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu".

Kiến nghị nhà mạng chuyển một phần lợi nhuận dịch vụ internet cho báo chí - 1

Quang cảnh Diễn đàn Tổng Biên Tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu".

Tại diễn đàn, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên Tập Báo Tiền Phong cho biết, hiện nay bức tranh kinh tế báo chí đang rất ảm đạm. Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng báo chí.

Để khắc phục vấn đề này, ông Sơn kiến nghị một số nội dung như: Nếu có thể, Nhà nước nên nghiên cứu giải pháp chính sách điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội (chủ yếu là của nước ngoài) trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước;

Nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet (từ những bạn đọc báo điện tử); tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.

Kiến nghị nhà mạng chuyển một phần lợi nhuận dịch vụ internet cho báo chí - 2

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên Tập Báo Tiền Phong.

"Có chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi cần mở những đợt truyền thông, tuyên truyền lớn hoặc thông tin về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi; thậm chí, nên xem xét nghiên cứu mở rộng thêm chính sách trợ cấp một phần hoặc bao cấp toàn bộ cho một số cơ quan báo chí được chọn lọc, có vai trò và vị trí quan trọng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền", ông Sơn kiến nghị.

Phát biểu tại diễn đàn trên, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nguồn lực báo chí và những giá trị báo chí đem lại cho xã hội vô cùng to lớn; nhưng báo chí lại đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu giảm mạnh.

Với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới.

"Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống", ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là facebook, google… đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức các sự kiện, sản xuất nội dung cho google, facebook... và vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.

"Có các hoạt động “thúc ép” doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Bị “mắc kẹt” trong cái bẫy “hợp đồng truyền thông” như vậy báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả", ông Phúc chia sẻ.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết thêm, thực tế, nhiều cơ quan báo chí phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Dù thế nào thì việc sụt giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua. Vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” sẽ làm báo chí xa rời chân lý giá trị của nghề báo.

Từ thực trạng trên, ông Phúc gợi ý một số giải pháp như: Thực tế cho thấy, nếu báo chí bị quá phụ thuộc vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu của Nhà nước hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó là sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Kiến nghị nhà mạng chuyển một phần lợi nhuận dịch vụ internet cho báo chí - 3

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại diễn đàn.

Bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí. Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí thì cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền;...

Nhiều tòa soạn ở Việt Nam đã rất nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình và phát hành đến độc giả như khai thác dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý bài viết riêng biệt theo sở thích, thói quen của từng độc giả (Zing, VnExpress, Chuyên trang Thế Giới Trẻ của Báo Bưu điện Việt Nam); chat bot (VietnamPlus); hay báo nói tự động (Dân Trí, Tổ quốc, ICTnews).

Cuối cùng, ông Phúc cho rằng, thay đổi nhận thức để có cách làm mới là cơ hội để báo chí tìm cho mình hướng đi trong tương lai. Báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, đồng thời nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, độc hại, tạo dòng chảy chính của thông tin hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội. Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng thì đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem.

Nguyễn Dương