1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiến nghị dừng cơ chế giám sát liên tục với Formosa Hà Tĩnh

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép dừng cơ chế giám sát thường xuyên, liên tục đối với Formosa Hà Tĩnh và chuyển sang cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

"Quán triệt nhận thức không lơ là, chủ quan trong hoạt động giám sát"

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 5 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do FHS gây ra đã được khắc phục. Từ tháng 6/2016 đến nay, các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình vận hành thương mại của FHS được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trước khi thải ra môi trường.

"FHS đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, bảo đảm an toàn môi trường, đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường theo cam kết với Chính phủ Việt Nam" - báo cáo cho hay.

Kiến nghị dừng cơ chế giám sát liên tục với Formosa Hà Tĩnh - 1

Hội đồng giám sát liên ngành kiểm tra thực tế tại Công ty Formosa Hà Tĩnh (Ảnh tư liệu).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, song song với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường trong quá trình sản xuất, FHS cũng chú trọng đầu tư các công trình xã hội nhằm ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại nhà máy. Cụ thể, xây dựng khu nhà ở trong dự án với 12 dãy nhà ký túc xá 5 tầng và một dãy nhà 11 tầng đáp ứng chỗ ở cho gần 9.000 người; xây dựng khu nhà ở ngoài khu vực dự án với 304 căn hộ 2 tầng dành cho hộ gia đình trong đó có cả trường học, siêu thị…

Dự án đi vào hoạt động đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung; đặc biệt đã giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động, với thu nhập bình quân tháng đạt hơn 10 triệu đồng/người.

Theo báo cáo của FHS, tổng kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường của dự án đến nay là khoảng 1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 10,9% tổng vốn đầu tư cho cả dự án); riêng các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường đầu tư sau sự cố môi trường là trên 350 triệu USD.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ này chấp thuận phương án xả thải như hiện nay của FHS; dừng cơ chế giám sát thường xuyên, liên tục đối với FHS như đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua và chuyển sang cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về thanh tra đối với FHS trong thời gian tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với FHS theo đúng quy định.

Ngoài ra, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm của FHS trong quá trình hoạt động, trong đó cần quán triệt nhận thức không lơ là, chủ quan trong hoạt động giám sát. Duy trì, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động bảo vệ môi trường tại FHS thông qua cơ chế vừa tạo điều kiện cho FHS phát triển sản xuất vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường

"Có chính sách, cơ chế ưu tiên sử dụng các loại xỉ thép của FHS đã được hợp chuẩn, hợp quy đáp ứng yêu cầu làm vật liệu xây dựng vào các công trình xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm giảm thiểu khai thác tài nguyên trong khu vực" - Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị.

Những bài học "xương máu"

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu ra một số bài học kinh nghiệm "xương máu".

"Môi trường phải thực sự được xác định là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, bên cạnh kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, chúng ta đã quá coi trọng thu hút đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường.

Đối tượng của công tác quản lý nhà nước về môi trường tăng nhanh, các vấn đề môi trường ngày càng lớn và phức tạp trong khi chưa có đủ kinh nghiệm và chưa lường hết những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường cũng như sự phù hợp của hệ thống pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hội nhập" - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ và cho rằng vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động bảo vệ môi trường cần phải được chú trọng và thực hiện ngay từ đầu với tỷ lệ tương xứng.

Kiến nghị dừng cơ chế giám sát liên tục với Formosa Hà Tĩnh - 2

Một góc nhà máy Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: Xuân Sinh).

Các chủ đầu tư, chủ dự án phải thực hiện nghiêm túc, chấp hành đầy đủ các quy định về pháp luật đầu tư, xây dựng và các pháp luật khác có liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện và vận hành dự án đầu tư. Chủ động, tự giác xây dựng các quy trình vận hành dây chuyền sản xuất, quy trình vận hành hệ thống xử lý, kiểm soát, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường, đảm bảo chất thải luôn được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Đối với dự án hoặc nhóm dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cần xây dựng quy trình, cơ chế phòng ngừa từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và có cơ chế giám sát hiệu quả, phù hợp (kể cả giám sát đặc biệt) trong suốt quá trình xây dựng, triển khai đến vận hành ổn định dự án. Thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với các dự án phát triển, nhất là các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

"Chính quyền địa phương nơi có dự án đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chủ dự án làm tốt công tác công khai, cung cấp, thông tin về dự án cho người dân, cộng đồng theo quy định. Nâng cao công tác tuyên truyền để cho người dân vùng có dự án hiểu rõ về tính hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, không bị kích động, lôi kéo bởi các phần tử chống phá" - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh về bài học.

Sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra vào đầu tháng 4/2016 là sự cố nghiêm trọng, gây ra nhiều hậu quả xấu tới môi trường, kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Đến ngày 30/6/2016, FHS đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường biển, đã xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Ngày 30/8/2016, FHS đã hoàn thành chuyển số tiền bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp tại 4 tỉnh miền Trung là 500 triệu USD, đồng thời cam kết sẽ khắc phục toàn bộ các lỗi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trước khi đưa dự án vào hoạt động.