1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp vận tải dùng phần mềm Uber

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu công ty Uber phải có văn bản cam kết hoạt động đúng theo nội dung quy định trong giấy phép kinh doanh. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các doanh nghiệp vận tải sử dụng phần mềm Uber.

Để đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân giao Giám đốc Sở GTVT chủ trì, phố hợp với Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Thông tin và Truyền thông làm việc cụ thể với công ty Uber.

Theo đó, buộc doanh nghiệp phải có văn bản cam kết hoạt động đúng theo nội dung quy định trong Giấy phép kinh doanh được cơ quan thẩm quyền cấp, chỉ được phép hoạt động cung cấp dịch vụ này với doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh theo Luật định.

Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định nếu có phát hiện sai phạm và xem xét xử lý trách nhiệm liên đới của công ty Uber theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với “taxi” Uber ngày 5/12/2014
Lực lượng Thanh tra Sở GTVT kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với “taxi” Uber ngày 5/12/2014

Trong một diễn biến khác, Thanh tra Sở GTVT TP cho biết thời gian qua đã có 36 trường hợp “taxi” Uber hoạt động trái luật bị xử phạt với tổng số tiền bị phạt là hơn 170 triệu đồng.

Cụ thể, qua 3 đợt kiểm tra (bắt đầu từ 28/11/2014 đến 7/1/2015) đã xử lý 19 trường hợp với số tiền xử phạt là 79 triệu đồng.

Sau khi có chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT và Sở GTVT, Thanh tra Sở tiếp tục ra quân kiểm tra hoạt động các đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện, lái xe cung cấp dịch vụ có sử dụng phần mềm Uber tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, và một số tuyến đường có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thuộc địa bàn quận 1, 3, 5…

Cho đến ngày 16/1, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản thêm 17 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 91 triệu đồng.

Các phương tiện vi phạm chủ yếu với các hành vi: kinh doanh vận tải bằng ô tô mà không có đăng ký kinh doanh theo quy định (Cụ thể, vi phạm vào điểm C khoản 4 điều 28, Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), xe chở hành khách mà không gắn phù hiệu, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng mà không có hợp đồng, không gắn thiết bị hành trình, không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra còn phát hiện một số phương tiện vi phạm thuộc Doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia hoạt động vận tải có kết nối, sử dụng phần mềm Uber hoạt động kinh doanh vận tải trái luật.

Trái ngược với việc có rất nhiều trường hợp xe Uber bị xử phạt theo thông tin từ Thanh tra Sở GTVT, trước đó đại diện của Uber khăng khăng khẳng định các tài xế xe Uber chỉ bị lập biên bản hành chính chứ chưa bị xử phạt.

Theo tìm hiểu của Dân trí, trong giấy phép kinh doanh của Uber chỉ có hai ngành nghề chính là dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, không có chức năng kinh doanh, quản lý, điều hành vận tải hành khách.

Trong khi đó, kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT chấm dứt hoạt động của Uber tại TPHCM, Hiệp hội Taxi TP nêu rõ, Uber đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách giống như hoạt động của một hãng taxi thực sự. Cụ thể, Uber tiếp nhận yêu cầu của khách – cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và hành khách, rồi điều xe và quyết định hành trình chạy xe, quyết định giá cước khi kết thúc hành trình, thực hiện ăn chia với chủ xe… Ngoài ra Uber còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, quy định chế tài xử phạt khi lái xe có lỗi,…

Quốc Anh