1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiểm tra 31 vụ thi hành án phức tạp liên quan đến 3 ngân hàng

(Dân trí) - Ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa chủ trì buổi làm việc tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội về 31 vụ việc thi hành án phức tạp liên quan đến các tổ chức tín dụng thuộc ngân hàng Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Ông Hoàng Sỹ Thành (giữa) chủ trì buổi làm việc tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội (Ảnh: TCTHADS)
Ông Hoàng Sỹ Thành (giữa) chủ trì buổi làm việc tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội (Ảnh: TCTHADS)

Theo thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự, ông Hoàng Sỹ Thành đã kiểm tra, làm việc với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội về 15 vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng khó khăn, phức tạp liên quan đến ngân hàng Vietinbank và 16 vụ việc thi hành án phức tạp liên quan đến Vietcombank và Agribank.

Kết luận buổi làm việc, ông Thành hoan nghênh cách thức điều hành, quản lý công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

Tuy vậy, ông Thành đánh giá công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự và ngân hàng chưa tốt, nhất là hệ thống ngân hàng Agribank cần phải tích cực hơn nữa để thu hồi các khoản nợ xấu cho nhà nước. Đồng thời, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự yêu cầu các chi cục trưởng, chấp hành viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành án. Đối với các vụ việc cụ thể đã được chỉ đạo, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cần phải kiểm tra sự chính xác trong báo cáo của các đơn vị.

Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tổ chức các đoàn công tác để phúc tra việc thực hiện thông báo kết luận và có biện pháp chỉ đạo thi hành dứt điểm các vụ việc. Những chấp hành viên, thủ trưởng các đơn vị có liên quan không thực hiện đúng chỉ đạo của cơ quan thi hành án cấp trên sẽ bị lý nghiêm trách nhiệm.

Liên quan tới vấn đề này, tại cuộc họp vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh việc “điểm tên” những ngân hàng không phối hợp trong giải quyết án tín dụng, ngân hàng. Ông Dũng đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nghiên cứu xây dựng văn bản phù hợp để có cơ chế xử lý những vướng mắc trong thực tiễn.

Báo cáo tình hình thi hành án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng của Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy, trong 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã thi hành xong gần 6.400 việc, thu được số tiền hơn 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng cả về việc và về tiền so với trước đây.

Riêng những tháng đầu năm 2017, chỉ tính 3 địa phương có số lượng án tín dụng, ngân hàng lớn nhất là Hà Nội, TPHCM và Hưng Yên đã thụ lý gần 5.100 việc với số tiền khoảng 39,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, số việc và số tiền còn phải thi hành rất lớn, gồm hơn 15,9 nghìn việc với số tiền trên 58,9 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, một số bản án, quyết định của tòa án chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành khó khăn. Đa số các trường hợp tài sản đã kê biên đảm bảo thi hành án phải giảm giá nhiều lần mới thành hoặc bán đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua; việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá bị đương sự chống đối, khởi kiện.

Về chủ quan, việc chỉ đạo của thủ trưởng, chấp hành viên một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự tích cực, phối hợp giữa cơ quan thi hành án và các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ. Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng khi thẩm định, nhận thế chấp tài sản không đúng quy trình dẫn đến giai đoạn thi hành án kéo dài; quá trình thi hành án còn phó mặc việc thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự.

Thế Kha