1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Kiểm điểm cán bộ, lãnh đạo để lâm tặc đốn hạ 23 cây dổi lâu năm

(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu tại buổi làm việc diễn ra sáng nay (6/8), liên quan đến vụ phá rừng tại tiểu khu 142, 145 xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.

Cận cảnh hàng loạt cây gỗ dổi lâu năm bị đốn hạ không thương tiếc

Vụ 23 cây dổi lâu năm bị đốn hạ: Không nghĩ lâm tặc phá rừng ở khu vực hiểm trở?!

Chuyển hồ sơ cho công an điều tra

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, ngày 22-23/7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn đã kiểm tra và phát hiện 15 cây gỗ dổi (nhóm 3) bị cưa hạ trái phép tại tiểu khu 142 và tiểu khu 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định pháp luật.

Mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ công tác phát hiện thêm 8 cây dổi bị cưa hạ trái phép, dấu vết đã cũ, gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển khỏi hiện trường.

Dọc theo đường mòn kéo gỗ về phía Đông khoảng 2 km, có lán trại không người ở, bên trong có 4 cái võng, quần áo và một số đồ dùng khác (xoong, nồi, chén bát, gạo mắm) điện thoại di động, vở học sinh và sổ hộ khẩu; cạnh lán trại có một số tấm gỗ xẻ.

Theo kết quả giám định của Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT), tổng số cây bị chặt hạ là 23 với khối lượng gỗ gần 107 m3; chủng loại gỗ dổi (nhóm 3), chủ quản lý là BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh. Trong đó, 15 cây gỗ dổi bị cưa hạ trái phép, dấu vết còn mới có khối lượng gần 59,2m3; 8 cây dổi bị cưa hạ với vết cũ hơn 47,7m3.

Ngày 31/7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh chủ trì phối hợp với Công an huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện họp thống nhất khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” xảy ra tại tiểu khu 142, 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).

Hiện trường vụ 23 cây dổi lâu năm có cây đường kính hơn 1 mét bị lâm tặc cưa hạ trái phép.
Hiện trường vụ 23 cây dổi lâu năm có cây đường kính hơn 1 mét bị lâm tặc cưa hạ trái phép.

Ngày 3/8, Hạt Kiểm lâm huyện chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Thạnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Để lâm tặc tẩu thoát có lỗi của kiểm lâm

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định đây là vụ phá rừng có tổ chức mà ông nghĩ có người dân ở địa phương hướng dẫn, chèo kéo người nơi khác đến phá rừng. Ông Châu cũng cho rằng để xảy ra phá rừng trong thời gian tương đối lâu và để các đối tượng phá rừng chạy thoát không bắt được tại hiện trường có lỗi của kiểm lâm, công an, BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh trong quá trình tác nghiệp.

Ông Châu đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở NN-PTNT hoàn chỉnh các hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan điều tra để khởi tố vụ án. Đồng thời, cử cán bộ Kiểm lâm làm việc với Công an huyện Vĩnh Thạnh truy bắt cho bằng được đối tượng phá rừng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh có các giải pháp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ khu vực rừng tốt hơn nữa. UBND huyện Vĩnh Thạnh cùng làm việc với cộng đồng dân cư ở khu vực giáp ranh rừng và thành lập tổ công tác, tuần tra rừng thường xuyên.

Về xử lý trách nhiệm, Phó Chủ tịch Trần Châu yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ, các chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian tương đối lâu. Kiểm điểm lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh - người phụ trách chính lĩnh vực công tác bảo vệ rừng. Giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh kiểm điểm vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý bảo vệ rừng.

Gỗ được xẻ thành hộp đang được tập kết vận chuyển ra khỏi rừng thì bị người dân phát hiện báo cho cơ quan chức năng.
Gỗ được xẻ thành hộp đang được tập kết vận chuyển ra khỏi rừng thì bị người dân phát hiện báo cho cơ quan chức năng.

“Đây là bài học sâu sắc mà Sở NN-PTNT cần rút kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp làm sao phải gắn kết với cộng đồng dân cư cùng vào cuộc bảo vệ rừng”, ông Châu chia sẻ.

Đặc biệt, tại cuộc họp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu nhiều lần nhắc nhở các đơn vị liên quan phải rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp bảo vệ rừng chứ không phải đến họp chỉ báo cáo sự việc đã xảy ra rồi. Thế nhưng, đại diện người đứng đầu Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, BQL rừng phòng hộ huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đều phân trần khó khăn bởi lực lượng mỏng.

Ông Trần Phước Phi- Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, đơn vị quản lý rừng thừa nhận thiếu sót, chủ quan vì khu vực rừng ở tận đỉnh núi, đường đi phức tạp nên không nghĩ lâm tặc lên tận đây phá rừng?.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm