1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiếm ăn từ người chết

Chỉ cần biết địa chỉ nhà người chết, các “cò” lập tức gọi điện thoại cho cơ sở dịch vụ mai táng đưa quan tài, bàn ghế, đồ tang lễ đến, không cần biết có ai yêu cầu hay không...

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Đội trưởng Đội Bảo vệ Bệnh viện (BV) Đa khoa Khánh Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho biết các nhóm “cò mai táng” ở BV này rất nhiều, có thời điểm 7-8 nhóm túc trực bất kể ngày đêm. Thông thường, có một xe lượn lờ trước BV còn những nhóm “cò mai táng” sẽ trà trộn vào các khoa có bệnh nhân nặng để tiếp cận, chào bán dịch vụ mai táng (DVMT) và thường xuyên thay đổi người để khó bị phát hiện.

 

Lắm chiêu, nhiều kế

 

Túc trực ở Khu Cấp cứu của BV Đa khoa Khánh Hòa hồi lâu, một người đàn ông thường xuyên hỏi han người nhà bệnh nhân, sau đó đưa danh thiếp giới thiệu về DVMT. Sau cuộc điện thoại, người này lật đật chạy ra ô tô, điều khiển xe về phía cổng khu vực bệnh nhân nặng. Một người đàn ông khác từ BV lên xe rồi bám theo xe chở bệnh nhân. Một cuộc đeo bám quyết liệt bắt đầu.

 

Từng bị một “cò mai táng” dụ dỗ, anh H. (ngụ phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang) kể: “Ba tôi bị đột quỵ và được đưa vào BV Đa khoa Khánh Hòa. Các bác sĩ nói ba khó qua được, chỉ cần rút máy thở là hết. Trong thời gian chờ giờ tốt để đưa ông về, một thanh niên thường xuyên đến hỏi han. Gia đình cần gì, người này đều sốt sắng làm giúp và nói là đồng cảm nên chia sẻ khó khăn.

 

Khi đưa ba tôi về nhà, người này cũng theo về, thắp hương, mua trứng rồi nói người nhà nấu cơm, luộc trứng cúng cho ba tôi. Trong khi gia đình rối bời, người này tự ý kê dọn bàn ghế rồi tư vấn cho chúng tôi nên thuê DVMT nào, giá bao nhiêu. Thấy cũng cần thiết nên gia đình nghe theo. Sau này mới biết anh ta là “cò mai táng”.

 

“Cò mai táng” thường xuyên xuất hiện ở căng-tin Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa

“Cò mai táng” thường xuyên xuất hiện ở căng-tin Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa

 

Tại nhà tang lễ của BV Quân y 87, một người ở tỉnh Quảng Ngãi bị tai nạn giao thông tử vong vừa được đưa vào. Người nhà thì chưa có nhưng đã xuất hiện 2 “cò mai táng” túc trực, hỏi han tin tức. Khi thân nhân người chết đến, 2 “cò” sốt sắng dẫn vào nơi nạn nhân nằm, sắp xếp, giải thích sự việc như thật. Giữa lúc người nhà đang đau buồn, 2 “cò” thuyết phục người nhà chi 2,5 triệu đồng để tiêm thuốc, ướp xác; 8 triệu đồng mua hòm; 8 triệu đồng tiền xe đưa nạn nhân về quê. Đang lúc quá bối rối, thân nhân người chết đã đồng ý.

 

Một nhân viên ở Nhà Tang lễ TP Nha Trang (do BV Đa khoa Khánh Hòa quản lý) cho biết khi thấy nhà xác mở cửa, lập tức có hàng chục “cò mai táng” nam có, nữ có ngồi đầy trước sân, chào bán dịch vụ. Họ khuyến mãi sẽ miễn chi phí vận chuyển xác nạn nhân về tận nhà nếu sử dụng dịch vụ mai táng từ A đến Z.

 

Chưa hết, chỉ cần biết địa chỉ nhà nạn nhân, lập tức các “cò mai táng” gọi điện thoại cho các cơ sở DVMT đưa quan tài, bàn ghế, đồ tang lễ đến nhà để phục vụ mà chẳng cần biết có ai yêu cầu hay không!

 

Bán thông tin bệnh nhân?

 

Khi tang lễ kết thúc, nhìn bảng chi phí phía DVMT đưa ra, gia đình chị D. (ngụ xã Vĩnh Phương) phát hoảng khi quan tài có giá 25 triệu đồng; hương, hoa, đèn gần 10 triệu đồng; tiền rạp, ấm nước, cờ quạt cũng gần 10 triệu; tiền thuê xe tang, trống kèn hơn 20 triệu…

 

“Gia đình neo người, khi ở BV chúng tôi được “chăm sóc” chu đáo lắm, tưởng họ đàng hoàng. Ai dè lợi dụng gia đình bối rối không hỏi giá cụ thể, họ kê hóa đơn lên gần 80 triệu đồng. Năn nỉ bớt nhưng họ nhất quyết không chịu, gia đình đành phải vay mượn gần 50 triệu để trả nợ…” - chị D. ngao ngán.

 

Trong vai người nhà cần xe đưa bệnh nhân về quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi tiếp cận ông M. đang làm cho cơ sở DVMT Công Thọ có ô tô đậu trước BV Đa khoa Khánh Hòa. Người này giới thiệu xe đi đường dài nên có đăng kiểm đầy đủ, có dịch vụ đi kèm (bình thở, giường cho bệnh nhân, chỗ người nhà ngồi…), giá 8 triệu đồng/chuyến Nha Trang - Huế. Tuy nhiên, khi mở cửa xe, chúng tôi thấy giường của bệnh nhân chỉ là giường xếp, xe cũ kỹ, bình ôxy hoen gỉ.

 

Ông M. còn lật album giới thiệu quan tài với đủ giá từ 6 triệu đồng đến 45 triệu đồng/chiếc. Chúng tôi chê giá đắt, ông phân bua: “Xe ở BV làm gì chạy đường dài được. Họ không quen và không có đăng kiểm đâu. Anh là chủ đích thực của cơ sở mới báo giá đó chứ gặp mấy người làm marketing ở trong BV cũng in thiệp, nhận khách đàng hoàng nhưng đôn giá lên cao rồi đặt lại tụi anh làm dịch vụ thôi. Anh bớt cho em 500.000 đồng để em yên tâm”.

 

Theo ông M., là chủ cơ sở DVMT nên ông phải trả phí hoa hồng cho một số người của BV từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/ca bệnh được giới thiệu. Để bù lại số tiền này, cơ sở phải nâng giá dịch vụ.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, bảo vệ BV Đa khoa Khánh Hòa, đã nhận diện nhiều “cò mai táng” như Cảnh, Tâm “lác”, Mẫn… thường xuyên lượn lờ ở BV để kiếm khách hàng. Khi tìm được bệnh nhân, nhóm này liên hệ với các cơ sở DVMT. Cơ sở nào trả giá cao thì bán thông tin bệnh nhân cho cơ sở đó.

 

Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết cách đây không lâu, cơ quan này có nhận đơn tố cáo từ một chủ cơ sở DVMT bị nhóm “cò mai táng” lừa hơn 30 triệu đồng. Theo đó, nhóm của “cò” Rim nhận khách hàng với giá quan tài là 39 triệu đồng nhưng đặt lại cho cơ sở DVMT với giá chỉ 8 triệu đồng. Khi phát hiện ra quan tài dỏm, người nhà bắt đền chủ DVMT, buộc phải sử dụng đúng quan tài 39 triệu đồng khiến cơ sở này rất bức xúc.

 

Nhiều trường hợp bệnh nhân vừa mới qua đời, “cò mai táng” đã sớm xuất hiện và gạ gẫm người nhà. Do đó, không loại trừ khả năng các nhóm này thông qua nhân viên BV để có thông tin về bệnh nhân chết hoặc sắp qua đời.

 

Hiện Công an TP Nha Trang nhận được một số đơn của một số cơ sở DVMT tố cáo các nhóm “cò mai táng” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ hoặc đánh người gây thương tích… Công an TP Nha Trang đã xác minh nhưng bản thân người tố giác không tích cực hợp tác, gây khó khăn khi củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

 

Bác sĩ Đinh Tấn Hùng, Trưởng Phòng Hành chính quản trị BV Đa khoa Khánh Hòa, cho biết BV đã yêu cầu nhân viên không được tiếp tay cho các “cò mai táng”, nếu phát hiện sẽ xử lý nặng. Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhưng trên thực tế, BV không thể kiểm soát điện thoại cá nhân của từng người được.

 

Cũng theo bác sĩ Hùng, BV đã xây dựng quy chế phối hợp giữa BV và Công an TP Nha Trang, Công an phường Lộc Thọ để bảo đảm an ninh; nghiêm cấm nhân viên BV tiếp tay cho các DVMT, ai vi phạm sẽ bị đuổi việc; yêu cầu các khoa niêm yết công khai thủ tục giải quyết bệnh nhân tử vong; thông báo công khai các hoạt động “cò mai táng” cho người nhà biết; trang bị hệ thống camera quan sát ở 24 điểm, tổ chức đội xe đưa xác bệnh nhân, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thân nhân người bệnh...

 

“Cò” dọa y, bác sĩ

 

Lãnh đạo các khoa như Ung Bướu, Hồi sức tích cực - Chống độc, Giải phẫu bệnh lý, Cấp cứu 115 của BV Đa khoa Khánh Hòa đều xác nhận ở đây thường xuyên xuất hiện nhóm người tiếp cận người nhà bệnh nhân chào mời, ngã giá, tranh giành hợp đồng mai táng. Dù đã tăng cường công tác bảo vệ nhưng nhóm người này vẫn qua mặt bằng cách giả làm người nhà bệnh nhân, vì thế rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp y, bác sĩ, nhân viên bảo vệ mời các đối tượng này ra ngoài thì bị hăm dọa, như: “Chết vì bơm kim tiêm sida đấy”, “Ra đường xe cán thì biết kêu ai”. Tệ hơn thì bị ném đá lên nóc nhà hoặc bị ném chất bẩn vào người, vào nơi ở...

 

 

 

Hung hăng tranh giành lãnh địa

 

Trên địa bàn TP Nha Trang có khoảng 12 cơ sở DVMT. Những cơ sở này phân chia “lãnh địa” ở các BV và nhà mai táng. Giữa các “cò mai táng” làm ăn tại đây thường xuyên tranh giành, xô xát, tố giác lẫn nhau khiến an ninh trật tự trong và ngoài BV không ổn định.

 

Cơ sở DVMT Phước Lộc Thọ Út Trung mới thành lập, thường xuyên giành mối với các cơ sở khác

Cơ sở DVMT Phước Lộc Thọ Út Trung mới thành lập, thường xuyên giành mối với các cơ sở khác

 

Tháng 3-2014, người của một cơ sở DVMT ở khu vực cầu Hà Ra (TP Nha Trang) bị một nhóm “cò mai táng” đánh trọng thương vì “ dám” vào BV Đa khoa Khánh Hòa làm dịch vụ. Nhóm này của cơ sở DVMT Phước Lộc Thọ Út Trung (86 Đồng Nai).

 

Chủ cơ sở là ông Nguyễn Hồng Quang nhưng thực tế điều hành là Út Trung (tên thật là Huỳnh Thế Giang Trung, 20 tuổi). Tuy còn trẻ nhưng Trung có nhiều năm là “cò” cho cơ sở DVMT Ông Thọ Mười chuyên cắm chốt ở BV Đa khoa Khánh Hòa.

 

Do xích mích trong làm ăn, Trung tập hợp một số “cò mai táng” khác tách ra làm một nhóm độc lập và thường xuyên trấn áp, đuổi đánh người của các cơ sở khác hòng độc chiếm thị trường.

 

Một chủ cơ sở DVMT từng bị Trung đánh trọng thương kể: Chúng tôi có người quen gọi lên BV nhờ chở người nhà về nhưng Trung tỏ vẻ bực tức vì theo cả ngày rồi nhưng không giành hợp đồng được nên giở thói côn đồ, đuổi đánh chúng tôi. Nhỏ tuổi nhưng Trung có nhiều tiền án tiền sự nên chúng tôi rất ngại va chạm. Sau lần đó, cơ sở chúng tôi không dám lên BV Đa khoa Khánh Hòa nữa, cả khi có người gọi. Nhiều người bị Trung đánh đã gửi đơn tố giác lên Công an TP Nha Trang.

 

Trước đó, một nhóm khoảng 15 người đã xông vào khu cấp cứu BV Đa khoa Khánh Hòa đánh, chém trọng thương nhân viên bảo vệ. Các nhân viên bảo vệ cho biết lúc đó, tại khoa có bệnh nhân tử vong, một nhóm người xông vào đòi gặp người nhà để làm dịch vụ mai táng. Bị ngăn cản, nhóm này kêu thêm người tấn công nhóm bảo vệ khiến một người bất tỉnh, một người khác bị chém đứt gân tay.

 

 

Theo Kỳ Nam
 Người lao động