1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kì dị lễ “ngâm” máu gà của người Mơ Nâm

(Dân trí) - Để được trời đất phù hộ cho người thân đi xa, người Mơ Nâm ở xã Hiếu, huyện Kon Plông, Kon Tum thường tổ chức lễ “ngâm” máu gà trên cơ thể suốt 2 ngày, 3 đêm cho người đi xa.

Nhiều năm nay, những phương tiện hiện đại của đời sống văn minh như ti vi, xe máy, điện thoại… đã và đang dần xâm nhập vào cuộc sống người dân Mơ Nâm. Họ không còn xem cái xe là con ngựa sắt biết chạy, cái điện thoại là phương tiện liên lạc của người ở cõi “siêu tâm linh”. Nhưng những hủ tục thì vẫn ăn sâu vào dòng máu hàng trăm năm nay của người Mơ Nâm, chưa dứt nổi.
 
Kì dị lễ “ngâm” máu gà của người Mơ Nâm - 1
Chị Y Oanh (phải) trách chị Ôn không làm đúng phong tục nên A Vĩnh Đảo mới phải trở về làng không học được thành tài

 

Với người dân xã Hiếu, việc giao lưu với “thế giới” bên ngoài còn nhiều hạn chế, cuộc sống của nhiều gia đình vẫn dựa vào trồng trọt, săn bắt. Chính vì vậy, họ luôn tâm niệm rất khắt khe về cái “thế giới” bên ngoài; họ tin rằng nơi mình đang sinh sống luôn nhận được sự che chở, bảo vệ của các đấng tối cao của trời và đất.

 

Chính vì vậy, mỗi khi có thành viên trong gia đình phải đi xa, họ phải làm lễ xin trời và đất che chở, phù hộ bằng cách “ngâm” máu gà 2 ngày, 3 đêm trên cơ thể.

 

Già làng A Vang, trú tại thôn 5, cho biết: máu là một thứ rất tâm linh và thiêng liêng với người dân nơi đây. Nếu người Kinh dùng nhang để cầu khấn cõi tâm linh thì với người Mơ Nâm, máu chính là thứ linh thiêng để mời gọi thần linh trên trời, dưới đất về phù hộ, che chở và nó chỉ được dùng trong trường hợp mỗi khi có người đi xa khỏi xã trên 1 tuần.

 

Trước khi đi xa, gia đình sẽ chuẩn bị 1 con gà trống to nhất và khỏe mạnh nhất trong đàn, nhốt lại, chờ đến khi mặt trời sắp khuất núi, thì lễ “ngâm” máu gà được tiến hành.

 

Người đi xa phải ngồi nhắm mắt ở giữa nhà, còn người chủ gia đình sẽ bắt gà, trói chân và cánh, để con gà lên phía trên đầu người đi xa rồi dùng dao cắt tiết gà cho máu gà chảy tràn lan từ trên đỉnh đầu xuống khắp người. Và máu chảy đến đâu, người cắt tiết sẽ lầm rầm cầu xin ông trời, ông đất phù hộ cho người đi xa được may mắn. Nếu đi học thì sẽ có sức khỏe bình an, học giỏi, học thành tài để được làm cán bộ; còn nếu đi làm thì sẽ bình an, làm giỏi, kiếm được nhiều tiền…

 

Buổi cầu khấn sẽ kết thúc khi máu từ thân con gà không còn chảy ra, sau đó người thân và dân làng sẽ tụ tập hát hò, ăn uống no say để chia tay người vừa được “ngâm” máu gà.

 

Sau khi buổi lễ chấm dứt, người đi xa vẫn phải giữ nguyên “hiện trường”, không được tắm rửa, mặc cho ruồi muỗi, mùi hôi tanh lan tỏa rất khó chịu. Người này phải để cơ thể được “ngâm” trong máu trong suốt thời gian 2 ngày 3 đêm rồi mới được tắm gội sạch sẽ.

 

Sở dĩ phải đợi thời gian 2 ngày, 3 đêm là vì: “Ông trời và ông đất ở xa nên chưa về kịp nên phải chờ đợi thôi, họ có về thì mình mới được may mắn, mới được bảo vệ, nếu không là sẽ không có tác dụng đâu”, già làng A Vang lý giải.

 

Trước khi được đưa xuống TPHCM học, đứa con trai A Vĩnh Đảo (15 tuổi) của chị Ôn đã được ông ngoại của mình tổ chức buổi lễ “ngâm” máu gà cầu may mong được học giỏi, thành cán bộ. Nhưng do là cán bộ trong xã nên chị Ôn đã “cải tiến” nghi lễ này một nửa; ngay buổi tối hôm đó, khi người làng về nhà hết, Đảo được mẹ “đặc cách” cho tắm rửa sạch sẽ.

 

Sau 1 tháng học tập ở TPHCM, Đảo không thể hòa đồng cùng các bạn trong trường và cũng không làm quen được môi trường mới nên đã về lại quê tiếp tục theo học văn hóa ở trường THCS xã Hiếu. Khi thấy Đảo không “trụ” lại được TPHCM, cả dân làng đã trách móc chị Ôn vì không tuân theo luật tục của làng, để Đảo đi tắm rửa khi ông trời, ông đất chưa về kịp phù hộ nên con mới lỡ dở như vậy.

 

Chị Y Oanh, chị gái chị Ôn, trách móc: “Tại nó cho con tắm rửa nên ông trời, ông đất đã không phù hộ, không cho con nó được học giỏi, không cho con nó ở lại thành phố học thôi. Nếu mình mà có con đi học, hay đi làm xa như con nó là mình cũng cắt máu gà cho chảy lên người con và phải để sáng ngày mốt mới cho tắm, có như vậy mới đúng. Tại nó làm sai không theo phong tục nên con nó mới bị như vậy thôi”.

 

Thiên Thư 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm