Tiếp vụ nữ sinh 13 tuổi bị hiếp dâm ở Sơn La:

Kì 5: “Quá nhiều vi phạm về tố tụng hình sự”

(Dân trí) - Vụ 1A của Viện KSND Tối cao khẳng định: Nguyễn Văn Hưởng có hành vi cưỡng hiếp cháu B.H.V nhưng cơ quan điều tra khởi tố về tội “giao cấu với trẻ em” là không đúng với hành vi phạm tội của bị can.

Cưỡng bức trẻ em “được” khởi tố tội “giao cấu trẻ em”

Trở lại vụ án “nữ sinh 13 tuổi bị hiếp dâm tại TP Sơn La”, theo trình bày của B.H.V với các cơ quan chức năng, tối ngày 27/8/2010, V sang cửa hàng Tùng Bách Plaza (ở thành phố Sơn La) chơi với Bách là bạn học cùng lớp. Tại đây, V gặp Nguyễn Văn Hưởng là người làm thuê cho nhà Bách. Do biết nhau từ trước, Hưởng mời V lên phòng chơi. Vừa bước vào phòng, ngay lập tức Hưởng đóng cửa phòng lại và thực hiện bằng được hành vi cưỡng hiếp V...
 
Liên quan đến vụ án này, khi 2 gia đình Hưởng và V đang trong quá trình giải quyết thỏa thuận theo góc độ tình cảm, ngày 1/9/2010, bất ngờ cô giáo Bùi Thị Đức (mẹ V) bị cơ quan CSĐT khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Sau này các cơ quan tố tụng TP Sơn La thừa nhận việc khởi tố bắt tạm giam cô giáo Đức là oan sai và đã xin lỗi công khai.
 
Cùng ngày hôm đó, đối tượng Nguyễn Văn Hưởng nghi can trong vụ án cũng bị cơ quan CSĐT khởi tố về tội “giao cấu trẻ em”.
 
Xung quanh các quyết định khởi tố bất bình thường này, dư luận tỏ ra hết sức bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về chuyện tiêu cực trong quá trình tố tụng của cơ quan CSĐT. Vì sao từ một gia đình nạn nhân lại bị cơ quan CSĐT khởi tố oan sai như vậy? Vì sao một kẻ có hành vi cưỡng bức em B.H.V mà chỉ bị khởi tố về tội giao cấu với trẻ em có khung hình phạt thấp hơn nhiều so với tội “hiếp dâm trẻ em”?.
 
Do đó Vụ thực hành quyền công tố Kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A, VKSND Tối cao) khẳng định: Nguyễn Văn Hưởng có hành vi cưỡng hiếp cháu B.H.V nhưng cơ quan điều tra khởi tố về tội “giao cấu với trẻ em” là không đúng với hành vi phạm tội của bị can.
 
Lấy lời khai không có giám hộ
 
Theo trình bày của cô giáo Bùi Thị Đức, mặc dù vừa bị đối tượng Hưởng hãm hại, tinh thần V vẫn đang rất hoảng loạn nhưng trong suốt quá trình lấy lời khai của V, cơ quan điều tra đã không cử người làm giám hộ.
 
“Có một số văn bản ghi lời khai của V khi tôi không có mặt, nhưng các điều tra viên vẫn bắt tôi kí vào đó. Ngoài ra khi cơ quan điều tra đưa V đi giám định thì tôi cũng không được đi cùng để chứng kiến”, cô giáo Đức trình bày.
 
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, Thượng tá Phạm Văn Tâm, Phó trưởng CA TP Sơn La (Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT CA TP Sơn La) cho biết, ông không nắm được chuyện các điều tra viên lấy lời khai của V có người giám hộ hay không.
 
Kì 5: “Quá nhiều vi phạm về tố tụng hình sự” - 1
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: "Tính minh bạch của vụ án đã không được thể hiện"
 
Nhận định về vụ án này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho V nói: “Thường cơ quan CSĐT khởi tố tội nào đó rất “an toàn”. Trong trường hợp này cơ quan điều tra khởi tố Hưởng về tội “giao cấu trẻ em” là chuyện không có gì để bàn. Thế nhưng trong quá trình điểu tra, nếu thấy đủ bằng chứng để định tội danh khác, cụ thể ở đây là phải hướng tới tội danh “hiếp dâm trẻ em” vì rõ ràng Hưởng có hành vi cưỡng bức V, thì phải thay đổi tội danh.
 
Trong trường hợp này làm thế nào để khẳng định Hưởng phạm tội hiếp dâm trẻ em hay giao cấu với trẻ em, thưa luật sư?
 
Pháp luật quy định về hành vi cưỡng bức người ta thì phải coi là hiếp dâm bởi trong hành vi này chỉ có 2 người, cụ thể người bị hại là cháu V còn Hưởng là bị can. Như vậy căn cứ nào có thể tin cậy là hiếp dâm hay giao cấu? Thì trong luật tố tụng hình sự, người ta nghiêng về phía lời khai của bị hại vì đây là loại tội được xem xét khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
 
Bởi đối tượng thực hiện hành vi cưỡng bức thì bao giờ cũng nói rằng mình có sự thỏa thuận để trốn tội, còn bị hại sẽ khai là bị cưỡng bức. Vậy thì ngoài những lời khai ấy, cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra thêm nhiều chi tiết khác, như hiện trường, nhân thân của bị can, các mối quan hệ giữa nạn nhân và bị can trước đó…
 
Thưa luật sư, việc cơ quan CSĐT trong quá trình lấy lời khai của V, theo quy định của pháp luật thì phải có người lớn giám hộ, trong trường hợp này mẹ V phải là người giám hộ. Nhưng điều đó không được thực hiện liệu bản chất của vụ án có bị thay đổi?
 
Trong luật quy định rất rõ, buộc các cơ quan tố tụng phải mời người giám hộ khi đối tượng làm việc dưới 18 tuổi. Trong trường hợp này khi các cơ quan tố tụng lấy lời khai của V mới hơn 13 tuổi là bắt buộc phải có người giám hộ. Cho nên không có người giám hộ là vi phạm tố tụng hình sự.
 
Hồng Ngân