1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiếp vụ nữ sinh 13 tuổi bị hiếp dâm ở Sơn La:

Kì 4: Trả lại danh dự cho cô giáo bị bắt oan sai

(Dân trí) - Điều mà dư luận mong chờ việc cơ quan tố tụng TP Sơn La xin lỗi công khai cô giáo Bùi Thị Đức cũng đã đến. Nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: việc các cán bộ điều tra bắt người oan sai ấy sẽ bị xử lí như thế nào?

Một quyết định bắt người oan sai khiến một gia đình tan nát

16h chiều 29/9, ông Trần Phúc Thành, Viện trưởng VKSND cùng kiểm sát viên Nguyễn Minh Tuấn và Trung tá Cà Văn Phụi, Phó trưởng CA TP Sơn La đại diện cho các cơ quan tố tụng đứng ra xin lỗi công khai cô giáo Bùi Thị Đức trước toàn thể chính quyền địa phương, ngành giáo dục nơi cô giáo Đức đang cư trú và công tác.
 
Kì 4: Trả lại danh dự cho cô giáo bị bắt oan sai - 1

Các cơ quan tố tụng TP Sơn La xin lỗi công khai về việc bắt giam oan sai cô giáo Đức.

Các cơ quan tố tụng TP Sơn La thừa nhận việc bắt tạm giam oan sai cô giáo Bùi Thị  Đức về tội “cưỡng đoạt tài sản”, trong vụ án “nữ sinh 13 tuổi bị hiếp dâm kêu cứu”.

Trở lại vụ án, ngày 27/8, nữ sinh B.H.V bị đối tượng Nguyễn Văn Hưởng (quê TP Lào Cai) thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau khi bị gia đình V phát hiện, Hiển đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và muốn được thỏa thuận bồi thường về vật chất cho gia đình V.

Được cô giáo Đức là mẹ V đồng ý, trước mắt gia đình Hưởng đã bồi thường cho gia đình V số tiền là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi 2 gia đình đang trong quá trình thỏa thuận bồi thường, được sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp, ngày 1/9/2010, cơ quan CSĐT đã bất ngờ ra quyết định khởi tố bị can bắt tạm giam cô giáo Đức về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Quyết định bắt người bất bình thường này khiến cho dư luận tỏ ra bức xúc và đặt nhiều câu hỏi xung quanh chuyện tiêu cực.

Trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Vĩnh, Phó trưởng Phòng GD - ĐT TP Sơn La cho biết, sẽ xem xét tiếp nhận cô giáo Đức quay trở lại công tác  theo đúng quy định của pháp luật.
 
Nguồn tin Dân trí cho hay, liên quan đến vụ các cơ quan tố tụng TP Sơn La bắt tạm giam oan sai cô giáo Đức, Bộ CA đã vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân động cơ của vụ việc và kiên quyết xử lí những người có liên quan làm sai các quy định của pháp luật.

Và sau hành trình đi đòi công lí để minh oan cho mẹ của cô con gái Bùi Thị Hương, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Luật Hà Nội, ngày 22/9 vừa qua, các cơ quan tố tụng TP Sơn La đã thừa nhận việc bắt tạm giam cô giáo Đức là oan sai và xin lỗi công khai, bồi thường oan sai cho cô giáo Đức theo nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trở về từ trại tạm giam sau 23 ngày bị bắt oan sai, trong căn nhà lạnh lẽo mùi ẩm mốc vì thiếu vắng hơi người, cô Đức đã khóc tức tưởi than rằng: “sau quyết định bắt tạm giam của cơ quan CSĐT, giờ đây gia đình tôi tan nát hết rồi! Mẹ con mỗi người một ngả, danh dự, nhân phẩm của một nhà giáo bị kết tội oan làm thế nào để lấy lại được…?”.

Một vụ án có quá nhiều điểm bất bình thường

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), theo những tài liệu chứng cứ có được thì có thể khẳng định việc các cơ quan tố tụng TP Sơn La bắt cô giáo Bùi Thị Đức về tội “cưỡng đoạt tài sản” là hoàn toàn trái pháp luật và bản thân họ cũng thừa nhận việc này.

Thưa luật sư, theo tài liệu điều tra mà các cơ quan tố tụng TP Sơn La dựa vào để khởi tố cô giáo Đức về tội “cưỡng đoạt tài sản” là rất yếu và mơ hồ. Vậy thì, phải chăng có sự giăng bẫy nào với gia đình cô giáo Đức?

Có chuyện giăng bẫy hay không thì chưa đủ cơ sở để kết luận, nhưng ở đây việc bắt giữ có giáo Đức về tội “cưỡng đoạt tài sản” là trái pháp luật, dẫn đến oan sai là chắc chắn.
 
Kì 4: Trả lại danh dự cho cô giáo bị bắt oan sai - 2

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: "một vụ án có quá nhiều điểm bất bình thường cần được làm rõ"

Tôi thấy lạ ở chỗ họ là những người đại diện cho các cơ quan thực thi pháp luật mà họ không hiểu rằng điều 135 của Bộ luật Hình sự quy định: “người nào đe dọa hoặc dùng vũ lực đe dọa bằng những thủ đoạn khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì đấy là tội cưỡng đoạt tài sản.

Còn trong tất cả các tài liệu điều tra đều thể hiện rằng, không có chuyện cô giáo Đức, hoặc gia đình cô dùng vũ lực đe dọa Hưởng hoặc gia đình Hưởng.

Ngoài ra thêm một điều hết sức phi lí là trong gia đình chỉ có cô giáo Đức là phụ nữ chân yếu tay mềm, và con gái 13 tuổi. Bên kia gia đình Hưởng có tới 6 người khỏe mạnh gồm: Hưởng, 2 anh trai và mẹ Hưởng cùng vợ chồng ông bà chủ Thanh - Hạnh nơi mà Hưởng làm thuê thì làm sao mẹ con cô giáo Đức có thể dùng vũ lực đe dọa Hưởng để cưỡng đoạt tài sản.

Còn nếu nói về khía cạnh cô giáo Đức dùng thủ đoạn không tố cáo hành vi phạm tội của Hưởng đến cơ quan pháp luật hòng chiếm đoạt tài sàn thì lại càng không đúng. Bởi, xét về tâm lí thì những người phạm tội luôn muốn trốn tránh hành vi phạm tội của mình trước cơ quan pháp luật.

Vì vậy người phạm tội bao giờ cũng có chủ trương mục đích đưa ra những lợi ích vật chất để làm sao đó người bị hại không tố cáo mình trước pháp luật. Ở đây, bản thân Hưởng đã viết bản tường trình thừa nhận có hành vi giao cấu với cháu V và đương nhiên người ta có thể biết đó là tội giao cấu với trẻ em. Thế thì tâm lí của Hưởng là muốn thoát tội nên Hưởng và gia đình phải đưa ra lợi ích vật chất cho gia đình bị hại bằng một khoản tiền nào đó để tránh việc họ đưa Hưởng ra cơ quan pháp luật.

Do đó, khẳng định bà Đức không có hành vi đe dọa tố cáo Hưởng ra cơ quan pháp luật để chiếm đoạt tài sản của Hưởng. Vì lẽ người thực hiện hành vi phạm tội là người phải đưa ra yêu cầu bồi thường. Và ở đây rõ ràng vấn đề xin được giải quyết tình cảm và bồi thường vật chất là do Hưởng và gia đình đặt ra thì làm sao có thể kết tội cô giáo Đức là “cưỡng đoạt tài sản”.

Còn đối với các gia đình bị hại trong các vụ án hiếp dâm thường nhiều khi vì hiểu biết pháp luật kém và tâm lí muốn giữ kín tiếng cho con gái, tránh ảnh hưởng việc sau này con đi lấy chồng nên nhiều gia đình dễ dàng bằng lòng chấp nhận khoản tiền bồi thường ấy mà không đưa ra xử lí trước pháp luật.

Khẳng định Hưởng cưỡng bức cháu B.H.V, thì đó là vụ án hiếp dâm và nó thuộc án hình sự nghiêm trọng thì 2 gia đình có được phép thỏa thuận bồi thương không, thưa luật sư?

Trong một vụ án hình sự, vấn đề bồi thường dân sự giữa 2 bên vẫn được coi là vấn đề tự thỏa thuận cao nhất. Và xét trên góc độ bị cáo thì việc tự nguyện bồi thường thiệt hại được xem là tình tiết giảm nhẹ quy đinh tại điểm b, khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự.

Do đó việc gia đình cô giáo Đức và gia đình Hưởng thỏa thuận bồi thường vật chất cho nhau một cách tự nguyện thì không có luật nào cấm, bởi đấy là nguyên tắc cao nhất của Bộ luật Dân sự và trong một vụ án hình sự thì việc tự thỏa thuận bồi thường về mặt dân sự thuộc về các bên đương sự.

Nhưng nếu các bên không thỏa thuận được với nhau thì sau khi ra Tòa, Tòa sẽ tuyên bị cáo phải bồi thường số lượng tiền, phía bị hại có thể đưa ra mức bồi thưởng để tòa xem xét.

Vì vậy, có thể khẳng định việc gia đình Hưởng đưa 50 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho cháu V là hành vi hoàn toàn tự nguyện thuộc về phía Hưởng. Như vậy việc thỏa thuận bồi thường đó là không trái với quy định của pháp luật thì đương nhiên trong trường hợp này cô giáo Đức không thể phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Ông nhận xét thế nào về vụ việc này?

Đây là một vụ án có nhiều điểm hết sức bất bình thường. Việc cơ quan CSĐT tiến hành bắt cô giáo Đức cho thấy cũng không phù hợp. Bởi trong trường hợp này, kể cả cơ quan CSĐT có tiến hành bắt khẩn cấp thì sau khi bắt người xong cơ quan CSĐT phải tiến hành các thủ tục khám xét và có người khám xét.

Nhưng ở đây cơ quan CSĐT đưa cô giáo Đức lên làm việc rồi tiến hành việc bắt cô giáo Đức ngay tại cơ quan CSĐT. Bằng chứng là khi cô Đức bị cơ quan điều tra đưa về UBND phường sở tại để làm thủ tục về việc bắt người thì cô Đức đã bị khóa tay từ khi ở CA thành phố.

Và việc bắt cô Đức tại UBND Phường cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi nếu có đủ tài liệu chứng minh cô Đức phạm tội thì cơ quan điều tra phải đưa cô Đức về nhà rồi mời chính quyền địa phương, đại diện tổ dân phố đến chứng kiến và sau khi đọc lệnh bắt cô Đức thì mới được tiến hành khóa tay cô Đức.

Việc bắt người khẩn cấp thì phải tiến hành song song với việc khám nhà để thu giữ tài liệu liên quan nếu có, để tránh việc phi tang tẩu tán tang vật. Nhưng cơ quan CSĐT TP Sơn La đã không làm như vậy cho thấy họ đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự. Điều đó cần được cơ quan cấp trên có thẩm quyền làm rõ để xử lí nghiêm trước pháp luật.

Hồng Ngân