1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khuyến nghị nào khắc phục nút thắt phát triển cho vùng ĐBSCL?

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Theo nhóm nghiên cứu, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu như 2 thập niên trước vùng đóng góp khoảng 16% GDP thì nay tỷ trọng này chỉ còn 12%.

Sáng 12/12, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố báo cáo kinh tế thường niên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023.

Trưởng nhóm nghiên cứu là Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cùng 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia thực hiện. 

ĐSBCL còn nhiều nút thắt cản trở sự phát triển

Khuyến nghị nào khắc phục nút thắt phát triển cho vùng ĐBSCL? - 1

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham dự buổi lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên năm 2023 (Ảnh: Huỳnh Hải).

Báo cáo cho thấy, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm lại trong năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, dân số của ĐBSCL chỉ tăng khoảng 10.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của ĐBSCL (0,55‰) cũng thấp nhất trong số các vùng và thấp hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (9,7‰).

"Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước, ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái dân số vàng chỉ trong vài năm tới", nhóm nghiên cứu nhận định.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%); sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng còn rất lớn; môi trường kinh doanh (PCI) cũng thấp hơn so với cả nước.

Theo nhóm nghiên cứu, tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ 2 với khoảng 32.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng là 3%.

Theo báo cáo, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu như 2 thập niên trước vùng đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay tỷ trọng này chỉ còn 12%.

Còn so với TPHCM, mức độ tụt hậu của ĐBSCL nghiêm trọng hơn khi chỉ xấp xỉ 3/4.

Sự tương phản đó cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 6 nhóm nguyên nhân liên quan gồm: Điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng.

Trong đó, nút thắt chủ yếu nằm ở thể chế đang làm cản trở phát triển kinh tế vùng trong hiện tại và nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì vùng sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.

Khuyến nghị tháo gỡ

Tại lễ công bố, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 5 khuyến nghị để khắc phục các nút thắt cho vùng ĐBSCL, đó là: Sửa đổi Luật Đất đai; tư duy mới về an ninh lương thực; quản trị và quản lý tài nguyên nước; thể chế quản trị và điều phối vùng; các thể chế liên kết phi chính thức và vi mô.

Khuyến nghị nào khắc phục nút thắt phát triển cho vùng ĐBSCL? - 2

ĐBSCL vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển hơn nữa. Trong ảnh là khu vực sông Tiền nơi có cầu Mỹ Thuận và Mỹ Thuận 2 đang xây (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, để giải quyết thách thức chung của vùng, nhất thiết phải có một cơ chế điều phối vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả. Ông cho rằng, trong dài hạn lý tưởng nhất là có một "chính quyền cấp vùng" cho vùng ĐBSCL có thẩm quyền về tài khóa, quy hoạch và nhân sự.

Khi đó, "chính quyền vùng" sẽ ở vị trí và có động cơ theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng chứ không bị chi phối bởi lợi ích có tính cục bộ của từng địa phương. Đồng thời, khi ấy vùng sẽ có quy mô đủ lớn để xây dựng một cơ cấu kinh tế hoàn chỉnh và hiện đại.

Trong điều kiện không thể tổ chức "chính quyền cấp vùng" thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các cơ chế điều phối vùng hiện hữu. 

Tuy nhiên, để tránh chồng chéo, đồng thời đảm bảo hiệu quả và hiệu lực thực thi, tốt nhất nên dựa vào một cơ chế đáp ứng tốt nhất các điều kiện: Có đủ thẩm quyền pháp lý; có ngân sách; có phân công, trách nhiệm giải trình rõ ràng; có lộ trình triển khai cụ thể; có bộ máy thường trực đủ năng lực theo dõi và đánh giá; các bên hữu quan có động cơ thực thi.