1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những điểm khó nào của nông nghiệp ĐBSCL cần phải tháo gỡ?

Bảo Trân

(Dân trí) - Đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây nhưng quá trình thu hút đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp không ít khó khăn.

Ngày 30/10, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

"Khó nhất ở ĐBSCL hiện là liên kết giữa doanh nghiệp và người dân"!

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, một trong những vấn đề nan giải mà ĐBSCL gặp phải trong quá trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp là thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân về bao tiêu sản phẩm.

"Khó nhất ở ĐBSCL hiện là liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, chúng ta phải làm, không làm bây giờ thì sau này cũng sẽ làm. Khi có liên kết mới giảm được chi phí sản xuất; vấn đề giá cả tăng, giảm hay tranh mua, bán lâu nay đều xuất phát từ việc thiếu liên kết", Thứ trưởng Nam nêu rõ và cho rằng nếu liên kết chặt chẽ sẽ có đầu vào và đầu ra.

Những điểm khó nào của nông nghiệp ĐBSCL cần phải tháo gỡ? - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bảo Trân).

Theo ông Trần Thanh Nam, ĐBSCL cần tập trung các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, lĩnh vực logistics, nhất là ở các vùng nguyên liệu tập trung lớn. Trong đó, có kho bảo quản giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.

Hiện Bộ NN&PTNT phối hợp các đơn vị liên quan triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL", tiến đến nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người dân, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, nhiều đơn vị, địa phương cũng cho rằng, để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL, cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023 đầu tư cho nông nghiệp ĐBSCL khoảng 100.000 tỷ đồng

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng, đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 95% lượng gạo và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước; có vị trí chiến lược quan trọng trong hoạt động giao thương với các nước trong khu vực.

Những điểm khó nào của nông nghiệp ĐBSCL cần phải tháo gỡ? - 2

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng, đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Nhiều dự án đã triển khai góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp của vùng.

Trong đó, có một số dự án đầu tư lớn như: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại Long An, có vốn 1.000 tỷ đồng; Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại Tiền Giang, vốn 500 tỷ đồng; Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại Cà Mau, vốn 200 tỷ đồng;...

Theo các địa phương, ĐBSCL có nhiều điểm mạnh vượt trội, tiềm năng nhưng thực tế việc triển khai chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; trình độ sản xuất, năng suất lao động của nông dân còn thấp; hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao; trình độ quản lý của các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

Điều kiện tự nhiên của ĐBSCL còn nhiều khó khăn bởi địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai; thiếu liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp;…