1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lào Cai:

Khúc sông Hồng đen kịt, bốc mùi vì nước thải của nhà máy sắn

Trần Thanh

(Dân trí) - Trong quá trình sản xuất, một nhà máy chế biến sắn ở xã Tân An, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã để nước thải rò rỉ từ bãi tập kết, xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Thời gian qua, nhiều người dân tại xã Tân An, huyện Văn Bàn cho biết họ đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng nề do một nhà máy chế biến sắn trên địa bàn gây ra. 

Khúc sông Hồng đen kịt, bốc mùi vì nước thải của nhà máy sắn - 1

Toàn cảnh Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Tân An. Khu vực bãi tập kết vỏ sắn làm rò rỉ nước thải ra sông Hồng được khoanh tròn đỏ (Ảnh: Trần Thanh).

Theo đó, cả một khúc sông Hồng, đoạn chảy qua Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Tân An, có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Người dân phản ánh, mỗi khi nhà máy hoạt động, mùi chua, hôi thối bốc lên nồng nặc. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để.

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ gây ô nhiễm mùi, nước thải từ nhà máy còn rò rỉ trực tiếp ra sông Hồng. Cụ thể, tại khu vực bãi để vỏ sắn của nhà máy không xây dựng tường bao, không có bể chứa. Hàng ngày, nước thải màu đen chưa qua xử lý vẫn chảy trực tiếp xuống sông Hồng.

Khúc sông Hồng đen kịt, bốc mùi vì nước thải của nhà máy sắn - 2

Nước thải rò rỉ từ bãi tập kết vỏ sắn của nhà máy sắn Tân An ra sông Hồng (Ảnh: Trần Thanh).

Đi dọc theo bờ sông khu vực nhà máy sắn, nhiều đoạn sông bị ô nhiễm nặng. Nước rò rỉ chảy cả ngày đêm bốc mùi hôi thối, mặt sông nổi bọt, nước đổi màu, bờ sông bám két đen kịt.

Khu vực cống xả thải chính của nhà máy sắn bốc mùi nồng nặc, bọt trắng xóa.

Khúc sông Hồng đen kịt, bốc mùi vì nước thải của nhà máy sắn - 3

Khu vực cống xả chính nước thải bọt trắng xóa (Ảnh: Trần Thanh).

Một số ngư dân dọc bờ sông Hồng cho biết, trước đây đánh lưới khu vực này được cá, giờ lưới đặt xuống nhấc lên chỉ có màu đen kịt bám vào, cá không còn sống được do nước thải từ nhà máy sắn xả ra.

Khúc sông Hồng đen kịt, bốc mùi vì nước thải của nhà máy sắn - 4

Cả một khúc sông Hồng chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối (Ảnh: Trần Thanh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cầm Tiến Đông, quyền Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết nhà máy sắn Tân An (thuộc Công ty TNHH một thành viên chế biến nông sản Hiếu Hưng) được xây dựng và đi vào hoạt động từ 2005, với tổng diện tích khoảng 18ha, tổng đầu tư hơn 242 tỷ đồng. Sản lượng 250 tấn tinh bột sắn/ngày.

Theo ông Đông, tình trạng nhà máy xả thải ra sông Hồng là chính xác, gây ô nhiễm. Về vấn đề này, vào tháng 9 vừa qua, chính quyền địa phương đã đến và yêu cầu nhà máy sắn xử lý. Tuy nhiên, do đang vào vụ thua mua sắn, sản lượng hàng hóa lớn nên nhà máy chưa thể thực hiện.

Khúc sông Hồng đen kịt, bốc mùi vì nước thải của nhà máy sắn - 5

Nước thải rò rỉ từ bãi tập kết vỏ sắn của nhà máy sắn Tân An bốc mùi hôi thối nồng nặc (Ảnh: Trần Thanh).

"Cơ quan chức năng cũng nhiều lần làm việc với doanh nghiệp về vấn đề ô nhiễm môi trường, đơn vị này đã xây dựng thêm bể lắng, bể biogas theo công nghệ mới.

Việc nhà máy để nước thải từ vỏ sắn rò rỉ ra sông, chính quyền địa phương đã từng đến yêu cầu nhà máy xử lý, dọn dẹp lại bãi thải lên cao, không cho tràn xuống sông, không để tình trạng nước thải rò rỉ ra môi trường", ông Đông nói.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Nhuận, Phó Giám đốc nhà máy sắn Tân An, xác nhận, tình trạng ô nhiễm do khu vực bãi thải để vỏ sắn (rộng khoảng 2.000m2) của công ty chưa xây dựng tường bao, việc rò rỉ nước thải từ đây ra sông Hồng là do mưa ngấm, chảy tràn ra.

Theo ông Nhuận, do thời điểm này đang vào vụ sắn nên công ty chưa thể khắc phục ngay tình trạng rò rỉ nước thải. Ngoài ra, việc xây dựng tường bao và hệ thống xử lý nước thải gặp khó vì kết cấu địa chất gần bờ sông khó xử lý. Đơn vị này cố gắng tới tháng 2/2024 sẽ xử lý.

Ông Nhuận khẳng định, ngoài vấn đề ô nhiễm do nước thải rò rỉ từ bãi tập kết vỏ sắn, nước thải tại cổng xả chính vẫn đảm bảo an toàn với môi trường.

Ông Nhuận dẫn chứng, tháng 10 vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai đã kiểm tra mẫu nước thải của nhà máy đổ ra môi trường thì vẫn trong ngưỡng an toàn và đảm bảo. Ngoài ra, nhà máy còn có 5 bể xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường và 2 hồ biogas.

Trước đó, năm 2016, UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV chế biến nông sản thực phẩm Hiếu Hưng, tổng số tiền phạt là 200 triệu đồng.

Lý do nhà máy chế biến tinh bột sắn của doanh nghiệp tại thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Văn Bàn vi phạm đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định về bảo vệ môi trường.