1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khu vực Chùa Cầu ở Hội An sẽ hết ô nhiễm

(Dân trí) - Với số tiền đầu tư trên 243 tỉ đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, công trình xử lý nước thải khu vực Chùa Cầu, Hội An đã được đưa vào sử dụng, người dân, du khách và chính quyền địa phương hy vọng ô nhiễm từ Chùa Cầu sẽ chấm dứt.

Chiều 16/11, UBND TP Hội An, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, Công sứ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình nhà máy xử lý nước thải khu vực Chùa Cầu, Hội An sau 18 tháng xây dựng.

Lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải khu vực Chùa Cầu chiều 16/11
Lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải khu vực Chùa Cầu chiều 16/11

Theo báo cáo của ông Phạm Văn Điểu – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Hội An, tổng mức đầu tư dự án trên 243 tỉ đồng, trong đó phần vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản khoảng 225 tỉ đồng. Nhà máy xử lý nước thải có công suất 2.000m3/ngày đêm được xây dựng tại phường Cẩm Phô, Hội An.

Nhà máy xử lý nước thải
Nhà máy xử lý nước thải

Theo ông Điểu, công trình cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu, Hội An hoàn thành sẽ giải quyết tốt môi trường khu vực gồm các xã Cẩm Hà, phường Tân An, phường Thanh Hà, phường Cẩm Phô và phường Minh An với khoảng 1.000 hộ dân; cải thiện môi trường sống trong lành cho nhân dân và khách du lịch.

“Dự án đưa vào vận hành là động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng, đồng thời cũng là điều kiện để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho TP Hội An, thể hiện mối đoàn kết giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản”, ông Điểu phát biểu.

Bên trong nhà máy xử lý nước thải
Bên trong nhà máy xử lý nước thải

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch TP Hội An cho rằng, Chùa Cầu hay còn gọi là cầu Nhật Bản là biểu tượng cho mối quan hệ khắng khít giữa hai nước Việt Nam và Nhật bản từ quá khứ đến hiện tại.

Theo ông Dũng, việc ô nhiễm Chùa Cầu đã xảy ra nhiều năm nay do quá tải nhưng chính quyền TP Hội An chưa có biện pháp xử lý lâu dài, đồng bộ. Năm 2017, thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chính quyền Hội An rất vui mừng khi nhận được sự tài trợ của tổ chức này để xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Khu vực Chùa Cầu sẽ hết ô nhiễm sau khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động
Khu vực Chùa Cầu sẽ hết ô nhiễm sau khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động

Chủ tịch TP Hội An khẳng định, nước thải sau khi xử lý đã đạt đúng quy chuẩn của dự án đề ra. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ của Hội An học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ông cũng cam kết quản lý, vận hành nhà máy đúng kỹ thuật. Hy vọng sẽ giải quyết được ô nhiễm ở khu vực Chùa Cầu.

Ông Okabe Daisuke – Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tuy dự án gặp rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng dự án cũng được vận hành đúng kế hoạch. Ông mong rằng, sau khi dự án hoàn thành, chất lượng nước ở khu vực Chùa Cầu sẽ được cải thiện hơn nữa.

Khu vực Chùa Cầu trong vài năm trở lại đây trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là lúc thủy triều xuống. Sở dĩ nước ở khu vực Chùa Cầu ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt của cả ngàn hộ dân thải ra không được xử lý, cộng với rác thải sinh hoạt khiến khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng.

Hội An từ xa xưa đã có mối quan hệ mật thiết với Nhật Bản, người dân Nhật Bản đến Hội An làm ăn, sinh sống và đã tạo nên “phố Nhật Bản” vào thế kỷ 17 với biểu tượng là Chùa Cầu Nhật Bản.

Tuy nhiên, chất lượng nước của kênh Chùa Cầu bị ô nhiễm nặng do nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ vào. Từ đó công trình cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu đã được Chính phủ Nhật Bản viện trợ thông qua JICA.

Lãnh đạo TP Hội An khẳng định, đây là công trình đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, du khách đến và ở tại Hội An về việc giải quyết môi trường, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương.

C.Bính