1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hội An:

Bao giờ Chùa Cầu mới hết ô nhiễm?

(Dân trí) - Chùa Cầu là địa điểm không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi tham quan Hội An, nhưng đây cũng là địa điểm “nổi tiếng” ô nhiễm ở Hội An. Vậy khi nào mùi hôi thối tại khu vực Chùa Cầu mới hết ô nhiễm?

Chùa Cầu được các thương gia người Nhật Bản xây dựng đầu thế kỷ 17, là biểu tượng của TP Hội An và cũng là một điểm không thể thiếu khi tham quan phố cổ Hội An, nhưng dòng nước chảy dưới Chùa Cầu đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bao giờ Chùa Cầu mới hết ô nhiễm? - 1
Bao giờ Chùa Cầu mới hết ô nhiễm? - 2
Ô nhiễm nguồn nước tại kênh mương Chùa Cầu đã ở mức đáng báo động
Ô nhiễm nguồn nước tại kênh mương Chùa Cầu đã ở mức đáng báo động

Một người dân sống gần Chùa Cầu cho hay, nơi này bị ô nhiễm nhất vào lúc trời nắng nóng, lúc đó thủy triều xuống, nước thải từ khu dân cư đổ ra theo con mương dưới Chùa Cầu và bốc mùi ô nhiễm. Còn lúc thủy triều lên hay có mưa to thì ít ô nhiễm hơn. Tình hình này đã diễn ra từ mấy năm nay và ngày càng nặng hơn.

Lưới ngăn rác vào khe Ồ Ồ chảy dưới chân Chùa Cầu
Lưới ngăn rác vào khe Ồ Ồ chảy dưới chân Chùa Cầu

Nguồn ô nhiễm của con mương dưới Chùa Cầu chủ yếu là nước thải sinh hoạt của cư dân phố cổ của các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An… không được xử lý và xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, nguồn rác của du khách thải ra, của người dân sinh sống cũng là nguồn khởi phát ô nhiễm. Đặc biệt, du khách thả hoa đăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nơi này bị ô nhiễm nặng.

Hoa đăng được du khách thả trên sông Hoài cũng là một nguồn gây ô nhiễm
Hoa đăng được du khách thả trên sông Hoài cũng là một nguồn gây ô nhiễm

Mặc dù chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm như bơm nước từ sông Hoài vào cống ngầm đưa lên phía đầu con kênh để đẩy nước bẩn chảy ra sông, nạo vét lòng kênh… thế nhưng ô nhiễm vẫn đâu lại vào đấy ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham quan, du lịch tại di tích chùa Cầu nói riêng và khu vực trung tâm phố cổ nói chung.

Bao giờ Chùa Cầu mới hết ô nhiễm? - 6
Công nhân đi vớt hoa đăng và rác ở khu vực Chùa Cầu
Công nhân đi vớt hoa đăng và rác ở khu vực Chùa Cầu

Theo lãnh đạo TP Hội An, trước đây dòng nước chảy qua Chùa Cầu là mương tự nhiên. Nhưng sau đó dân cư hình thành, dòng chảy gánh thêm nước thải. Thành phố từng có dự án xử lý nước thải do Pháp tài trợ nhưng không đấu nối với khu vực Chùa Cầu, dẫn đến tình trạng nơi đây vẫn bị ô nhiễm cục bộ.

Một khảo sát mới đây của các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy, nồng độ một số chất đo được tại vài điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn quy định.


Chùa Cầu là điểm tham quan thu hút khách du lịch khi đến với đô thị cổ Hội An

Chùa Cầu là điểm tham quan thu hút khách du lịch khi đến với đô thị cổ Hội An

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An - cho biết, trước đây khe Ồ Ồ dành cho thoát nước vào mùa lũ nhưng do phát triển đô thị, đặc biệt là phát sinh rất nhiều cơ sở nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ở khu vực trung tâm nên nơi đây trở thành chỗ thoát nước thải của doanh nghiệp và người dân Hội An. Do đó, trong nhiều năm qua, thực trạng ô nhiễm của Chùa Cầu trở nên đáng báo động.

Nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu sẽ vận hành chính thức vào ngày 1/11/2018
Nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu sẽ vận hành chính thức vào ngày 1/11/2018

Nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật, đặc biệt là tổ chức JICA, từ 2016 đến nay TP Hội An đã xây dựng hồ sơ trình Chính phủ Nhật tài trợ không hoàn lại dự án triển khai xử lý nước thải Chùa Cầu với giá trị khoảng 260 tỉ đồng.

Đến nay sau gần 2 năm thi công, dự án kết thúc và chuẩn bị đưa vào vận hành. Hiện nay đơn vị thi công đang thực hiện những công đoạn cuối cùng, tổ chức cấy vi sinh vào dây chuyền xử lý của nhà máy xử lý nước thải.

Ô nhiễm khu vực Chùa Cầu – Hội An

“Chính thức vào ngày 1/11/2018, phía JICA sẽ tổ chức nghiệm thu và bàn giao toàn bộ dự án này cho Hội An vận hành. Trong dự án này, Hội An tham gia đối ứng 20% cho phần đền bù, giải phóng mặt bằng, còn đầu tư cho toàn bộ nhà máy do phía Nhật cung ứng”, ông Sơn nói.

Lãnh đạo TP Hội An khẳng định, sau khi dự án hoàn thành, chắc chắn môi trường nước Chùa Cầu sẽ được cả thiện vì toàn bộ nước thải trước khi thải ra khu vực Chùa Cầu đều được thu gom và xử lý tại nhà máy này. Không những thu gom xử lý khu vực khe Ồ Ồ và lượng nước qua Chùa Cầu mà địa phương còn mở rộng sang một số khu dân cư khác vì công suất của nhà máy từ 3-5.000m3 ngày/đêm.

Trạm xử lý nước thải đặt tại phường Cẩm Phô rộng 3.752m2, công suất 3.000-5000m3/ngày đêm, gồm các hạng mục nhà quản lý 2 tầng; cụm xử lý 1 tầng; các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6 km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ.

Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, không chỉ cải thiện môi trường nước khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu đô thị Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An.

Công Bính