1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khu tái định cư “treo” ở vùng sụt đất Quảng Trị

Gần 1 năm sau vụ sụt đất kinh hoàng tại thôn Tân Hiệp (Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị), 64 hộ dân vẫn phải ở trong lán tạm cạnh các móng nhà tái định cư dang dở. Đơn vị thi công khu tái định cư đã “lặn mất tăm”.

Khu “móng tái định cư”

 

Ngày 22/12, chúng tôi có mặt ở Động Mối (cách thôn Tân Hiệp 4 km, nơi được chọn là điểm tái định cư cho 64 hộ dân bị mất nhà trong vụ sụt đất kinh hoàng đêm 18/2/2006). Cả khu định cư vẫn ngổn ngang như một công trường dang dở, không khác thời điểm bà con mới chân ướt chân ráo dọn lên đây.

 

Có thể đếm được 26 ngôi nhà mới xây xong phần tường, 5 ngôi vừa đổ móng. Nhiều khoảnh đất khác đã khơi móng, chưa có dấu hiệu chuẩn bị xây cất.

 

Trên những nền mới đổ móng, la liệt cành cây, củi khô chằng chống các trụ sắt đã hoen gỉ sắp đổ nghiêng. Gọi là “trụ sắt” cho oai, chứ những thanh sắt này chỉ lớn hơn chiếc đũa ăn cơm chút xíu. Anh thợ xây Võ Mao ở làng đoán, đó là sắt phi 10 nhưng là loại gia công và không được xếp “hạng”, được gọi là “mười rơm”. Trụ sắt đã vậy, giằng móng dĩ nhiên cũng chẳng khá hơn. Anh Mao khẳng định: “Nếu các cơn bão vừa rồi mà vào, chắc chắn những nhà đã xây tường sẽ sập”.

 

Khu tái định cư “treo” ở vùng sụt đất Quảng Trị - 1
 

"Trụ sắt mười rơm".

 

Hầu hết người dân Tân Hiệp đều có ý định khi nào có tiền sẽ xây nhà lùi ra sau hay chệch ra hai bên khoảnh đất đã được chỉ định để đào móng, với lý do: Xây nhà theo “móng của Nhà nước” khó mà an toàn; nhà được “bao cấp” chỉ dùng là... nhà phụ thôi.

 

Cả thôn, mới chỉ có 4 ngôi nhà tình nghĩa đã hoàn chỉnh. Tất cả cư dân vẫn đang sống trong các căn nhà tạm nền đất, dựng bằng tôn xi-măng, tre nứa tự chặt và vật liệu từ ngôi nhà đã sập chuyển ở thôn cũ lên.    

 

Nhà thầu “chạy làng”

 

Sau sự cố sụt lún đất ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, mỗi hộ dân được 1 nhà hảo tâm là ông Hoàng Kiều (Chủ tịch tập đoàn RASS) ủng hộ 10 triệu đồng để xây nhà ở. Công ty TNHH An Cư được nhà tài trợ chỉ định phụ trách thi công.

 

Thế nhưng, theo lời kể của anh Võ Mao thì “Thợ xây đều là người ở ngoài Bắc vô, hình như họ chỉ đi làm lấy tiền theo công. Lúc mới vào, họ nói: Các bác cứ yên tâm, chúng tôi sẽ xây nhà đẹp cho các bác ở. Nhưng họ đi xây mà không có dụng cụ đầy đủ, thiếu ngược thiếu xuôi, người có bay thì dùng bay, không có thì lấy tay bốc. Nhiều nhà, chân tường rộng 4m nhưng lên phía cao thì nở thành... 4,2m”.

 

Chị Trần Thị Chìa thì buồn thiu kể: “Khi họ đến làng, chúng tôi mừng lắm, nghĩ sắp có nhà mới ở cho sạch sẽ, mưa khỏi dột, nắng khỏi nóng, nhất là cho trẻ có chỗ học hành đàng hoàng. Ai ngờ mấy tháng trôi qua, vẫn chỉ là mảnh đất đào dở dang”. Nhà định cư của 4 mẹ con chị Chìa (chồng chị đã qua đời sau 1 tai nạn bom mìn) mới chỉ có phần móng, bị mưa gió tấp đất lấp đầy, cây cỏ mọc um tùm.

 

Khu tái định cư “treo” ở vùng sụt đất Quảng Trị - 2
 

Chống trụ nhà bằng... cọc tre và gỗ.

 

Người dân Tân Hiệp cho biết: họ đã phản ánh về tiến độ xây nhà tái định cư ở Động Mối đến UBND huyện Cam Lộ. Sau khi UBND huyện cử người về khu vực này kiểm tra, sự thật mới phơi bày: Công ty TNHH An Cư không có đầy đủ các thủ tục cần thiết như thiết kế dự toán, không có giám sát. UBND huyện yêu cầu công ty bổ sung, nhưng công ty này cùng tổ thợ đã “cao chạy xa bay”.

 

Đến giờ, lãnh đạo địa phương vẫn không biết rõ ngọn ngành về Công ty An Cư, chỉ biết “hình như họ ở ngoài Hà Nội”.

 

Ông Nguyễn Công Phán - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: Sau khi sự việc vỡ lở, UBND tỉnh Quảng Trị đã làm việc với đại diện của nhà tài trợ. Sau buổi làm việc này, nhà tài trợ đã quyết định hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/hộ dân; UBND tỉnh cũng đồng thời hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ (nâng kinh phí xây dựng lên thành 20 triệu đồng/ngôi nhà), giao UBND huyện trực tiếp chỉ đạo và giám sát thi công.

 

Ông Phán khẳng định: Đến Tết Nguyên Đán, sẽ hoàn chỉnh 30 ngôi nhà. Số còn lại sẽ xong trong quý 1/2007.

 

Theo Trương Quang

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm