Khu nhà kiên cố rộng cả nghìn m2 bị bỏ hoang giữa núi rừng
(Dân trí) - Dự án khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã ở Hòa Bình có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Công trình làm xong nhà xưởng, các hạng mục phụ trợ kiên cố hết gần 13 tỷ đồng rồi bỏ hoang.
UBDN tỉnh Hòa Bình vừa giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND huyện Yên Thủy nghiên cứu, tổ chức đấu giá cho thuê đất đối với khu đất thực hiện dự án "Mô hình khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã huyện Yên Thủy" (tại thôn Thung Trộc, xóm Heo, xã Đa Phúc); tổ chức bán đấu giá tài sản đã đầu tư trên khu đất của dự án.
Số tiền thu được do đấu giá đưa vào ngân sách để sử dụng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình, nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc mô hình khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã huyện Yên Thủy.
Công văn nêu rõ, việc điều chỉnh, tạm ngừng, hủy bỏ dự án không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, quyết định việc tạm ngừng hoặc hủy bỏ dự án theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật về đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật có liên quan; có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề tồn đọng của dự án, đảm bảo không gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước...
Trước đó, thực hiện đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2017-2020, Bộ NN&PTNT tổng kết và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo), UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định đầu tư mô hình khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã huyện Yên Thủy.
Dự án có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh). Thời gian thực hiện dự án đến năm 2022.
Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho UBND huyện Yên Thủy làm chủ đầu tư. UBND huyện Yên Thủy đã lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các hạng mục cần thiết như: nhà xưởng, các hạng mục phụ trợ, bể tập kết rác, đế bê tông hệ thống xử lý, đế bê tông lò chịu tải...
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thủy, uớc tính dự án đã thực hiện được khoảng 32,1% khối lượng công việc, với số vốn đã giải ngân hơn 12,8 tỷ đồng (chiếm 71,3% nguồn vốn ngân sách Nhà nước).
Quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc, trong năm 2021 và 2022, UBND tỉnh Hòa Bình có công văn gửi Bộ NN&PTNT báo cáo, đề xuất, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cũng như dự thảo phương án tài chính, quản lý, vận hành dự án sau đầu tư.
Sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng có giải trình về công tác triển khai mô hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất dừng thực hiện dự án.
Lãnh đạo UBND huyện Yên Thủy cho biết, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện tiến hành các bước tiếp theo, để dự án tiếp tục được triển khai.
Đơn vị nào trúng đấu giá sẽ đầu tư hoàn chỉnh và tổ chức vận hành khu xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật, giải tỏa được khó khăn về khu xử lý rác trên địa bàn.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, toàn bộ công trình khu xử lý chất thải rắn liên xã của huyện Yên Thủy đã xây xong khu vực nhà xưởng và các khu vực phụ trợ. Công trình được đầu tư kiên cố, bên trong chưa có bất kỳ một thiết bị nào liên quan đến việc xử lý chất thải.
Toàn bộ khu nền của nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông đang để không và lênh láng phân trâu bò thải ra. Khu vực xây khu xử lý chất thải này nằm cách xa khu dân cư, nằm ẩn mình trong thung lũng xung quanh bao bọc bởi núi đá vôi và cây cối rừng núi hoang vu.
Một người dân cho biết, khi bắt đầu làm, ngày nào các tốp thợ cũng ra vào thi công, máy móc vận chuyển vật liệu vào ra nhộn nhịp. Người dân cứ nghĩ dự án sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều hộ dân có đất gần khu xử lý nhà xưởng sợ ô nhiễm nên đã bán lại đất và không canh tác nữa.
"Chờ mãi không thấy khu nhà xưởng này hoạt động, nhiều người dân chúng tôi mỗi khi đi làm đồng thường vào khu nhà này để tránh nắng mưa, có người còn đưa cả trâu bò vào để nhốt, súc vật phóng uế bừa bãi ô nhiễm khắp nền nhà", người dân nói.