1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

“Khu chung cư hiện đại của Thủ đô không bằng… vùng sâu!”

(Dân trí) - Ông Phan Huy Khang (cử tri phường Trung Hoà, Cầu Giấy) cho rằng, vùng sâu, vùng xa còn có nhà văn hoá, trường học… chứ khu chung cư hiện đại nhất nhì thủ đô chỉ có một trường học với mức học phí người thu nhập bình thường khó theo nổi.

Rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được người dân gửi tới lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo các quận trong buổi làm việc ngày 30/11.

Ông Nguyễn Đình Thi (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho rằng, dù quy định ban quản trị quản lý nhà chung cư đã được ban hành từ khá lâu, nhưng đến nay thành phố vẫn… chưa thực hiện. “Các cơ quan thường nói phải nghiên cứu, nhưng đã có quy định rồi, phải thực hiện, không nên nghiên cứu nữa”, ông Thi bày tỏ.

Cũng theo ông Thi, sau khi xây dựng các nhà chung cư, chủ đầu tư thường chuyển cho Xí nghiệp quản lý nhà đô thị và đơn vị này chỉ thu phí thu phí mà “quên” quản lý, sửa chữa. Vừa qua tại nơi ông sinh sống, người dân đã chủ động thành lập ban quản trị cùng với xí nghiệp quản lý toà nhà.

Vậy nhưng, theo ông Thi, cho đến nay phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn vẫn còn tư tưởng bảo vệ chủ đầu tư. “Họ bảo nếu có ban quản trị sẽ đấu tranh với chủ đầu tư, nhưng nếu có đấu tranh thì cũng phải theo pháp luật chứ”, ông Thi nói.

Cũng liên quan đến các khu chung cư, ông Phan Huy Khang (phường Trung Hoà, Cầu Giấy) nhìn nhận, khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính, nơi ông đang sống được xem là chung cư hiện đại, thậm chí nhất nhì tại Hà Nội, nhưng lại thua… vùng sâu, vùng xa!
 
“Khu chung cư hiện đại của Thủ đô không bằng… vùng sâu!” - 1
Ông Phan Huy Khang: đất đai được tận dụng đến từng centimet, không còn chỗ cho trường học

Sở dĩ như vậy bởi theo ông Khang, vùng sâu, vùng xa còn có nhà văn hoá, trường học, có internet… trong khi tại khu đô thị của ông chỉ có một trường học liên kết với nước ngoài với mức học phí mà những người thu nhập bình thường khó đáp ứng nối (2,5 triệu/tháng).

Đất đai trong khu đô thị đã được tận dụng đến từng centimet nên không còn đất để xây thêm trường. Chưa hết, các diện tích cây xanh 1, cây xanh 2 như quy hoạch ban đầu đã… bán hết. Chỉ còn diện tích cây xanh 3, nhưng đã chuyển mục đích sang xây bể bơi thông minh và đã 3 năm nay vẫn còn… dở dang.

Nhắc lại một lần nữa việc không bằng vùng sâu, vùng xa, ông Khang tiếp tục đề cập đến những nỗi niềm khác của cư dân nơi đây: “Có mấy khu thương mại lại đem sử dụng khám ung thư, nấu bia tươi, có khổ không?”.

Thực tiễn bất hợp lý trong mua nhà ở xã hội lại là “trăn trở” của ông Nguyễn Chính Hợp (Ngọc Khánh, Ba Đình). Theo ông Hợp, một căn hộ là mơ ước cả cuộc đời của người thu nhập thấp, nhưng những người có nhu cầu lại khó tiếp cận được nhà xã hội. Trong khi đó lại có chuyện những người không có nhu cầu vẫn mua được.

“Có những đại gia đi xe hơi mua được nhà xã hội hay ở chỗ tôi có gia đình nắm giữ vài ba căn hộ vẫn làm đơn xin tổ trưởng ký để xin mua nhà xã hội”, ông Hợp nói.

Giải đáp những “khúc mắc” của cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, việc thiếu trường học tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, thành phố tiếp thu và sẽ có công văn gửi chủ đầu tư khu đô thị, tập đoàn Vinaconex. Thành phố cũng tiến hành kháo sát, nếu có các khu đất trống, cây xanh có thể kết hợp với trường học sẽ cho xây dựng.

Đối với vấn đề ban quản trị đại diện nhà chung cư, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, mô hình này đã được thí điểm tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, nhưng có những bất cập nên thành phố đã báo cáo với lãnh đạo bộ Xây dựng để tháo gỡ.

Cấn Cường