1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không xử lý hình sự một số tội với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

(Dân trí) - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (Ảnh: Quochoi.vn)
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (Ảnh: Quochoi.vn)

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.

“Những trường hợp này sẽ được xử lý bằng các biện pháp giáo dục khác nhằm tạo điều kiện cho tương lai của các em. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các Bộ luật Hình sự từ trước đến nay của Nhà nước ta”- bà Nga nhấn mạnh.

Về phạm vi các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.

Việc quy định cụ thể từng tội danh mà các em có thể bị xử lý hình sự tạo thuận lợi, dễ dàng hơn trong nhận thức của chính bản thân các em cũng như của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật. Đồng thời, quy định này cũng nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo luật về việc bỏ Điều 292 “tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Tuy vậy cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc đưa vào các chương tương ứng về việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 không hoàn toàn loại bỏ các hành vi kinh doanh trái phép mà một số trường hợp được lồng ghép vào một số tội phạm cụ thể như hành vi buôn bán động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thuộc danh mục các loài hạn chế buôn bán vì mục đích thương mại, buôn bán thuốc lá điếu nhập khẩu có số lượng lớn dự kiến được bổ sung vào tội buôn bán hàng cấm...

“Việc hình sự hóa hành vi kinh doanh vàng trên tài soản, kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng máy tính… cần phải cân nhắc để quy định trong cấu thành định tội, định khung hình phạt để bảo đảm chặt chẽ. Đây là những vấn đề có liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành và quá trình thẩm tra có ý kiến đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương. Do đó, đề nghị cần có quan điểm chính thức của Chính phủ”- bà Nga nói.

Thế Kha